CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 06:16

Lá thư thời chiến - Những kỷ vật vô giá, thiêng liêng

05/08/2017 | 07:57

 

“Mỗi bức thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh, để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc…” - GS. Hoàng Chương.

Những lá thư thời chiến - Bản hùng ca của dân tộc Việt Nam

Đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng.
 
Lúc này, nhà văn Đặng Vương Hưng nhớ nhất tới câu chuyện nào trong số hàng vạn bức thư ông sưu tầm được?
 
Trong cuốn sách này có nhiều chuyện xúc động. Như thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho vợ Đặng Thị Sơ (Thái Bình) trước khi vào trận ở Thành cổ Quảng Trị. Như linh tính trước về cái chết của mình, biết tường tận nơi mình sẽ nằm xuống, anh dặn dò gia đình sau này giải phóng, tìm đến nơi anh yên nghỉ thì đến chỗ nào là tìm được mộ. Sau bao nhiêu năm, tìm thấy lá thư ấy, gia đình đã tìm được hài cốt của anh. Hay trường hợp, sau giải phóng hơn 20 năm, công nhân thi công ở Thành cổ Quảng Trị tìm thấy hầm mộ, trong đó thấy chiếc sắc cốt, cuốn sổ tay, mấy bức thư, và phát hiện ra là của liệt sĩ Lê Binh Chủng, thì mới biết được câu chuyện của 17 người lính hy sinh trên chiến hào, bị mìn đánh sập hầm, họ vẫn còn sống thêm mấy ngày nữa rồi hết thức ăn và hy sinh. Hài cốt của họ vẫn giữ được nguyên vẹn.
 
Mối duyên nào đã đưa ông đến với những lá thư thời chiến?
 
Một nhà sưu tầm người Mỹ sang Việt Nam và nhờ tôi sưu tầm thư. Anh ấy kể bị mất mấy lá thư của người yêu, tôi nói chuyện với anh ấy và nảy ra ý định tổ chức cuộc sưu tầm thư và nhật ký cho Việt Nam. Khắp nơi gửi đến nhiều quá, hàng vạn bức thư. Từ đó, mình mới biên soạn và giới thiệu tên người viết, nguồn gốc, xuất xứ, lời dẫn, thậm chí liên quan đến sự kiện, nhân vật thì mới có giá trị. Công việc này vô cùng vất vả, tốn nhiều công sức, đòi hỏi phải đam mê tìm tòi, nghiên cứu, chứ không thì nó chỉ là di vật. 
 
Qua thực tế, ông thấy những lá thư này có ý nghĩa như thế nào với các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công?
 
Những lá thư là bằng chứng cực kỳ chân thực của lịch sử. Có không ít trường hợp, qua cuốn sách, một số liệt sĩ được phong danh hiệu Anh hùng, một số trường hợp tìm thấy thân nhân, tìm thấy địa chỉ và tìm thấy danh tính của đồng đội. Chẳng hạn như liệt sĩ Hoàng Kim Giao là xuất phát từ tập thư này mà được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tác phẩm này đã tạo cảm hứng khơi nguồn cho nhiều hoạt động ý nghĩa, như Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, cùng với sự ra đời của hàng trăm tác phẩm của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”, phong trào “Tiếp lửa truyền thống” giữa các cựu chiến binh và thế hệ trẻ cả nước, đã diễn ra sâu rộng hàng chục năm qua.

Những lá thư mang dấu vết của thời gian.

Biên niên sử của nhân dân chép sử
 
Ông có nghĩ đến việc đưa lên mạng những lá thư thời chiến này để cho nhiều người biết tới, và biết đâu, từ những lá thư này lại có bộ phim tuyệt vời tiếp như “Đừng đốt” về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…?
 
Những lá thư ấy, làm thế nào để bạn đọc tiếp cận dễ hơn và hiệu ứng rộng mở ra cộng đồng xã hội hơn nữa thì phải có sáng kiến, được báo chí ủng hộ. Số lượng thư nằm trong các bảo tàng còn rất nhiều. Có nhiều cái khó, nhưng vẫn có thể làm được.
 

Bìa cuốn "Những lá thư thời chiến Việt Nam" do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu. 
 
Chắc chắn, bên điện ảnh sẽ khai thác được rất nhiều, qua báo chí, những tác phẩm văn học, thậm chí là văn bản học, xã hội học, mỗi người đều có thể nhìn, khai thác được từ những lá thư thời chiến. Bởi trong thư, các tác giả đều viết trung thực và giới sử học đánh giá đây là bộ sử của nhân dân chép sử. Người viết không phải mục đích tuyên truyền, mà viết để gửi cho nhau, thậm chí những điều mà nếu ngồi nói chuyện với nhau có khi không dám nói, nhưng thông qua trang giấy thì nói được những điều uẩn khúc, tế nhị, nên khi viết ra là viết rất thật về những niềm vui, những nỗi buồn, cả những nỗi sợ hãi. Các nhà sử gia người Mỹ và Pháp đánh giá rất cao, coi đây là biên niên sử của nhân dân chép sử, nó xuất hiện một cách vô tình, hồn nhiên, không ai có chủ ý cả.
 
Xin cảm ơn nhà văn.
 
 

Hồng Nga/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...