THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 06:40

Làm gì để phòng tránh tai nạn bom mìn?

19/07/2017 | 10:01
 
Bộ đội công binh giáo dục kĩ năng phòng tránh bom mìn cho trẻ em. Ảnh: KT
 
Hiểm họa trong lòng đất
 
Số BM chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Chỉ tính riêng ở một số tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 người là nạn nhân của BM, đã có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương (trong đó trẻ em chiếm khoảng hơn 30% tổng số người bị nạn). 
 
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về xử lý về vũ khí, BM, vật liệu nổ. Thống kê cho thấy, tai nạn do thu nhặt kim loại phế liệu chiếm tới 34%; do canh tác, chăn thả chiếm 27%; do trẻ em đùa nghịch với vật liệu chiếm 21%... Theo một nghiên cứu, chơi đùa với BM là một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn BM trong thanh thiếu niên dưới 18 tuổi (chiếm 29%). Điều đáng báo động là tỉ lệ thương vong liên quan tới chơi đùa với BM ngày càng gia tăng. Đứng hàng thứ hai sau chơi đùa với BM, hoạt động chăn thả gia súc - một công việc phổ biến mà các gia đình nông thôn giao cho trẻ em, cũng là một yếu tố dẫn đến 18% các vụ tai nạn. Tại Quảng Trị, trong số gần 7.000 các nạn nhân BM có tới 1.742 em học sinh.
 
Hậu quả do BM, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ảnh hưởng rất lớn đến con người, đời sống xã hội, nền sản xuất nông nghiệp và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 
 
 
Trẻ em tỉnh Quảng Bình trong một tiểu phẩm tuyên truyền về  bom mìn. Ảnh: KT 
 
Phát hiện BM còn sót lại, người dân phải làm gì? 
 
Sau đây là những việc người dân và các em nhỏ cần làm, khi phát hiện thấy đạn M79, bom bi hình cầu và các vật liệu chưa nổ trong lòng đất.
 
- Giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được tự ý di chuyển và làm thay đổi tư thế nằm của chúng.
 
- Quây hàng rào và cắm biển báo có BM còn sót lại để ngăn cản mọi người và gia súc không đến gần, không vào khu vực nguy hiểm. Sau đó, báo ngay cho công an, bộ đội công binh hoặc các lực lượng chuyên môn có kỹ thuật để xử lý.
 
- Người dân và nhất là các em nhỏ tuyệt đối không được đến gần nơi có BM, đạn chưa nổ đã được đánh dấu. Đồng thời, luôn chú ý đến các biển báo BM, đạn chưa nổ đã được đánh dấu.
 
- Không được tự ý làm xê dịch thay đổi vị trí biển báo có BM, vì làm như vậy sẽ gây tai họa cho người khác.
 
- Không dùng chân đá hay vật nặng gõ, đập vào BM, đạn M79.
 
- Không tìm kiếm BM, đạn để chơi.  
 
- Không đốt BM, đạn M79.
 
- Không ném BM, đạn xuống nước.
 
- Không chăn thả trâu bò hoặc kiếm củi nơi BM còn sót lại. 
 
- Không tìm kiếm, thu nhặt BM, đạn M79 chưa nổ để bán phế liệu kiếm sống.
 
Những thông điệp phòng tránh BM trẻ em cần ghi nhớ
 
- BM và vật liệu chưa nổ có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau và rất nguy hiểm. 
 
- Không đi vào khu vực nguy hiểm cắm biển báo có BM.
 
- Khi nhìn thấy BM và vật lạ, hãy tránh xa.  
 
- Không chơi đùa ở gần khu vực nguy hiểm.
 
- Không nhặt và ném vật lạ.
 
- Không tò mò nghịch BM và vật lạ. 
 
- Không tắm ở đầm nước là hố bom cũ.  
 
- Không tháo gỡ BM, vật liệu chưa nổ để lấy thuốc nổ.
 
- Không đứng xem người lớn cưa BM.
 
- Không đốt lửa sát mặt đất ở khu vực có BM.
 
- Không chăn thả trâu bò, kiếm củi ở gần khu vực có BM.
 
- Khi nhìn thấy người bị tai nạn BM, hãy gọi người lớn đến cứu giúp.  
 
 Một số thao tác sơ cứu, cấp cứu khi thấy nạn nhân BM
 
* Những điều cần chú ý khi sơ cứu người bị thương:
 
- Nếu thấy vết thương lớn, máu phun thành tia, có màu đỏ tươi thì phải buộc ga rô để cầm máu.
 
- Khi buộc ga rô phải thực hiện các thao tác như sau: 
 
+ Buộc ga rô ở phía trên vết thương, cách vết thương 3 - 4cm.  
 
+ Dùng băng to bản quấn vòng quanh nơi đặt ga rô.
 
+ Dùng băng thun hoặc dây vải quấn chặt 3 vòng đến vòng thứ 4 thì nút dây.
 
+ Dùng một que đũa luồn qua các vòng dây vừa thắt nút và quay que  đũa xoắn lại.
 
+ Buộc cố định que đũa, sau đó băng vết thương cẩn thận bằng vải sạch và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện.
 
- Trong khi vận chuyển, cứ sau 30 phút nới ga rô một lần từ 1-2 phút cho máu lưu thông đến phần dưới của vết thương, vì nếu để lâu thì phần đặt ga rô trở xuống của cơ thể sẽ bị hoại tử và có thể phải cắt bỏ.   
 
* Cách sơ cứu người bị sốc, bị choáng do BM:
 
- Biểu hiện của người bị choáng, bị sốc trong tai nạn BM là: Da tái nhợt hoặc xám; Da lạnh ướt và nhiều mồ hôi; Tim đập nhanh; Thở gấp và nông; Không minh mẫn.
 
- Việc cần làm là: Đặt nạn nhân xuống nơi bằng phẳng, thoáng mát; Lật đầu nạn nhân sang một bên; Nâng chân nạn nhân lên cao hơn thân mình; Kiểm tra đường thở và mạch đập của nạn nhân; Nới rộng quần áo; Gọi người đến cứu giúp và đưa ngay người bị nạn tới bệnh viện.  

Thu Lan (Theo UNICEF)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...