THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 03:34

Khi lòng tin bị lợi dụng

21/12/2018 | 10:57
 
1. Với mong muốn không làm gánh nặng cho gia đình, nhiều NKT luôn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm. Chị Ng. - một NKT đã tốt nghiệp Cao đẳng Mầm non, đã  chống nạng đi xin việc không biết bao nhiêu nơi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Một lần lướt facebock, vô tình chị đọc được dòng trạng thái chia sẻ: “Cần tìm người làm thêm, việc nhẹ phù hợp với người rảnh rỗi, hoặc mẹ bỉm sữa, người khuyết tật… cam kết không thế chấp, không phải ôm hàng. Ai có nhu cầu Inbox…”. Đặc biệt, bên những dòng tin đó lại đính kèm những bức ảnh minh chứng những NKT đang vui mừng đón nhận các giải thưởng.


Có cơ hội, NKT sẽ có khả năng đóng góp cho xã hội. 
 
Sau vài tin nhắn Messenger, chị được hướng dẫn đăng các ảnh và dòng quảng cáo của một dòng sản phẩm chuyên các đồ gia dụng như: kem đánh răng, kem tẩy trắng, nước rửa bát… trên facebook của bạn bè và đặc biệt đưa lên càng nhiều các nhóm càng tốt. Sau đó, chị chỉ cần chụp lại ảnh màn hình minh chứng là mình đã share (chia sẻ) thông tin đó, gửi cho người bạn mới là… nhận tiền! Thật quá dễ dàng và đúng là không tốn gì ngoài một chút thời gian. Sau 1 tuần làm thử, chị Ng. gửi báo cáo kết quả, người bạn mới nhận xét chị làm rất tốt và nói chị cho tài khoản để chuyển tiền. Số tiền 200.000đ kiếm được trong 1 tuần với 1 vài tiếng nhàn nhã khiến Ng. lâng lâng sung sướng. Nhưng khi chưa kịp nhận được tiền thì chị Ng. liên tục nhận được tin nhắn và các bình luận hỏi mua hàng, Ng. lại hỏi người bạn mới, người bạn cho biết chiết khấu trên mỗi sản phẩm là 20% và nhân đôi nếu bán trên 100 sản phẩm cùng mặt hàng đó. Tính nhanh, 1 tuýp kem đánh răng là 50.000đ, nếu bán được 1 tuýp, chị có 10.000đ. Với các sản phẩm có giá tiền triệu thì quả thực quá hấp dẫn. 
 
Tiếp đến, Ng. liên hệ để lấy thử một ít hàng. Nhận hàng, Ng. bắt đầu liên hệ với những người đã hỏi mua hàng trên trang cá nhân của cô, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng hoặc vài câu trả lời thờ ơ: Có bảo hành không? Có shipcod được không?... Một đống hàng Ng. lấy về còn nguyên mà 200.000đ công tiếp thị thì “tiền chuyển khoản do khác ngân hàng nên chưa đến”. Một tháng đi qua, hai tháng đi qua, rồi năm, sáu tháng… Khi Ng. nhận ra mình bị lừa một cách tinh vi, số tiền tiết kiệm từ những đồng tiền trợ cấp khuyết tật nhỏ nhoi của chị đã mất hút cùng 200.000đ hứa hẹn thanh toán và người bạn mới trên mạng ảo. Hơn thế, chị còn nhận nhiều lời trách móc của bạn bè khi đã chia sẻ thông tin lên trang cá nhân của họ khiến họ bị làm phiền.

 Đã đến lúc, xã hội phải thay đổi mạnh cách tiếp cận mang tính từ thiện, nhân đạo thuần túy hiện nay sang hướng bảo đảm quyền cơ bản của NKT. Cần khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện các chương trình trợ giúp NKT theo cơ chế mềm dẻo, phù hợp.
 
2. Câu chuyện của Ng. chỉ là một trong trăm ngàn cách lừa đảo rất phổ biến hiện nay trên các trang mạng xã hội. Kể cả những người được coi là tinh quái vẫn bị lừa một cách ngoạn mục, khi được mời cộng tác những công việc tương tự mà đến khi chợt nhận ra thì họ đã là “người quảng cáo không công” cho các “công ty Lừa” một cách cực kỳ tích cực mất rồi! 
 
Tôi đã liên lạc được với những NKT có mặt trong các bức ảnh được đăng quảng cáo đó và đã được nghe những câu chuyện đầy bức xúc hơn: Em tham gia chia sẻ thông tin cho họ được vài buổi, biết em là NKT, họ mài nỉ mời đến tham dự sự kiện. Khi em nói mình khuyết tật nặng, phải có người trợ giúp và phải đi bằng taxi thì họ hứa hẹn là cứ đi đi sẽ có hỗ trợ. Vậy mà khi về nhắn tin nhắc cả trăm lần, gọi điện nhiều thì không ai nghe máy nữa. 
 
Tự tạo cơ hội việc làm cho chính bản thân mình là ước mong của NKT.
 
Có được công ăn việc làm là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế. Nắm được tâm lý đó, nhiều chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện, bằng cả những thủ đoạn bất lương là sử dụng hình ảnh của những NKT - Những hình ảnh hết sức phản cảm và chắc chắn những NKT đó không hề biết mục đích của họ là nhắm ngay vào những người đồng cảnh.
 
Việc lừa đảo gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc, danh dự với bất kỳ ai đã là hành động đáng lên án, nhưng việc lừa đảo nhắm vào những NKT và sử dụng hình ảnh của NKT để quảng cáo trái phép thì cần được pháp luật trừng trị thích đáng.
 
Nhiều NKT bị khiếm khuyết mặt này như họ lại giỏi mặt khác, họ có khả năng đóng góp cho xã hội rất lớn. Tìm kiếm một việc làm với những NKT là điều không phải dễ nhưng có thể cũng chẳng quá khó nếu cộng đồng chung tay cùng họ xóa bỏ mặc cảm, tự tin vào bản thân để tạo cơ hội cho mình. 
 
Dù Luật Người khuyết tật có quy định cũng như đã có các chính sách hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có hỗ trợ về việc làm, tuy nhiên, nhiều NKT vẫn chưa thực sự có cơ hội trong tìm kiếm việc làm. Hiện nay, việc làm với NKT phần lớn là những công việc do bản thân NKT hoặc gia đình tự tạo ra. 
 
Tự tạo cơ hội việc làm cho chính bản thân mình là cách mà những NKT đã và đang làm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, về lâu dài, bản thân NKT vẫn cần nhiều hơn nữa những sự hỗ trợ, sẻ chia của xã hội, để họ thực sự có một công việc ổn định, phù hợp với điều kiện sức khỏe cũng như khiếm khuyết của cơ thể và tiếp thêm động lực cho họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
 
Luật Người khuyết tật nghiêm cấm việc lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc NKT thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. Lợi dụng NKT, tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của NKT để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 
 

Trần Nam/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...