THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:39

Khai phá tiềm năng của con từ cách tiếp cận “STEAM”

08/03/2022 | 15:23
STEAM là phương pháp giáo dục tích hợp 5 môn học gồm Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Mathematics) và Nghệ thuật (Art). Khác với những phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục STEAM bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền tảng thì học sinh còn được tiếp cận với kiến thức hữu dụng từ đời sống thực tiễn, hình thành các kỹ năng cần thiết của thời đại mới.
Các em nhỏ sẽ vận dụng sự sáng tạo của mình để ứng dụng lý thuyết khoa học vào thực tế. Ảnh minh họa: Trường THPT Lômônôxốp

Các em nhỏ sẽ vận dụng sự sáng tạo của mình để ứng dụng lý thuyết khoa học vào thực tế. Ảnh minh họa: Trường THPT Lômônôxốp

Theo nhiều nghiên cứu thì phương pháp giáo dục STEAM sẽ rất hữu ích khi áp dụng trong các bậc học từ tiểu học đến THPT, với rất nhiều lợi ích như: Phát triển sự sáng tạo; Phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề một cách khoa học nhất; Khuyến khích trẻ nghiên cứu thử nghiệm khám phá; Tăng khả năng làm việc nhóm…

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ cần được giáo dục, tiếp cận với công nghệ mới từ sớm. Việc tiếp cận với công nghệ sẽ giúp trẻ thông minh hơn, dễ dàng hòa nhập và sử dụng linh hoạt các loại thiết bị hỗ trợ khi cần thiết. Nó sẽ là nền tảng tốt để các em không bị tụt hậu, không cảm thấy lạc lõng giữa sự phát triển không ngừng của xã hội và công nghệ mới. Ðặc biệt là với xu thế hiện tại khi bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại.

Hơn thế nữa, học tập thông qua việc tiếp cận với các thiết bị công nghệ sẽ giúp tăng sự tập trung, cô đọng, dễ hiểu cùng lưu lượng kiến thức truyền tải nhiều hơn, dễ tiếp thu. Do đó, giáo dục trên nền tảng công nghệ luôn được đặt lên hàng đầu tại các trường học hiện nay.

Phương pháp giáo dục STEAM thật sự hữu ích trong việc học tập hàng ngày của trẻ. Nhờ vào phương pháp này, trẻ có khả năng tương tác tốt hơn với các thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học.

Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, hàng loạt nghề nghiệp mới được tạo ra và cũng có rất nhiều thách thức cho giới trẻ. Có lẽ, cha mẹ sẽ giật mình khi biết rằng 75% các công việc hiện nay sẽ biến mất trong tương lai không xa, vì công nghệ sẽ thay thế công việc của con người. Vậy đâu là định hướng nghề nghiệp cho con cái chúng ta?

STEAM có thể là câu trả lời cho vấn đề này, vì những kỹ năng các con có được khi học STEAM sẽ giúp trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề vận dụng cả tư duy logic lẫn khả năng sáng tạo để học sinh có thể thích ứng với những thử thách này.

Chị Nguyễn Phương Thủy, Giám đốc điều hành của STEAM for Vietnam cho biết, học STEAM nghĩa là mình học tập để phát triển tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian của não trái, đồng thời phát triển kỹ năng xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước của não phải. Tiếp cận STEAM, các em nhỏ sẽ vận dụng sự sáng tạo của mình để ứng dụng lý thuyết khoa học vào thực tế. Ví dụ đơn giản như con có thể dùng những que kem nhỏ để xây dựng những cây cầu, hoặc chế tạo tên lửa, nước từ các vật liệu tái chế của các môn khoa học.

