THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 02:35

Lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020 và những hy vọng

10/09/2019 | 08:46

Khai giảng không bóng bay.


                              
Ngày khai giảng năm học 2019 - 2020 có gì mới?


Cái mới đầu tiên rất dễ nhận ra là ở hầu hết các lễ khai giảng không có bóng bay. Điều này xuất phát từ đề nghị của một nữ học sinh lớp 6 Trường Marie Cuirie (Hà Nội) là em Nguyệt Linh. Chúng ta chưa đánh giá hết được ý nghĩa to lớn của việc này, nhưng ai cũng ghi nhận việc không có bóng bay khiến lễ khai giảng không kém sắc màu mà còn trở nên trang trọng hơn vì ở đó tràn ngập cờ, hoa.


Cái mới thứ hai là khác với những năm trước, lễ khai giảng năm nay ở hầu hết mọi nơi được tổ chức ngắn gọn hơn, chỉ diễn ra trong vòng 40 phút đến một tiếng đồng hồ. Các nghi thức chủ yếu là đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước và một số tiết mục văn nghệ. Ở một số trường có băng rôn kêu gọi bảo vệ môi trường bằng hai thứ tiếng Việt và Anh: “Bảo vệ thiên nhiên” - “Save the nature”; “Bảo vệ đại dương” - “Save the ocean”.


Cái mới thứ ba khó nhận ra hơn nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được là đại đa số học sinh tỏ ra vui mừng và hồi hộp trong buổi lễ khai giảng năm học mới. Thật ra, đây mới là mục đích chính của lễ khai giảng: Khiến cho học sinh cảm thấy trang trọng và cảm động để bước vào năm học với quyết tâm cao hơn, học hành chăm chỉ và tiến bộ hơn. Để làm cho học sinh có được cảm giác này không phải là dễ, nhưng nếu được chủ động tổ chức, các thầy cô thừa sức làm việc này.


Như vậy là đại đa số các trường đã khai giảng năm học mới trong bầu không khí hồ hởi, phấn khởi với các thủ tục gọn nhẹ. Một số trường có lãnh đạo đến tham gia đã khiến không khí lễ hội tăng lên, trang trọng hơn, nhưng cũng không nặng nề và kéo dài.


Ở một số trường thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…, vì vấn đề thời tiết nên lễ khai giảng sẽ diễn ra vào thứ hai 9/9. Điều này cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động của các trường đó vì việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường.

Học sinh hân hoan bước vào năm học mới.


Quy mô của nền giáo dục nói lên điều gì?


Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này, cả nước có hơn 22,3 triệu học sinh, tính cả giáo dục mầm non, tăng khoảng 400.000 so với năm học trước. Bậc đại học chính quy có hơn 1,5 triệu sinh viên. Số lượng giáo viên cả nước là hơn 1,148 triệu. Hình như số học viên của các trường trung cấp, cao đẳng, hệ thống trường nghề không được tính vào đây? Điều này diễn ra vì các trường đó hầu như không quan tâm tới thủ tục khai giảng, vấn đề họ quan tâm là tuyển sinh, dạy và học. Thực ra, lễ khai giảng chỉ có ý nghĩa đối với các trường phổ thông là chính, các hệ khác ít quan tâm tới vấn đề này.


Quy mô học sinh, sinh viên năm học 2019-2020 cụ thể như sau: Nhà trẻ: 932.000; Mẫu giáo: 4.585.000; Tiểu học: 8.660.000; Trung học cơ sở: 5.550.000; Trung học phổ thông: 2.599.000; Đại học chính quy: 1.518.986; (chưa có số liệu hệ thống trường dạy nghề?). Như vậy là ở Việt Nam, khoảng hơn ¼ dân số đang đi học chính quy.


Thật ra, việc thống kê có sai số rất đáng kể, nhưng dẫu sao nó cũng cho ta biết được quy mô của nền giáo dục nước ta là rất lớn. Một chỉ số quan trọng là năm nay số học sinh tăng khoảng 400.000 em so với năm học trước. Như vậy là số người đi học ở nước ta vẫn tiếp tục tăng. Điều này giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những bộ, ngành liên quan có kế hoạch tăng giáo viên, trường, lớp.


Năm học 2019 - 2020 hứa hẹn điều gì?


Trong thư chúc mừng khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết: “Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020”. Như vậy, mục tiêu của giáo dục là không thay đổi, phải nỗ lực hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Vấn đề là phải tạo ra không khí mới.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ triển khai cụ thể ý của Chủ tịch nước, ông cho rằng, ngành Giáo dục còn nhiều việc phải làm để bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên cần đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ông mong thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tâm huyết với nghề; giữ vững đạo đức nhà giáo; tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để thích ứng với yêu cầu đổi mới của Ngành.
Với những cái mới của lễ khai giảng năm nay, hi vọng thầy và trò làm được những việc cụ thể, thiết thực trong nhà trường (như việc không thả bóng bay) để nền giáo dục nước nhà bước sang kỷ nguyên mới với chương trình và chất lượng mới trong những năm học tiếp theo.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...