THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 07:05

Làm gì cho nông dân đỡ khổ?

19/03/2018 | 16:05
 
Đống củ cải héo khô vì bị vứt bỏ. Ảnh Internet
 
Hiểu cho đúng nỗi khổ của nông dân
                               
Nông dân Việt Nam ở mọi thời đại chưa bao giờ sướng. Mà nông dân cũng chưa bao giờ dám đòi hỏi được sướng. Họ chỉ mong làm thế nào đó để đỡ khổ. Ấy thế nhưng nhiều người chưa hiểu đúng nỗi khổ của nông dân.
 
Người ta cho rằng, người nông dân khổ nhất là lao động cực nhọc, vất vả. Trời rét căm căm cũng phải ra đồng, lội xuống ruộng bùn để cấy lúa. Rồi trời nắng chang chang cũng phải đi gặt, ra sân, ra đường để phơi thóc. Hơn thế nữa, nông dân còn luôn phải gánh vác, chuyên chở, tiếp xúc với hàng hóa nặng và độc hại như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu…
 
Đúng, đấy là những nỗi khổ có thật, dễ nhìn thấy mà nông dân phải gánh chịu. Tuy nhiên, với những nỗi khổ đó, họ chấp nhận được. Họ chưa bao giờ kêu ca vì họ cho rằng đấy là “nỗi khổ đặc thù” của nông dân. Và đấy cũng không phải là nỗi khổ lớn nhất.
 
Nỗi khổ nhất đối với nông dân là được mùa, mất giá; là việc sản phẩm một nắng hai sương làm ra mà phải bán rẻ như cho vì bị ép giá. Khổ hơn nữa, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phải vứt bỏ. Mà vứt bỏ cũng không đơn giản vì phải bỏ thời gian, công sức hoặc thuê người. Mà thuê người lại phải mất tiền… Như vậy, nỗi khổ nhất của người nông dân là làm ra nhiều sản phẩm nhưng không tiêu thụ được, dẫn đến thua lỗ, nợ nần, đe dọa bị bần cùng hóa, bị phá sản.

Nỗi khổ trải dài khắp Bắc - Trung - Nam
 
Những năm gần đây, chúng ta thường nghe đến hai tiếng “giải cứu”. Giải cứu là việc một số cá nhân, đơn vị (trong đó có sinh viên của các trường đại học, các cơ quan báo chí) lên tiếng hô hào tham gia tiêu thụ nông sản bị thừa mứa, bị ế ẩm. Đây là một việc làm có thể nói là đôi ba bên cũng có chút ít lợi ích. Người nông dân thì bán được sản phẩm, vớt vát được ít tiền; một số sinh viên có thêm thu nhập; người tiêu dùng mua sản phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên, việc giải cứu chỉ mang tính phong trào, mang tính thời vụ và không thể nào duy trì thường xuyên được. Do đó, việc giải cứu về cơ bản không giải quyết triệt để nỗi khổ của nông dân.
 
Chúng ta đã phải giải cứu dưa hấu cho nông dân các tỉnh miền Trung, giải cứu chuối cho bà con ở tỉnh Đồng Nai. Sang năm 2018 này, mới có mấy tháng đầu năm nhưng nhiều loại nông sản cần phải giải cứu. Song, chúng ta đã không thể giải cứu có hiệu quả vì có quá nhiều nông sản phải giải cứu, địa bàn lại trải rộng khắp Bắc - Trung - Nam... Đó là việc hoa dơn, hoa ly của nông dân Tây Tựu (Hà Nội) nở không đúng thời điểm nên mất giá. Rồi đến củ cải của nông dân Quảng Ninh, Bắc Giang, Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội) bội thu nhưng không bán được. Dưa chuột của nông dân Hưng Yên, Hải Dương cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành của tỉnh Nghệ An tràn ngập su hào, bắp cải. Những loại sản phẩm này của tỉnh Quảng Nam cũng chịu chung số phận. Hành tím, hạt tiêu của nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Bình Phước, Đắk Nông cũng liên tục rớt giá và chưa thấy cơ hội tăng giá trở lại. 
 
Nông sản chủ yếu là hàng tươi sống, không để được lâu, thời điểm mất giá lại rơi vào sau Tết - đúng mùa lễ hội nên ít người tham gia chiến dịch giải cứu. Thế là nông dân ở nhiều nơi cắn răng bán với giá như cho, mong vớt vát được đôi đồng. Thậm chí, ở một số nơi, nông dân không thèm thu hoạch (củ cải, cải thảo) vì thu hoạch cũng không bán được cho ai. Có thứ đã thu hoạch rồi nhưng không có người mua nên đành phải đổ đi vì chúng hư, chúng thối.

 
Buồn hiu hắt hình ảnh người nông dân phải nhổ bỏ nông sản do chính mình làm ra. Ảnh Internet
 
Tại sao không tìm cách làm cho nông dân bớt khổ?
 