Việc học tập liên quan đến STEAM sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ em. Ảnh minh họa: Trường THPT Lômônôxốp

Việc học tập liên quan đến STEAM sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ em. Ảnh minh họa: Trường THPT Lômônôxốp

Tháng 6/2021, Tổ chức STEAM for Viet Nam Foundation và UNICEF công bố quan hệ hợp tác lâu dài để cung cấp cho trẻ em Việt Nam cơ hội học tập bình đẳng trong các lĩnh vực liên quan đến STEAM trực tuyến và trực tiếp, đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu. Việc học tập liên quan đến STEAM với phương pháp học tập hiện đại sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ em.

Theo STEAM for Vietnam và UNICEF, cha mẹ có thể áp dụng cách tiếp cận “STEAM” cho trẻ bằng cách:

Tin tưởng và ủng hộ trẻ phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở thích: Hãy cho trẻ thêm thời gian, cơ hội để khám phá và tìm hiểu chính bản thân. Cha mẹ đừng vội khẳng định con mình không có năng khiếu trong bất kì một lĩnh vực nào.

Khích lệ trẻ tự tìm tòi, khám phá: Phụ huynh cần đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tìm hiểu những điều mình muốn biết. Nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ tự khẳng định bản thân.

Biến công nghệ thành công cụ học hỏi hữu ích cho trẻ: Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Trước thực tế đó, phụ huynh thường lo lắng, sợ rằng con sẽ bị nghiện các thiết bị điện tử hay dành thời gian quá nhiều cho những thứ vô bổ. Song, cần phải thừa nhận là công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và trở thành xu hướng không thể tránh khỏi. Ðiều quan trọng là mình nắm bắt công nghệ và sử dụng công nghệ hợp lý cho cuộc sống của mình. Cha mẹ hãy quy định thời gian sử dụng và cùng con khám phá các website, các phần mềm bổ ích.

Cũng theo các chuyên gia, việc phổ cập công nghệ số và học tập sáng tạo nên được bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ (khi con học mầm non) và tiếp tục trong toàn bộ những năm học tiếp theo. Ðiều này sẽ giúp trẻ có thể làm cũng như tích lũy các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai.

Mặc dù vậy, sẽ có nhiều phụ huynh băn khoăn: Học STEAM có cần năng khiếu không? Làm thế nào để biết sở thích, sở trường của con? Theo chị Nguyễn Phương Thủy, người lớn phải để cho con thử các môn, kể cả các môn kỹ thuật khô khan. Chúng ta cần nhìn các em như những thiên tài có nhiều tiềm năng. Khi tiếp cận với các môn kỹ thuật, có thể đan xen hình ảnh, âm nhạc, để học mà chơi, chơi mà học, khơi dậy sự hứng thú cho trẻ.

Chị Thủy lấy ví dụ, học khoa học máy tính là học cách tư duy logic, học cách để giải quyết vấn đề. Trong ngành khoa học máy tính có khái niệm tư duy máy tính - chính là học cách giải quyết vấn đề, giúp các bạn nhỏ học thông minh hơn, bóc tách vấn đề rõ ràng và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

STEAM for Vietnam được thành lập vào tháng 5/2020 tại Mỹ với mục đích mang giáo dục STEAM miễn phí đến với người Việt. Sau một năm, tổ chức đã phát triển thành công hệ sinh thái công nghệ và triển khai các mô hình giáo dục mới cho 20.000 học sinh tại Việt Nam, như khóa học về tư duy tính toán, khoa học máy tính và robot...

Châu Anh Hưng
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

2 năm trước

Hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, gia đình cần theo dõi sát diễn biến tình trạng sau thời gian trẻ mắc COVID-19 và có thể đưa trẻ đến...
“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một tương lai bền vững”

“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một tương lai bền vững”

2 năm trước

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2022, ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA đã có bài viết: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một...
Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2: Hướng tới lối sống xanh và thân thiện với môi trường

Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2: Hướng tới lối sống xanh và thân thiện với môi trường

2 năm trước

Ngày 6/3, CHANGE phối hợp cùng Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI) và Phường 14, Quận 10, TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2...