THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 11:33

Lý Sơn, huyện đảo tiền tiêu

31/10/2017 | 09:32
 
Toàn cảnh đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới.
 
Hòn đảo thần tiên
 
Dòng chảy lịch sử lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng của các tộc người nối tiếp nhau cộng cư trên mảnh đất này. Hoạt động phun trào núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn độc đáo với thềm địa chất hàng triệu năm.
 
Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun nổ sớm khoảng 9-11 triệu năm. Núi lửa cổ này phun lên lượng đá basalt lớn, tạo nên phần nền cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm. 
 
Có lịch sử hình thành thời tiền sử trên 5 ngọn núi lửa đã tắt, Thới Lới là ngọn núi cao nhất trên đảo Lý Sơn với độ cao gần 170m so với mực nước biển. Núi Thới Lới sừng sững giữa đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn cho lịch sử hình thành, phát triển của hòn đảo. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy đỉnh núi Thới Lới vươn lên kiêu hãnh trên nền trời xanh. Từ trên đỉnh núi này, bạn cũng có thể ngắm nhìn cảnh non nước hùng vĩ của biển đảo Lý Sơn, những ruộng tỏi trải dài, như bàn cờ bên hàng dừa cao vút, những con sóng và bầu trời cao xanh thẳm.
 
Từ Cầu Cảng đảo Lý Sơn, rẽ trái theo đường bờ kè khoảng 1,5km, bạn sẽ đến cổng Tò Vò. Đây là một trong những điểm yêu thích của dân du lịch, đặc biệt là những người đam mê chụp ảnh. Kiến trúc thiên tạo vô cùng độc đáo của vòm đá cao tầm 2,5m này chính là điểm tạo nên sự thu hút khó cưỡng đối với khách du lịch.
 
 
Hoàng hôn ở cổng Tò Vò.
 
Cổng Tò Vò ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một "vòm cổng" bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Đây được xem là cổng vòm đá tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Theo các nhà địa chất, Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ, nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn. Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Từ Cổng Tò Vò nhìn về phía Nam là khu làng chài sung túc của các ngư dân trên đảo. Trong khi đó, ở phía Bắc lại là cảnh tượng hùng vĩ của núi Giếng Tiên, một ngọn núi lửa đã tắt. Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên khác là Cổng Thiên Đường. 

 
Cột cờ trên đảo.
 
Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiên, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, chúng tôi vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được chùa Đục. Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét. Chùa Đục trong lòng núi, xưa kia, theo người dân đảo, cũng khá nhỏ, có một vị sư trụ trì trước đây đục sâu vào lòng núi mở rộng chùa, vì thế mà có tên là chùa Đục. Theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển, cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận Đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cánh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao, để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh. Du khách đặt chân đến ngôi chùa trường tồn lâu đời, không chỉ thú vị với kiến trúc độc đáo của chùa Đục, mà hành trình đến với những thắng cảnh nổi danh xứ đảo này còn được ví như đường lên tiên cảnh với vẻ đẹp như tranh của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn. 
 
Ở đảo có rất nhiều giếng nước, nổi tiếng nhất là Giếng Vua còn gọi là giếng Xó La, được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau, đường kính miệng hơn 1m, sâu 6m. Sự ra đời và tên gọi của giếng nước này gắn với nhiều huyền thoại. Khi vua Gia Long bị quân Tây Sơn truy đuổi thì chạy ra đảo Lý Sơn. Khi đó, đảo đang bị hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ mang theo cũng cạn kiệt, vua cho đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc nguy cấp thì ông nằm mơ thấy có người mách nơi đào giếng. Quả nhiên, vừa đào xuống chừng vài mét thì mạch nước ngọt phun trào. Trước khi rời đảo, vua Gia Long ra lệnh cho người dân phải giữ lại giếng này. Một truyền thuyết khác là sau khi lên ngôi, trong một chuyến đi thăm các hòn đảo dọc miền Trung và ghé vào đảo Lý Sơn đúng thời điểm hạn hán hoành hành, vua Gia Long đã lập đàn tế trời cầu mưa. Đêm đó, khi nằm ngủ được báo mộng địa điểm, nên sáng hôm sau, vua cho người đến đào giếng, giúp dân vượt qua hoạn nạn. Nhớ ơn vua, người dân đặt tên là giếng Vua hay còn gọi giếng Gia Long. Hàng trăm năm qua, giếng Vua chưa bao giờ bị nhiễm mặn dù rất gần biển, hoặc cạn nước. Quanh năm suốt tháng, nước giếng ngọt và trong vắt. Ở Lý Sơn hiện có khá nhiều giếng nước, nhưng để pha được ấm trà ngon thì không đâu bằng nước giếng Vua.
 
