THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 07:44

Lao động sẽ có nhiều chuyển động tích cực

05/06/2019 | 15:34
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí sáng 29/5 bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV.
       
Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã chính thức được trình Quốc hội
 
Sáng 29/5/2019, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo tờ trình, để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là rất cần thiết. 
 
Dự thảo Bộ luật gồm 17 Chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Với một Bộ luật đồ sộ, sửa đổi cơ bản, toàn diện, nhiều vấn đề mới được đặt ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận, đi đến thống nhất ý kiến.
 
Những vấn đề mới như mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Vấn đề tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở cũng được đề cập đến. Đây là nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế và thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
 
Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của doanh nghiệp trong việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng…
 
Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất của dự thảo  Bộ luật Lao động là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Việc này thu hút sự quan tâm không chỉ của các đại biểu Quốc hội, mà hầu hết người lao động đều thấy mình có quyền lợi và trách nhiệm ở đó.
 
 
Theo phương án 2, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ảnh minh họa
 
Có hai luồng ý kiến: Ủng hộ và phản đối tăng tuổi nghỉ hưu
 
Dự thảo đưa ra 2 phương án: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 
Thật ra, việc lựa chọn phương án nào không quá quan trọng, mà quan trọng là ủng hộ hay phản đối việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Giữa các đại biểu Quốc hội cũng có hai loại ý kiến, mà ngoài xã hội, trên mạng xã hội cũng có hai loại ý kiến: Phản đối và ủng hộ.
 
Một số đại biểu phản đối, điển hình là ông Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu. Ông cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu thì người hưởng lợi nhiều nhất là ở khu vực công; dù tăng có lộ trình nhưng ít nhiều tác động đến lớp cán bộ liền kề. Trong khi đó, nội dung này ban soạn thảo chưa thống kê tác động bao nhiêu người. Ông thẳng thắn: “Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu”. Đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm cũng cho rằng, trong bối cảnh người lao động nhiều, thiếu việc làm thì “khó ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu”. 
 
Những người ủng hộ có vẻ đông hơn và tầm nhìn cũng có tính chiến lược hơn. Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược chung của nhiều quốc gia trên thế giới mà không phân biệt nước giàu hay nghèo. Ví dụ, có những nước độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 thì họ điều chỉnh trong hàng chục năm để đạt mức này, cứ mỗi năm tăng thêm một tháng, cách tăng này không gây sốc. Ông Nhã cũng thẳng thắn: “Với Việt Nam, việc trình Quốc hội xem xét từ năm 2021 mới bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn so với các nước, có thể nói là nước đến chân mới nhảy”.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới. Ông Uông Chu Lưu còn lưu ý đến vấn đề bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu: “Không phải cứ độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau mới là bình đẳng giới. Chính sự khác nhau về tuổi nghỉ hưu mới là bình đẳng, do đặc điểm tâm sinh lý và bảo đảm lợi ích cho nữ”.
 
Đừng quên Công ước 98!
 
Thật ra, liên quan đến lĩnh vực lao động, cũng trong ngày 29/5/2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước và thuyết minh của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98).
 
Công ước 98 ra đời từ năm 1947 nhưng đến bây giờ Việt Nam mới có điều kiện để xem xét và tham gia. Đây là một bước tiến lớn trong việc tổ chức lao động, trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tôi cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan trực tiếp đến việc gia nhập Công ước 98. Hai văn bản pháp lý này sẽ hỗ trợ cho nhau, tạo cho người lao động vị thế mới.
 
Những hoạt động tại kỳ họp thứ  bảy Quốc hội khóa XIV đang tạo ra những chuyển động tích cực trong lĩnh vực lao động - việc làm. Điều này cho phép chúng ta hi vọng vào một thời kỳ hơn 50 triệu người lao động Việt Nam có điều kiện tốt nhất, tâm lý thoái mái nhất để làm việc.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...