THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 11:38

Lo cho ngành sư phạm…

16/08/2017 | 10:58

Thời đại của khoa học - công nghệ đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, sức khỏe để liên tục cập nhập tri thức
cũng như phương pháp giảng dạy. Ảnh minh họa
 
Những bước thăng trầm của ngành sư phạm 
 
Ngày xưa, thời ông cha ta còn học chữ Nho, những ông đồ là người “cầm cân, nảy mực” cho việc học hành. Hầu hết họ là những người giỏi chữ và có tư cách khẳng khái, thanh cao. Nhiều người đỗ đạt, làm quan rồi lại về mở trường dạy chữ, dạy người. Cụ Chu Văn An là một ví dụ điển hình.
 
Sau Cách mạng tháng 8/1945, những người thông minh, lịch lãm bậc nhất cũng làm trong ngành sư phạm. Cụ Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên là những người uyên bác, giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục. Dù là trong chiến tranh, thiếu thốn, gian khổ, nhưng thời kỳ ấy đã có những thế hệ học trò, sinh viên giỏi giang, kiên định, dũng cảm.
 
Không hiểu vì đâu, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ngành sư phạm bỗng nhiên mất giá. Ngày ấy lưu truyền câu: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, hết cửa vào ra, mới đi Sư phạm”. Cố Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn - người nhiều năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã từng nói trong nước mắt: “Có lẽ, tôi không chỉ có lỗi, mà còn gây nên tội ác khi duyệt điểm trúng tuyển các trường sư phạm rất thấp…”. Nhưng biết làm thế nào được?! Thời đó, những học trò giỏi không muốn học sư phạm.
 
Rồi, cho đến lúc cách đây khoảng 20 năm, nhờ những chính sách đúng đắn, ngành sư phạm khởi sắc, những học sinh xuất sắc muốn thi vào sư phạm. Có những năm phải đạt 27 điểm 3 môn mới đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày đó, người ta gọi sinh viên trường này là “Vàng 3 số 9”.
 
Ấy thế mà không hiểu sao ngành sư phạm đến nay lại “tuột dốc không phanh”, học trò giỏi không thi vào sư phạm nữa. Các trường đại học sư phạm đều phải lấy điểm chuẩn rất thấp. Các trường cao đẳng còn tệ hơn, mỗi môn chỉ cần trung bình 3 điểm là đỗ. Thật đáng lo ngại! Ai cũng biết giáo viên yếu kém thì nền giáo dục rồi sẽ rơi vào tình trạng nào. Mà với một nền giáo dục kém chất lượng thì đất nước làm sao phát triển được?!
 
Tìm nguyên nhân “mất giá” của ngành sư phạm

Muốn có giáo viên giỏi, yêu nghề, phải có cách ứng xử trung thực, minh bạch, công bằng, khoa học
và thực hiện dân chủ trong giáo dục và đào tạo. Ảnh minh họa
 
Trong khi ngành sư phạm có điểm trúng tuyển thấp thê thảm thì những ngành thuộc hệ thống các trường quân đội, công an điểm cao chót vót. 30 điểm không đỗ Học viện Công an Nhân dân (ngành Ngôn ngữ Anh), 30,25 là điểm chuẩn của Đại học Phòng cháy chữa cháy (dành cho thí sinh nữ, khu vực phía Bắc), nghĩa là 10 điểm một môn vẫn trượt đại học. Tại sao lại như vậy?
 
Một số giáo viên đã làm khảo sát ở các lớp 12 với câu hỏi: “Em có dự định vào học ngành sư phạm không?”. Hầu hết học sinh trả lời không. Giải thích cho sự lựa chọn này, đa số các em cho rằng nghề giáo cần phải nghiêm túc, gương mẫu, nên không hợp với tính cách. Số khác cho rằng nghề giáo vất vả, gò bó, không được tự do, thu nhập thấp. Cá biệt mới có ít em chọn học sư phạm vì yêu thích, hoặc có cha mẹ đang là giáo viên nên nối nghiệp. Điều đáng nói là những học sinh có lực học khá, giỏi, xuất sắc thường không muốn học sư phạm.
 
Thật ra, những nguyên nhân các em học sinh nêu lên cũng chỉ là những nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân phụ. Nguyên nhân gián tiếp, sâu xa, nguyên nhân chính nằm ở cấu trúc xã hội, những định hướng giá trị hiện nay. Rõ ràng, một bộ phận lớn trong xã hội hiện nay rất thực dụng. Các em thi vào trường quân đội, công an vì học không phải đóng học phí, ra trường được phân công công tác, lương cao. Hơn nữa, chuyện quan lộ của những ngành này rất thuận lợi.
 
Như vậy, có thể kết luận: Học sinh khá, giỏi xuất sắc không muốn học ngành sư phạm vì ngành này nghiêm túc, thanh cao, khó xin việc, thu nhập thấp, con đường quan lộ hạn chế, vị thế xã hội khiêm tốn. Những nhận thức này đang phù hợp với tình hình xã hội hiện tại. Tính lý tưởng, tính kẻ sĩ của học sinh và phụ huynh bị chìm lấp ở đâu đó.
 