 
Ngọn hải đăng.
 
 “Vương quốc” của tỏi
 
 Cánh đồng hành tỏi Lý Sơn với đủ màu sắc, từ màu trắng của cát đến những thảm màu xanh non, xanh đậm xen kẽ tạo nên tấm thảm nhiều màu sắc, vô cùng đẹp mắt. Tỏi Lý Sơn có thương hiệu đã được nhiều người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước biết đến, bởi hương liệu, dược liệu rất đặc biệt. Đặc biệt nhất là tỏi một tép, loại tỏi "cô đơn" - tép tỏi được trồng một mình (không đẻ), to chỉ bằng ngón tay út. Tỏi cô đơn là loại tỏi quý ở Việt Nam, được trồng trên đất đảo, vùng đất được hình thành do quá trình hoạt động núi lửa và sự bồi đắp của cát biển, đá san hô biển tạo nên, với sự đặc biệt về thổ nhưỡng và kinh nghiệm truyền thống bao đời từ khi khai sinh vùng đất đảo đã làm cho tỏi Lý Sơn có hương vị riêng và đặc biệt
 
 Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, loại tỏi này không giống như các loại tỏi thường (một củ có rất nhiều tép) mà mỗi củ tỏi này chỉ có duy nhất một tép, vì tất cả chất dinh dưỡng của cây tỏi chỉ tập trung vào một tép một cách tự nhiên, mà những người dân trồng tỏi cũng không thể tác động vào cây tỏi để cho ra loại tỏi cô đơn  này được. Trong một ruộng (rẫy) khi thu hoạch thì có rất ít loại tỏi cô đơn nên người dân rất quý, bởi lẽ loại tỏi này có công dụng rất đặc biệt so với loại tỏi thường. 
 
 
Cánh đồng trồng tỏi.
 
Đất trồng hành tỏi ba năm phải đảo, tức là gom lớp đất trên mặt lại, đào sâu một nơi để lấy đất từ dưới rồi bỏ đất đã gom vào chỗ đã đào, lấy đất mới đào lên san ra, phả bằng. Sau đó, rải lên trên một lớp cát san hô trắng - cát này trước kia ven bờ có, nay đã hết, dân phải lặn ra sâu hốt lên, hoặc dùng máy hút cát lên thuyền, sau đó đưa vào bờ và chuyển đến cánh đồng tỏi. Nói về cách trồng tỏi cũng ngồ ngộ, thủ công mà khoa học. Sau khi san đất như trên, độ khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 Âm lịch, khi mưa đã giảm, bão đã yên, nông dân hối hả ra đồng. Công cụ lao động của họ chỉ có một, hai cái cỡ - giống cái cào cỏ nhưng răng nhiều hơn, thường là từ năm đến chín răng, mỗi răng dài độ một gang tay, khoảng cách của 2 răng về chiều ngang (khoảng 5 phân) cũng là khoảng cách của hàng tỏi.
 
Tản bộ bên bờ biển, dừng chân bên những cánh đồng tỏi, hành tím, leo lên vách đá, núi kỳ thú, vừa ngắm bình minh trên núi, lại sốt sắng sợ không kịp về chiêm ngưỡng hoàng hôn về bên Cổng Tò Vò, một ngày qua mau trên đảo thần tiên.

Sơn Hòa - Tuấn Anh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...