Ngày còn đi học, khi nghe giảng viên nước ngoài nói tới việc các nền kinh tế thị trường phát triển lâm vào khủng hoảng thừa, người ta phải chở hàng hóa ra biển đổ, trong lòng tôi vẫn nghi hoặc. Nay, mặc dù nền kinh tế thị trường của nước ta chưa phát triển lắm, nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh nông dân phải vứt bỏ củ cải, su hào, bắp cải, cải thảo... 
 
Công bằng mà nói, trước thông tin báo chí phản ánh hiện tượng giá một số mặt hàng rau, củ tươi... giảm mạnh khiến người nông dân bị thua lỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã vào cuộc. Bộ đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ Thực vật khẩn trương, tiếp tục kiểm tra những nội dung trên. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường các mặt hàng rau, củ. Tuy nhiên, những việc này chưa mang lại hiệu quả, chưa làm cho nông dân bớt lỗ, bớt lo, bớt khổ.
 
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp và các chuyên gia kinh tế thì điểm yếu của nông sản Việt Nam là chưa có thị trường bền vững, ổn định, đáng tin cậy. Nông dân Việt Nam vẫn giữ thói quen cứ thấy loại nông sản nào được giá là đua nhau trồng, dẫn tới cung thừa và giá rớt thê thảm; họ chịu thua lỗ nặng.
 
Câu chuyện nông sản Việt Nam rớt giá lặp đi lặp lại nhiều rồi, nông dân khổ nhiều rồi, tại sao chúng ta không tìm ra cách cơ bản, bền vững để nông dân bớt khổ? Câu hỏi này cần đặt lên bàn những cơ quan quyền lực lớn nhất của nước ta như Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ. Vì sao vậy? Vì phải giải quyết ở tầm vĩ mô mới mong giải quyết triệt để được, còn việc giải cứu có tính chất thời vụ, theo phong trào thì không bền vững được.
 
Trước hết, cần phải giải quyết vấn đề này về mặt lý luận. Đặc điểm lớn nhất của kinh tế thị trường là quan hệ cung - cầu. Nếu giữ cân bằng được mối quan hệ này (nghĩa là khối lượng cầu ngang với khối lượng cung) thì giá cả sẽ ổn định. Sự ổn định của giá cả, hoặc là có cơ sở để dự đoán giá cả tương đối chính xác sẽ khiến người sản xuất, đặc biệt là nông dân bớt khổ.


Su hào cũng chịu chung số phận bị đổ bỏ cùng với củ cải. Ảnh Internet
                                                                                      
Dựa vào truyền thông để giải quyết
 
Khi chúng ta chưa giải quyết bằng lý luận, chưa có chính sách ở tầm vĩ mô để giải quyết vấn đề “được mùa - rớt giá” thì nông dân vẫn khổ. Họ nên dựa vào truyền thông để giải quyết phần nào vấn đề của mình.
 
1. Thực tế cho thấy khâu lưu thông phân phối của chúng ta vẫn rất yếu kém. Trong khi nông dân Sóc Sơn, Gia Lâm không thèm thu hoạch, hoặc thu hoạch rồi phải đổ đi thì tôi vẫn phải mua củ cải ngoài chợ giá 7.000 đồng/1kg. Hay khi tôi mua ở chợ Hà Nội 1kg bắp cải giá 8.000 đồng thì về Nghệ An là 1.000 đồng/1kg.
 
Với tình hình như vậy thì nông dân thiệt, người tiêu dùng thiệt, chỉ những người tiểu thương trung gian là hưởng lợi. Điều này không chỉ đúng với rau, củ, quả mà còn đúng với thịt, cá. Như vậy là có một điều gì đó gây ách tắc trong khâu lưu thông, phân phối. Điều này không phải do vận chuyển, mà có thể là do việc quản lý thị trường, việc đánh thuế, hoặc do đội quản lý trật tự, trị an. Thỉnh thoảng,  chúng ta vẫn thấy những người bán hàng không đúng nơi quy định bị thu hàng hóa.
 
Vậy báo chí nên thông tin cụ thể giá cả từng vùng miền; chính quyền địa phương cũng nên tại điều kiện cho hàng hóa lưu thông thoải mái.
 
2. Khi chúng ta chưa có thị trường nông sản ổn định, cần có hệ thống chế biến nông sản tốt. Điều này thì cần có sự can thiệp của Chính phủ để một số doanh nghiệp có thể vay vốn ưu đãi, tạo dựng những cơ sở chế biến hiện đại. Những cơ sở này sẽ giúp nông dân bán được hết hàng hóa với giá cả chấp nhận được khi được mùa.
 
Việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến thực phẩm còn có thể nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện cơ cấu bữa ăn, giúp các bà nội trợ đỡ vất vả.
 
Tóm lại, để nông dân bớt khổ khi chúng ta chưa có biện pháp bền vững thì phải dựa vào truyền thông để giải quyết từng khâu một, trong đó phong trào “giải cứu” vẫn có ý nghĩa.
 
                                                     Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...