THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 05:46

Làm gì trước những cái chết tức tưởi?

11/11/2016 | 17:15
 
Hình ảnh cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết khiến nhiều người khiếp sợ. Ảnh: KT
 
Quá nhiều những cái chết tức tưởi!
 
Những cái chết tức tưởi là những cái chết bất ngờ của những con người đang khỏe mạnh. Họ không nghĩ vì một lý do gì đó, họ có thể chết khi họ đang đầy ắp dự định cho tương lai. Những cái chết đấy thường là do tai nạn gây nên, nhiều nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy, nổ… Chỉ trong vòng một thời gian ngắn (từ 24/10 đến 01/11/2016) đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết nhiều người. Đó là 5 giờ ngày 24/10/2016, tàu hỏa đâm ô tô tại Thường Tín, Hà Nội làm 6 người chết; ngày 30/10/2016, nổ nồi hơi tại một cơ sở chế biến hải sản ở Thái Thuỵ, Thái Bình khiến 4 người chết và 11 người bị thương; ngày 01/11/2016, cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết.
 
Hiện nay, ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tại nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thương tích, cháy, nổ… Như vậy là có quá nhiều những cái chết tức tưởi! Chết tức tưởi là chết oan, gây cho những người ở lại sự đau thương, luyến tiếc. Xã hội hầu như cũng chưa làm được gì cho họ, trừ những người thiên về đời sống tâm linh hàng năm có làm lễ cầu siêu cho họ.
 
Những người chết, dù thế nào cũng đã yên nghỉ ở cõi vình hằng. Vấn đề còn lại là của những người đang sống.

 
Vụ tai nạn tàu hỏa đâm ô tô tại Thường Tín, Hà Nội làm 6 người chết. Ảnh: KT
 
Nhiều lời bàn tâm huyết nhưng chưa tìm ra người chịu trách nhiệm chính
 
Những vụ tai nạn chết nhiều người khiến xã hội quan tâm, bàn tán rộng rãi. Phần nhiều những lời bàn tán dẫn đến tâm trạng hoang mang, bi quan. Ngược lại, một số chính khách, Đại biểu Quốc hội, những nhà khoa học có nhiều lời bàn cảm động, tâm huyết. Điều này chứng tỏ đất nước ta, xã hội ta không thờ ơ trước những cái chết tức tưởi. Nhưng vấn đề là làm thế nào để quy trách nhiệm cho từng đơn vị, từng cá nhân cụ thể, rồi từ đây rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục.
 
Các luật sư của chúng ta có thể nhanh chóng viện dẫn những điều luật cụ thể để quy trách nhiệm những người liên quan. Tuy nhiên, những người chịu trách nhiệm chính trong các vụ tai nạn giao thông thường là không đủ năng lực để chịu trách nhiệm, vì phần lớn họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Trong các vụ cháy nổ cũng vậy, người trực tiếp gây ra những vụ cháy nổ nghiêm trọng thường là người làm thuê, họ là những lao động phổ thông kiếm ăn qua ngày, làm sao đền bù sinh mạng và tài sản lớn?! Như vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội ngày 01/11/2016 chẳng hạn; có thể 3 người thợ hàn trực tiếp gây ra vụ cháy khiến 13 người tử vong, nhưng có thể quy trách nhiệm cho họ theo quy định về phòng cháy, chữa cháy được không? Có thể, nhưng bản thân họ thì không thể đủ năng lực để thực thi trách nhiệm.
 
Ở đây hé lộ trách nhiệm của chủ quán karaoke. Hơn nữa, theo như thông tin ban đầu, quán karaoke này chưa đủ điều kiện hoạt động, chưa có biên bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và chưa có giấy phép kinh doanh karaoke. Đây là những căn cứ để quy trách nhiệm chủ quán. Song, sẽ có câu hỏi đặt ra: Tại sao chính quyền, cơ quan chức năng lại để cho một quán karaoke không đủ điều kiện hoạt động mà vẫn hoạt động công khai giữa Thủ đô Hà Nội?
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nêu rõ, để xảy ra vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự buông lỏng quản lý. Như thế, phải truy cứu trách nhiệm của cơ quan và cá nhân liên quan. Ở đây chúng ta thấy có vẻ như năng lực, phẩm chất một số cán bộ trên địa bàn không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Và như thế, trách nhiệm còn liên quan đến những người làm công tác tổ chức, cán bộ ở cấp cao hơn.
 
Phải làm những gì để những cái chết tức tưởi ít đi?
 
Mục đích chính của chúng ta không phải tìm ra những người chịu trách nhiệm để trừng phạt, mà là để tìm ra những biện pháp giảm bớt cái chết. Do vậy, ở đây cần thái độ bình tĩnh, khách quan, cách tiếp cận nhiều chiều và có tính khoa học.
 
- Về tai nạn giao thông: Trách nhiệm trước hết thuộc về những người tham gia giao thông. Đại đa số tai nạn xảy ra là do những người tham gia giao thông thiếu ý thức cảnh giác. Tiếp theo là cơ quan kiểm định chất lượng đã cho một số phương tiện giao thông không đảm bảo chất lượng lưu hành. Thứ ba là lực lượng cảnh sát giao thông có những lúc, những nơi chưa nghiêm khắc, chưa sâu sát nên để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Thứ tư là ngành giao thông vẫn để tồn tại những “điểm đen” - nơi thường xảy ra tai nạn.
 
