THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 06:41

Không được chủ quan với bệnh bạch hầu!

14/07/2020 | 08:00


Bệnh bạch hầu nguy hiểm đến mức nào?


Cái tên bệnh “bạch hầu” dường như nghe đã quen quen? Thật ra, đây là một căn bệnh đã xuất hiện từ lâu, đã có thuốc đặc trị. Do vậy, có vẻ nhiều người không tỏ ra lo lắng, sợ sệt khi bệnh bạch hầu được nói đến trên báo chí – truyền thông. Tuy nhiên, với nhiều người hiện nay, để hiểu rõ về bệnh bạch hầu, hoàn toàn cần thiết.


Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium Diphtheria) gây ra. Đây là một bệnh cấp tính với đặc trưng là hình thành lớp màng giả hay còn gọi là giả mạc ở tuyến hầu họng, tuyến hạnh nhân, niêm mạc trong mũi, thanh quản hay trên da, niêm mạc mắt, cơ quan sinh dục. Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc cấp tính nặng có nguy cơ gây tử vong. Căn bệnh này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, thanh quản, mũi, đôi khi ở da và các vùng niêm mạc khác...


Bệnh có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu là lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với dịch tiết hoặc đường hô hấp; nếu chủ quan, bệnh lây lan rất nhanh và nếu không chữa trị kịp thời, dễ biến chứng, dẫn tới tử vong. Do vậy, khi bệnh bạch hầu đã xuất hiện, tất cả mọi người trong xã hội phải cảnh giác; trường hợp mắc bệnh bạch hầu, cần được cánh ly với các thành viên trong gia đình và xã hội. Hiệu quả bảo vệ của vaccine bạch hầu là 97% và giảm dần theo thời gian nên tiêm chủng nhắc lại từ 18 – 24 tháng tuổi.


Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, yếu tố quyết định điều trị thành công trong loại bệnh này là cần phát hiện bệnh và điều trị sớm. Nếu đã xuất hiện biến chứng, việc điều trị vô cùng khó khăn, tỉ lệ tử vong cao. Việc điều trị bệnh sẽ rất khó khăn và phức tạp khi xuất hiện các biến chứng như viêm cơ tim gây rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim không phục hồi. Một nghiên cứu từ các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho thấy bệnh nhân bạch hầu có biến chứng tim, tỉ lệ tử vong lên đến 80%.


Như vậy, nếu chúng ta chủ quan và phòng chống bệnh thiếu cương quyết thì bệnh bạch hầu cũng rất nguy hiểm.


Khám sàng lọc, điều trị dự phòng. Ảnh: H.C.Đ

Bệnh bạch hầu đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em


Nếu dịch Covid-19 chủ yếu nhằm vào người cao tuổi thì bệnh bạch hầu chủ yếu nhằm vào trẻ em. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bạch hầu nhất hiện nay là trẻ em. Nhận định này đúng với tình hình ở Việt Nam hiện nay. Từ tháng 6 đến nay, bệnh bạch hầu bùng phát và lây lan nhanh tại 5 tỉnh Tây Nguyên, đã có 67 ca mắc và 3 trường hợp tử vong. Cả 3 ca tử vong đều là trẻ em: 1 bé trai 4 tuổi mắc bệnh bạch hầu tại huyện Đắk Đoa, Gia Lai; 2 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) là S.T.H. (nữ, 9 tuổi) và G.A.P. (nam, 13 tuổi) cùng ngụ tại tỉnh Đắk Nông. Đáng chú ý là các bệnh nhân đều không tiêm vaccine phòng bệnh trước đó.


Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7 đã có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành xác định vùng và đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh, đảm bảo đủ phương tiện, kinh phí, vật tư phòng dịch. Yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đủ vaccine phòng bệnh cho các tỉnh. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí phòng dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ.


Trước đó, ngày 6/7, UBND huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết, huyện đã thống nhất chủ trương cho nghỉ học 1 tuần đối với toàn bộ học sinh tại xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa - nơi phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 6/7. Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa - ông Phạm Minh Trung - cũng chỉ đạo, trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, các trường học trên địa bàn xã Hải Yang phối hợp với các UBND xã tuyên truyền để học sinh hạn chế ra ngoài, các giáo viên vẫn đến trường để tiến hành vệ sinh trường, lớp học.

Người dân đổ xô đi tiêm phòng.  Ảnh: TP

“Chống bạch hầu như Covid-19”


Đó là chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên họp phòng, chống bạch hầu diễn ra vào ngày 7/7. Ông Long cũng yêu cầu tiêm chủng diện rộng, lập các tổ công tác về nằm vùng ở tỉnh có dịch bạch hầu, nhằm dập dịch nhanh chóng. Sở dĩ cần phải làm như thế bởi tình hình bệnh bạch hầu hiện có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước: số các mắc gấp ba, bệnh xuất hiện ở nhiều nơi hơn, bệnh nhân mọi lứa tuổi, không chỉ trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong hiện nay khá cao.


Để phòng chống bạch hầu có hiệu quả, ngành Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho người từ 2 tháng tuổi trở lên. Trẻ em tiêm vaccine 3 trong 1, còn với người lớn tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Rất may là Việt Nam hiện có đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu. Bộ Y tế tổ chức tập huấn cán bộ y tế ở tỉnh có dịch, lập các tổ công tác điều trị “chốt” ở địa bàn, rà soát lại phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, đề nghị bổ sung kinh phí cho chương trình tiêm chủng mở rộng...


Kinh nghiệm cho hay, khi Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo sát sao, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình thì dịch chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Đẩy lùi được dịch bạch hầu, toàn dân đều được hưởng lợi, trong đó trẻ em được hưởng lợi nhiều nhất.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...