THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 10:20

Lớp học tình thương xóa mù chữ cho trẻ em nghèo

06/10/2023 | 10:39
Thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ em cơ nhỡ không có điều kiện đến trường, anh Huỳnh Quang Khải mở “Lớp học tình thương Ngọc Việt” dạy chữ cho các em. Đến nay, lớp mang tên mới là “Điểm học phổ cập phường Hiệp Thành” (Quận 12, TP.HCM). Bước sang năm thứ 16, lớp học miễn phí đã giúp xóa mù chữ cho trên 1.000 em có hoàn cảnh khó khăn.
Giờ học tại Lớp học tình thương Ngọc Việt.

Giờ học tại Lớp học tình thương Ngọc Việt.

“Người lái đò” ân cần dìu dắt trò cơ nhỡ biết đến con chữ

Từ nhiều năm qua, anh Khải luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Bản thân anh Khải vốn mồ côi cha và có một tuổi thơ cơ cực. Năm 2008, anh Khải thấy trong khu phố mình sinh sống có nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ, cũng không có điều kiện đến trường. Ðồng cảm với những khó khăn ấy, anh nảy ra ý định mở lớp, mua dụng cụ học tập hỗ trợ trẻ em xung quanh nơi anh sống để các em biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản… với chi phí 0 đồng. Ban đầu, lớp học không quá đông nên Khải chưa đưa ra tiêu chí lựa chọn học sinh vào lớp. Sau này, số lượng tăng dần, Khải phải kĩ càng hơn khi nhận học sinh. “Các em được nhận vào lớp học của mình phải trên 8 tuổi, gia đình không có điều kiện cho đi học trường chính quy” - anh Khải chia sẻ.

Tại lớp học tình thương ở số 30D đường Hiệp Thành 23, phường Hiệp Thành này, hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, phải lao động kiếm sống (nhặt ve chai, bán vé số, rửa bát thuê), và các em bị tật về mắt, chậm phát triển. Lớp hiện tại có em nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 15 tuổi.

Với tâm huyết của vợ chồng anh Khải, kết hợp với đóng góp của các mạnh thường quân, Lớp học tình thương Ngọc Việt từ những chiếc bàn tạm, có khi phải trải bạt ngồi học thì nay đã trở nên khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi.

Lớp học bắt đầu từ 18h45 đến 21h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Trước giờ vào học, các em sẽ tập trung tại lớp lúc 17h15 để cùng nhau ăn tối. Anh Khải luôn quan tâm lo lắng cho những cô, cậu học trò của mình từ bữa ăn đến sức khỏe, với căn-tin “0 đồng”, các em có bữa ăn no trước giờ học. Các môn học chính gồm Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Ngoài dạy các em biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản ra, anh Khải còn dạy các em những bài học vỡ lòng về đạo đức, cách sống, kỹ năng ứng xử, bảo vệ bản thân. Ngoài học kiến thức trên lớp, anh thường xuyên kết hợp các hoạt động dã ngoại, vừa học vừa chơi để các em ham học hỏi tiếp thu hơn. Những lúc anh bận công tác, đã có vợ anh cùng chung tay gánh vác và các cô giáo tình nguyện đến dạy các em.

Anh Khải chia sẻ, dù không tốt nghiệp trường sư phạm, nhưng mình may mắn làm hướng dẫn viên du lịch, có dịp đi nhiều nước, được tham quan “ké” các trường học ở Singapore, học hỏi phương pháp giáo dục hay, áp dụng linh hoạt vào lớp học của mình. Ðể tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập, anh nghĩ ra cách phát thưởng bằng những đồng xu cho các em chăm ngoan, học giỏi đổi quà. Phần quà có thể là búp bê, đồ chơi yoyo, chai nước ngọt, hộp bánh, thùng mì hay bao gạo tùy vào số xu các em tích được, càng nhiều xu phần thưởng càng lớn.

Trước hiện trạng nhiều vụ cháy xảy ra, anh Khải dự định nhờ bên Ðoàn thanh niên phường hỗ trợ mời các cảnh sát PCCC đến lớp chia sẻ, thực tập cho các em kỹ năng phòng chống cháy nổ trong phòng trọ, những kỹ năng thoát nạn.

Anh Huỳnh Quang Khải giảng bài cho các em học sinh.

Anh Huỳnh Quang Khải giảng bài cho các em học sinh.