- Về tai nạn lao động: Trước hết, trách nhiệm thuộc về những người sử dụng lao động. Một số giám đốc, chủ cơ sở sản xuất vì lợi nhuận nên không thực hiện đầy đủ yêu cầu về an toàn lao động; một số thiết bị an toàn, quy trình an toàn bị cắt xén. Tiếp theo chính là người lao động đã không chịu khó tìm hiểu và áp dụng những biện pháp an toàn. Thứ ba là thanh tra lao động cũng lơ là, chưa sâu sát trong việc kiểm tra an toàn lao động, nhất là ở những nơi xa vắng, hẻo lánh.
 
- Về cháy, nổ: Hàng năm, Bộ LĐTBXH đều phát động phong trào phòng chống cháy nổ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và dân sinh. Tuy nhiên, rất nhiều người dân chưa quan tâm đến đến vấn đề này. Đây là trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy được một số cấp, ngành vẫn còn chủ quan trong việc phòng cháy, chữa cháy. Cũng cần phải nói về khả năng của lực lượng chữa cháy, cứu người ở những khu phố đông, nhà cao tầng thế nào; khi nào thì chúng ta có thiết bị hiện đại, như dùng trực thăng để chữa cháy, cứu người…
 
Như vậy, trách nhiệm của chúng ta là tìm ra các biện pháp để hạn chế, để giảm bớt những cái chết tức tưởi. Trách nhiệm này có từ lãnh đạo cao cấp đến người dân bình thường. Mỗi người không nên đổ lỗi cho người khác, mà cần nhận trách nhiệm về mình.
 
 
 
Hiện trường tan hoang sau vụ nổ nồi hơi tại một cơ sở chế biến hải sản ở Thái Thuỵ, Thái Bình khiến 4 người chết và 11 người bị thương. Ảnh: KT
 
Văn hóa chịu trách nhiệm
 
Thông thường, một vụ việc có hậu quả xấu xảy ra, phải có những người chịu trách nhiệm về việc này. Có người chịu trách nhiệm trực tiếp, có người chịu trách nhiệm gián tiếp.
 
Người chịu trách nhiệm trực tiếp thì khó mà từ chối, vì có tang chứng, vật chứng và sự tham gia của những người đó. Ấy vậy nhưng trên thực tế, người ta vẫn tìm cách chối bỏ, hoặc ít ra là làm giảm nhẹ trách nhiệm. Ví dụ, 3 người thợ hàn trong vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội không dễ gì thừa nhận họ trực tiếp gây nên vụ cháy, mặc dù nhiều người suy luận chỉ có bụi lửa hàn mới dễ gây cháy. Mà nếu lửa hàn gây cháy thật thì những người thợ cũng nói: “Họ được thuê tới để hàn, họ chỉ biết hàn, còn chủ quán, người thuê họ mới chịu trách nhiệm chính”.
 
Khi cảnh sát điều tra chứng minh được vụ cháy là do thợ hàn gây ra, họ sẽ không cãi được nữa. Tuy nhiên, trách nhiệm của họ cũng chỉ có hạn vì họ chỉ là những người thợ làm thuê. Trách nhiệm sẽ được quy cho chủ quán, nhưng chủ quán cũng có thể chối với lý do: “Tôi thuê họ hàn chứ có thuê họ đốt quán đâu?! Họ gây ra cháy thì họ phải chịu trách nhiệm chứ!”.
 
Chúng ta có thể quy trách nhiệm cho nhóm thợ hàn và chủ quán. Song, vấn đề chính ở đây là tại sao quán không đủ điều kiện hoạt động, vẫn hoạt động công khai? Tại sao đám cháy xảy ra giữa ban ngày, địa điểm cơ quan chữa cháy cách đó chưa đầy 1km mà sau 7 tiếng đồng hồ mới dập được đám cháy? Tại sao lại để tới 13 người trẻ khỏe, toàn là khách đến hát chết?... Nhưng câu hỏi “tại sao” vẫn tiếp tục vang lên nếu những người thực sự có trách nhiệm vẫn không chịu nhận trách nhiệm về mình.
 
Vậy người thực sự chịu trách nhiệm ở đây là ai? Đấy là những cơ quan chức năng lãnh đạo, quản lý địa bàn. Nói cụ thể là cấp phường, cấp quận và cấp cao hơn. Là những người quản lý, lãnh đạo trên địa bàn, các anh (chị) phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dân sinh sống và kinh doanh ở đó.
 
Chỉ có khi lãnh đạo chịu trách nhiệm mới tìm ra được những giải pháp khắc phục hậu quả thấu đáo. Ví dụ, một cây cầu mới xây xong đã sập thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm; nhẹ thì kiểm điểm, nặng thì từ chức. Trên thế giới người ta làm như vậy và được xem là văn hóa chịu trách nhiệm.
 
                                                       Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...