THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 02:52

Lớp 1 không đáng sợ!

24/07/2023 | 16:40
Một khảo sát trên Thanh niên Online tính đến ngày 11/5/2023 cho thấy, 62% phụ huynh cho con luyện chữ trước khi vào lớp 1. Còn theo chia sẻ của một số giáo viên dạy lớp 1, tỷ lệ học sinh đã được làm quen với chữ viết trước khi đi học chiếm tới 80% số học sinh trong lớp. Những con số “biết nói” này đủ để bạn có thể tưởng tượng ra mùa hè trước ngày khai giảng “bận rộn” và “khắc nghiệt” thế nào đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1.
Nhiều trường tiểu học tổ chức lễ đón học sinh lớp 1 vô cùng nồng nhiệt để tạo niềm hứng khởi cho trẻ khi chuyển sang một môi trường học tập mới. Ảnh: Vân An

Nhiều trường tiểu học tổ chức lễ đón học sinh lớp 1 vô cùng nồng nhiệt để tạo niềm hứng khởi cho trẻ khi chuyển sang một môi trường học tập mới. Ảnh: Vân An

Trẻ chuẩn bị vào lớp 1 không cần thiết phải đọc thông viết thạo

Câu nói trên được các báo đài phát ra rả hàng chục năm nay nhưng dường như không thể thay đổi được suy nghĩ của các bậc phụ huynh.

Các chuyên gia giáo dục cho biết, việc học chữ đối với trẻ mẫu giáo là không cần thiết, vì đặc điểm tâm lý cũng như sinh lý của các con chưa sẵn sàng cho hoạt động này. Song, lo sợ con học chậm hơn so với bạn bè, sợ con bị cô giáo và các bạn kỳ thị, hầu như cha mẹ nào cũng cho con luyện viết và tính nhẩm trước khi vào lớp 1. Có trẻ học trước suốt một năm mẫu giáo 5 tuổi, trẻ nào học chậm thì cũng dành gần như trọn vẹn 3 tháng hè để “dùi mài kinh sử”.

Việc trẻ học trước chương trình đối với học sinh chuẩn bị vào lớp 1 lợi ít mà hại nhiều.

Về phía các giáo viên, việc dạy cho những học sinh biết chữ trước có một số thuận lợi, bởi vì các em đã biết chữ nên sẽ tiếp thu nhanh hơn và nắm bài sâu hơn so với những học sinh chưa từng làm quen với chữ cái. Song việc dạy một lớp học có cả học sinh biết chữ và chưa biết chữ sẽ vấp phải những khó khăn nhất định. Do trình độ học sinh tiếp thu không đồng đều, giáo viên phải đưa ra được các phương pháp khác nhau để tiếp cận các đối tượng học sinh khác nhau.

Mặt khác, do đã được học trước khi vào lớp 1, nhiều em sẽ chủ quan, hoặc cảm thấy nhàm chán khiến cho giáo viên khó tạo hứng thú học tập đối với nhóm học sinh này. Trong khi đó, với nhóm học sinh chưa đọc thông viết thạo lại cảm thấy tự ti vì thua kém bạn bè, giáo viên mất nhiều thời gian và công sức để vừa dạy kiến thức, vừa làm công tác tư tưởng, động viên trẻ cố gắng học tập.

Về phía các bậc phụ huynh và trẻ em, việc học trước chữ ban đầu có thể tạo đà thuận lợi cho trẻ. Nhưng khi đến trường học lại những điều mình đã biết, trẻ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan hoặc chán nản khiến việc học không còn hứng thú nữa. Trong khi đó, để có thể đọc thông viết thạo, chắc chắn trẻ đã phải học thêm trước đó không ít tháng. Ðáng ra nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ được thoải mái chạy nhảy và vui chơi chuẩn bị cho một năm học mới thì trẻ lại dành chủ yếu thời gian cho việc học chữ, làm Toán.

Với những trẻ chưa thông thạo mặt chữ, khi vào một lớp học mà tới hơn nửa lớp đã có thể đọc thông viết thạo, trẻ sẽ bị “choáng” và cảm thấy mình khó có thể theo kịp. Một số trẻ có tư chất tốt cùng với sự hỗ trợ của giáo viên và cha mẹ thì có thể bắt kịp các bạn, nhưng một số trẻ vốn tiếp thu chậm lại không được cha mẹ đầu tư nhiều thời gian hơn để giúp con tự học ở nhà sẽ bị tụt lại phía sau, từ đó dẫn tới mặc cảm và chán nản.

