THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 02:06

Lòng tốt bình dị

15/08/2018 | 15:24
 
 Thanh niên tình nguyện giúp người dân trong bão lũ. Ảnh: Internet
                                                 
1. Những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc một chủ quán bán cháo đêm tại xã Đà Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã trả lại túi đựng hơn 200 triệu đồng cho một vị khách bỏ quên tại quán. Gia đình chủ quán nói trên là chị Nguyễn Thị Như (SN 1987) cùng chồng là Đình Sơn (SN 1980) bán quán cháo đêm Sơn Như ở ngã ba xã Đà Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An).
 
Chị Như cho biết, khoảng 20h tối 27/7, 2 vị khách nam vào quán ăn đêm. Sau khi ăn xong, 2 vị khách này trả tiền và ra về. Do quán khách đông, vợ chồng chị Như bận bán hàng nên không để ý lúc ra về, khách để quên túi. Mãi sau đó thì chồng chị phát hiện khách bỏ quên chiếc túi da đeo chéo ở ghế nên cất để chờ khách quay lại lấy. Cứ nghĩ chiếc túi đeo chéo này không có gì nên tôi cứ để thế xem khách quay lại lấy luôn không. Đến khi tôi ra dọn bàn, cầm túi lên thì mới giật bắn người, hoảng hốt vì bên trong có rất nhiều tiền. 
 
Cầm chiếc túi với rất nhiều tiền, chị Như liền lấy điện thoại ra chụp ảnh để sau đó đăng lên Facebook tìm người trả lại. Chị Như sau đó cất chiếc túi vào trong tủ. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau, 2 vị khách quay trở lại hỏi chiếc túi bỏ quên và được chị Như trả lại đầy đủ.
 
Đoạn video ghi hình ảnh người thanh niên nghèo đã không cầm được nước mắt khi được nhận lại túi tiền bỏ quên khiến cộng đồng xúc động. Hơn cả nỗi mừng không cầm lòng được, là lời cảm ơn nghẹn ngào về lòng tốt của vợ chồng anh chị chủ quán mà anh thanh niên muốn bày tỏ.
 
Có lẽ, trong mỗi người rất nhiều lần tự hỏi sao một anh xe ôm lại có thể tốt bụng như thế, sao một chị bán cơm lại tử tế như thế?... Họ chính là những người bình dị nhất mà bạn có thể bắt gặp khắp nơi. Họ suy nghĩ bình dị, chỉ là thấy phải thì làm thôi, không cố gắng, không gồng mình để làm một người tốt. Chính họ, những người bình dị, có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, luôn coi cái lẽ phải của việc giúp người khác, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn là một việc hằng ngày. Tự thân người ta vô tư trao nhau sự tử tế, trong muôn nỗi tất bật của mưu sinh mà không toan tính gì, không để chứng tỏ điều gì cả. Chính điều đó làm cho đời sống của họ tuy không ít nghèo khó nhưng luôn ấm áp. 

 
Chiến sĩ cảnh sát đưa cụ già qua đường. Ảnh: Internet
 
2. Ở những đô thị rộng lớn với dòng chảy mưu sinh cuồn cuộn, đã cưu mang hàng triệu con người. Ai tới đây cũng từ nghèo khó, cũng vì mưu sinh, rồi ai cũng sống được, làm được thì tự động phải giúp người mới tới, người khó hơn. Người sửa giày chọn sửa giày miễn phí cho người nghèo; người sửa xe chọn sửa xe miễn phí, dạy nghề cho người nghèo; hàng quán đưa ra phố một bình trà đá miễn phí; người bán cơm làm suất ăn miễn phí…
 
Có một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đang nhiệt huyết làm công việc thầm lặng giúp người đi đường không may gặp vấn đề trục trặc về xe cộ. Không kể đêm khuya, họ sẵn sàng đến tận nơi để hỗ trợ mọi người nếu nhận được thông tin cần giúp đỡ. Đó là Nhóm “Cứu hộ Hà Nội” gần 30 thành viên bao gồm các bạn sinh viên, công nhân hay người chạy xe ôm, là những người đã được cứu trợ trước đó và liên kết chung tay giúp đỡ những người khác. Thời gian đội cứu hộ ra đường giúp người từ 20h tối - 3h sáng mỗi ngày. Ban ngày họ đi học, làm công việc mưu sinh kiếm sống như bao người khác, nhưng ban đêm, họ lại ra đường để giúp đời, giúp người mà chưa bao giờ nghĩ tới tư lợi riêng.
 
Tôn chỉ của nhóm là vì lợi ích của cộng đồng, chỉ lấy đúng giá gốc của thiết bị sửa xe. Khi đêm khuya, ai đó cần vá xe thì có thể được miễn phí hoặc thu 10.000đ, ai bị thủng săm và phải thay săm thì giá từ 35.000đ đến 50.000đ tùy loại, ai đi xe mà bị hết xăng thì sẽ tận tình đi mua xăng giúp… Được biết, “Cứu hộ Hà Nội” đã thành lập đến nay gần tròn hai năm và các thành viên nhóm đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp xe gặp sự cố trên đường, không thể liệt kê cụ thể được.
 
Những con người luôn sống và cống hiến vì cộng đồng, họ đam mê, nhiệt huyết vì tuổi trẻ. Họ chọn nghề đặc biệt để giúp người. Và những “chiến binh thầm lặng” cứu hộ xe sẽ mãi là những tấm gương không mỏi mệt để cùng gắn kết, sẻ chia công việc ấm áp tình người giữa đời thường bộn bề công việc. Không chỉ thế, đội cũng tham gia những hoạt động tình nguyện và từ thiện khác như hoạt động quyên góp ủng hộ người dân tại các vùng chịu thiệt hại sau mưa lũ, trao quà Trung thu cho trẻ em… Trong xã hội đầy rẫy những toan tính này, khi sự thờ ơ, vô cảm ngày càng nhiều, thì đâu đó, giữa người với người vẫn tồn tại những điều tốt đẹp.
 
Nắm tay một cụ già để đưa cụ qua đường, làm một bình nước miễn phí, góp một bữa cơm trưa cho người nghèo, hay giúp chỗ trọ cho sinh viên khó khăn, trả lại của rơi, hay sẵn sàng cứu giúp người gặp hoạn nạn, có khi gặp nhiều nguy cơ đến an toàn tính mạng. Họ coi giúp đỡ người khác là làm cho chính mình, sống để hoàn thiện chính mình, sống vì mọi người, giúp đỡ những người cần giúp.
 
Ca sĩ Thái Thùy Linh, người rất nhiệt huyết trong hoạt động từ thiện từng chia sẻ: Nhiều người trong chúng ta khi thấy có gì đó không bằng lòng trong cuộc sống thì thường có thói quen đổ lỗi cho xã hội. Nhưng xã hội đó là ai, nếu không phải là do chính mỗi chúng ta. Lòng tốt, đó cũng là một phần của chất lượng sống. Vì vậy mà lòng tốt cần được cần mẫn gieo mầm đến tận từng cá nhân để môi trường sống chung của chúng ta dần dần được cải thiện hơn.

Lam Lĩnh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...