Như vậy, cách nói “Giáo dục là quốc sách, giáo dục phải đi trước một bước, đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan...” chỉ tồn tại như những câu khẩu hiệu sáo rỗng. Bây giờ người ta sống rất thực tế, thực dụng. Chỉ có điều, rất nhiều người thấy rằng, cách nghĩ, cách sống thực dụng này không có tương lai lâu dài, không làm cho đất nước phát triển.
 
Làm thế nào để tìm lại vị thế đáng kính cho ngành sư phạm?
 

Thế hệ tương lai của đất nước cần được thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến với đội ngũ giáo viên giỏi
và tâm huyết với nghề. Ảnh minh họa
 
Chắc chẳng có phụ huynh nào vui vẻ, yên tâm khi nghĩ rằng, những người thầy của con mình lại là những học sinh trung bình, thậm chí là kém. Do vậy, ngay từ bây giờ, nỗi lo đã hiện rõ trên gương mặt của nhiều người, nhất là những người tâm huyết với đất nước. Vì vậy, chúng ta phải tìm mọi cách để những học sinh xuất sắc thi vào ngành sư phạm, những người giỏi chuyên môn, tốt về phẩm chất đạo đức phải được làm thầy - làm thầy tự nguyện và nhiệt tình.
 
Người ta nói rằng, biết được nguyên nhân coi như giải quyết được 50% vấn đề. Tuy nhiên, với vấn đề của ngành sư phạm hiện nay, chắc chắn không đơn giản như vậy, bởi vì nguyên nhân tổng thể, nguyên nhân bao trùm không nằm trong ngành sư phạm, mà nằm trong cấu trúc của xã hội. Mà thay đổi cấu trúc xã hội đâu có dễ, có nhanh.
 
Tuy nhiên, rõ ràng là vẫn còn cách trả lại vị trí cao quý cho ngành sư phạm để những học sinh có tài, có đức chọn học ngành này, mong thành thầy giỏi. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải có cách ứng xử trung thực, minh bạch, công bằng, khoa học. Phải thực hiện dân chủ trong giáo dục và đào tạo - tôn trọng và đề cao những người nói thẳng, nói thật. Động viên, khích lệ những người kém trình độ chuyên môn chuyển khỏi ngành Giáo dục và Đào tạo.
 
Tiếp theo, khôi phục lại niềm tin của nhân dân bằng cách chống tiêu cực, chống tham nhũng triệt để; loại bỏ những kẻ “mua quan, bán chức” khỏi bộ máy chính quyền các cấp.
 
Trên cơ sở tạo được niềm tin của xã hội, mới có thể đổi mới giáo dục cơ bản và toàn diện hiệu quả. Đổi mới giáo dục phải được thực hiện một cách khoa học và kiên trì.
 
Trong điều kiện hiện nay, có lẽ, chỉ bằng những cách đấy chúng ta mới mang lại giá trị đích thực cho ngành sư phạm. Một khi ngành sư phạm được đặt đúng chỗ, được tôn trọng, được xem là cao quý, chúng ta mới hết lo lắng.

                                         Cần nhất là sự công bằng
 
Trong ngành giáo dục hiện nay, cần nhất là sự công bằng. Việc đề ra chính sách đối xử phân biệt giữa giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng làm mất đi tính công bằng.
 
Mới đây rộ lên chuyện có thể bỏ biên chế đối với giáo viên. Quá nhiều người phản đối đề nghị này vì họ phấn đấu bao nhiêu lâu, thậm chí phải “chạy chọt” mãi mới vào được biên chế, sao bây giờ lại có thể bãi bỏ được?!
 
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, ta thấy việc bãi bỏ biên chế có thể đặt nền móng cho thực hiện công bằng trong giáo dục. Nói một cách ngắn gọn: Trong giáo dục nên thực hiện công bằng với tất cả giáo viên. Nếu một người có đầy đủ năng lực, phẩm chất (tương ứng với bằng cấp họ có được); được nhận vào làm giáo viên đứng lớp, được học sinh yêu thích thì cũng phải được hưởng đầy đủ quyền lợi như những giáo viên khác, mặc dù ho mới vào nghề. Không nên duy trì mãi cách quản lý “sống lâu lên lão làng”. Hiện nay là thời đại của khoa học - công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, sức khỏe để liên tục cập nhập tri thức cũng như phương pháp giảng dạy.
 
Trở lại câu chuyện công bằng của ngành giáo dục: Nếu định bỏ biên chế để tạo ra sự công bằng thì cũng nên nghiên cứu để có lộ trình thực hiện. Nếu không, cần tạo ra cơ chế để những người làm việc theo chế độ hợp đồng có quyền lợi như những người trong biên chế. Đây là cơ sở của sự công bằng để tất cả giáo viên có điều kiện cống hiến và hưởng thụ đúng với năng lực của mình.
                                                                                              Đàm Trọng

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...