Nếu không có phụ huynh nào cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 thì giáo viên lẫn học sinh sẽ không ai gặp phải những rào cản khó khăn như đã kể ở trên.

Các em học sinh lớp 1 hào hứng trong ngày tựu trường. Ảnh: Thanh Huyền

Các em học sinh lớp 1 hào hứng trong ngày tựu trường. Ảnh: Thanh Huyền

Trẻ vào lớp 1, cha mẹ nên chuẩn bị gì?

Thay vì chạy hết tốc lực trong cuộc đua luyện chữ cho trẻ, cha mẹ nên để con bước vào lớp 1 với tinh thần thoải mái nhất. Ðể các con tự tin bước vào lớp 1, các bậc cha mẹ nên rèn cho trẻ một số kỹ năng sống cơ bản và chuẩn bị tâm lý đón nhận việc thay đổi môi trường học tập.

Các kỹ năng này bao gồm kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp và kết bạn, kỹ năng làm việc nhóm… Trong đó, kỹ năng tự học là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Khi trẻ có ý thức tự giác học tập, cha mẹ sẽ không phải nhắc nhở nhiều. Hãy tạo cho con thói quen học tập mỗi ngày, ban đầu chỉ cần con ngồi vào bàn học vào một giờ nhất định trong ngày và học bất cứ thứ gì con thích (đọc lại bảng chữ cái, tính nhẩm, ghép chữ hoặc tô màu…) với thời gian tăng dần từ 10 phút, rồi 15 - 20 phút… 

Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ trẻ cách sử dụng các đồ dùng học tập (cách sử dụng bút chì, bút mực, tẩy, thước kẻ, kéo, hồ keo, bọc sách vở, dán nhãn…); tư thế ngồi học đúng (ngồi thoải mái, cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi, hai chân duỗi, khoảng cách từ mắt đến vở 25 - 30cm, ánh sáng đủ độ...).

Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy trẻ nói câu đầy đủ, tự tin, rõ ràng để con có thể học tốt môn Tiếng Việt, cho con tập nhận xét sự vật xung quanh (đặc điểm, màu sắc, hình dáng, số lượng…) để con học tốt các môn Toán, Tự nhiên xã hội, Mỹ thuật… Việc rèn những kỹ năng này cho trẻ cũng giúp bố mẹ sớm nhận ra những ưu điểm, và hạn chế của con, từ đó lường trước những khó khăn trẻ sẽ gặp phải khi vào lớp 1 và có kế hoạch giúp con vượt qua những khó khăn đó.

Lên lớp 1, môi trường học tập của trẻ sẽ thay đổi hoàn toàn. Nếu như ở bậc mầm non, các hoạt động trong ngày của trẻ chủ yếu là vui chơi, ăn và ngủ thì khi bước vào bậc tiểu học, các hoạt động chính trong ngày là học tập. Tuy nhiên, lớp 1 hoàn toàn không đáng sợ, bởi chương trình giáo dục tiểu học được thiết kế phù hợp với độ tuổi của trẻ, cha mẹ không cần phải cho trẻ học trước chữ và luyện Toán. Hãy để trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với tâm thế chủ động và hứng khởi.

Phương Anh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Bé 2 tuổi ở Quảng Ninh uống nhầm thuốc tẩy nốt ruồi do người lớn bất cẩn

Bé 2 tuổi ở Quảng Ninh uống nhầm thuốc tẩy nốt ruồi do người lớn bất cẩn

9 tháng trước

Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), các bác sĩ của Bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi 2 tuổi bị ngộ độc thuốc tẩy mụn ruồi do sự bất cẩn...
Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em năm 2023

Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em năm 2023

9 tháng trước

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về việc tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn Thành phố năm 2023.
Kịp thời cứu sống bé gái bị vỡ dị dạng mạch máu não

Kịp thời cứu sống bé gái bị vỡ dị dạng mạch máu não

9 tháng trước

Bé gái 12 tuổi ở Sóc Trăng bị vỡ dị dạng mạch máu não, búi dị dạng phức tạp, nguy hiểm đã được các bác sĩ cứu sống kịp thời.