Học trò có cuộc sống đổi thay tươi sáng

Ðối với anh Khải bên cạnh việc dạy chữ cho các em nhỏ còn phải dạy các em nhân cách, đạo đức làm người… Hằng tháng, cứ vào ngày mồng một, ngày rằm Âm lịch, vợ chồng anh Khải và các em học sinh lại cùng nhau làm những chiếc bánh mì, những suất cơm miễn phí gửi tới người dân có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Sau những lần như vậy, nhiều em nhỏ thủ thỉ với thầy Khải: “Thầy ơi, con thấy mọi người được no bụng con vui lắm. Khi nào đi phát bánh mì hay làm cơm thầy nhớ cho con đi với nhé!”. Hàng năm, anh Khải cũng cùng các mạnh thường quân và học sinh tham gia những chuyến thiện nguyện. Năm 2022, anh cùng đoàn  xã Kon Ðào, huyện Ðắk Tô, tỉnh Kon Tum để phát quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và bánh trung thu, lồng đèn, sữa, đồ chơi… cho các em nhỏ nơi đây.

Với mong muốn học trò nối gót làm những việc thiện lành như mình đang làm, cũng như có kỷ niệm sâu sắc về các phong tục cổ truyền để sau này kể lại cho con cháu, vào những dịp lễ, Tết, anh Khải hướng dẫn học trò cách gói bánh tét, cách đun nấu nồi bánh ra sao. Anh cùng các trò tự tay trang trí lớp theo chủ đề từng mùa, một phần để lớp học trở nên sinh động, một phần khiến những đứa trẻ nghèo cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi của mùa lễ hội. “Năm nay, không khí đón Tết Trung thu rất rộn ràng, vui tươi. Các trò được tự tay làm lồng đèn Trung thu, rồi rước đèn đi chơi vòng vòng trong xóm, ca hát dưới ánh trăng, quây quần bên mâm cỗ, thưởng thức bánh trái ngon.” - anh Khải tâm sự.

Nhiều học trò sau khi rời khỏi Lớp học tình thương Ngọc Việt có cuộc sống đổi thay tốt đẹp. Có em về quê trở thành chủ một gara ô tô, chủ tiệm sửa điện thoại di động. Như em Kiệt ở Ðắk Lắk, năm 2011, cha mẹ đều đi tù và em ở với bà ngoại. Khi vào lớp học này, em rất bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu học. Ðược thầy Khải kiên nhẫn giải thích, cảm hóa, em chịu học tới lớp 4, sau đó theo người dì lên Kon Tum sinh sống, học chữa máy cày, có lương. Năm 2022, em điện thoại cho thầy khoe giờ con trưởng thành lấy vợ rồi, con thuê một mảnh đất ở Ðắk Lắk làm gara sửa chữa máy cày, xe công nông, máy kéo, cuộc sống khấm khá. Con rất vui, nếu không có thầy kiên nhẫn dạy bảo thì con sẽ không được như bây giờ.

Các em nhỏ của Lớp học tình thương Ngọc Việt háo hức xem kịch.

Các em nhỏ của Lớp học tình thương Ngọc Việt háo hức xem kịch.

Sau bao năm đứng lớp, món quà lớn nhất mà anh Khải nhận được đó chính là sự lễ phép, ngoan hiền và phát triển từng ngày của mỗi học trò. Ðối với anh đó là tấm gương phản ánh rõ nhất cho bao tâm huyết, tình thương của anh dành cho các bé. Bản thân anh không mong gì nhiều ngoài việc các học trò của mình có một tương lai tươi sáng và thành người có ích cho xã hội. “Trong tương lai, tôi không mong là sẽ dạy lớp này nữa. Vì tôi còn phải dạy, tức là vẫn còn người nghèo. Lớp còn một học trò, tôi vẫn dạy, đến đời con tôi mà còn học trò nghèo, tôi cũng sẽ bảo con dạy”, anh Khải khẳng định.

Hồng Nga
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học trước 17g ngày 22/8

Công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học trước 17g ngày 22/8

7 tháng trước

Ngày 6/8, theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023, việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến...
Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

7 tháng trước

Bộ Y tế đang đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A, đồng thời bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch COVID-19.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho các em học sinh vùng biên giới

Dành sự quan tâm đặc biệt cho các em học sinh vùng biên giới

7 tháng trước

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt dành cho các em học sinh ở biên giới, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đã phối hợp các mạnh thường quân tổ chức chương trình “Trung thu cho em”...