CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 05:08

Mất cân bằng giới tính: Gay đấy!

24/09/2017 | 13:00
 
 
Việt Nam hiện đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, tạo cơ hội cho trẻ em gái. Ảnh minh họa
 
Mất cân bằng giới tính diễn ra lâu rồi, bây giờ Quốc hội mới quan tâm
 
Những người làm việc trong lĩnh vực dân số - gia đình và trẻ em đã cảnh báo chuyện mất cân bằng giới tính cách đây cả chục năm. Điều này không khó để nhận thấy. Với tâm lý thích con trai hơn con gái, các cặp vợ chồng tìm mọi cách để sinh con trai, từ việc ăn uống, chọn thời điểm sinh hoạt cho đến việc siêu âm để biết giới tính thai nhi rất sớm. Bằng những cách này, dù kết quả không đạt tỷ lệ cao nhưng số lượng trẻ em trai khi sinh vẫn vượt trội so với trẻ em gái.
 
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga băn khoăn, năm 2016, có những huyện như Ứng Hòa (Hà Nội), tỷ suất sinh chênh lệch tới 132,6 trẻ nam mới có 100 trẻ nữ. Việc sàng lọc thai nhi để sinh con trai, theo bà Nga, vẫn diễn ra phổ biến trong các gia đình và hoàn toàn có thể thực hiện được, dù đã bị cấm.
 
Để làm rõ “bức tranh” mất cân bằng giới tính rộng hơn, xin đưa ra số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội: Đến hết quý I-2017, tổng số trẻ mới sinh của thành phố là 22.502 trẻ, tăng 175 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
 
Hà Nội là Thủ đô, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh mà còn như thế. Vậy ở các địa phương khác, tình hình mất cân bằng giới tính chắc chắn còn trầm trọng hơn. Ví dụ, ở một số tỉnh lân cận Hà Nội, tỷ số này còn cao hơn. Đó là tỉnh Hưng Yên với 119,5 bé trai/100 bé gái, tỉnh Quảng Ninh với 124,4 bé trai/100 bé gái. Một chuyên gia tronh lĩnh vực này nhận định: “Trong vòng 14 năm qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106, 120 bé trai/100 bé gái”.
 
Với tình hình mất cân bằng giới tính trầm trọng như vậy, dự báo đến năm 2050, khoảng 4,3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ không có phụ nữ để lấy làm vợ. Trước tình hình như vậy, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội nêu vấn đề: “Nếu để thế này thì tương lai Việt Nam lại như Hàn Quốc, con cháu ta phải đi nước nào đây để tìm cô dâu?”. 
 
 
 
Trẻ em gái và trẻ em trai ngày nay hoàn toàn bình đẳng về mọi cơ hội phát triển trong xã hội. Ảnh minh họa
 
Tình hình trầm trọng hơn chúng ta tưởng
 
Chuyện thiếu hụt phụ nữ không chỉ gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình, hay nói cụ thể là việc đàn ông tìm vợ. Mà chỉ riêng việc đàn ông tìm vợ, cũng không đơn giản là đến những quốc gia khác tìm kiếm cô dâu. Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam không thuận lợi như Hàn Quốc để đàn ông làm việc đó. Mà tìm cô dâu ở những nước nào? Cả châu Á hiện thiếu khoảng 117 triệu phụ nữ nếu cứ ghép đôi 1 đàn ông/1 phụ nữ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở 2 quốc gia đông dân nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán, năm 2060, cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới tại 2 nước này trong độ tuổi kết hôn.
 
Mất bình đẳng giới sẽ gây nên những căng thẳng trong xã hội. Cứ tưởng tượng có hàng triệu đàn ông trưởng thành, khỏe mạnh, sung sức; họ có rất nhiều loại nhu cầu khác nhau, trong đó có như cầu gần gũi phụ nữ. Đây là thứ nhu cầu vào loại mạnh mẽ nhất. Ấy thế mà nhu cầu này lại không được đáp ứng chỉ vì thiếu phụ nữ. Vì thế, chúng ta không nên cảm thấy lạ khi ở một số quốc gia thiếu phụ nữ, nạn hiếp dâm diễn ra rất dã man. Nếu không giải quyết được vấn đề mất cân bằng giới tính, căng thẳng trong xã hội càng ngày càng tăng lên, thậm chí không có lối thoát. Đó là về mặt thỏa mãn nhu cầu rất con người.
 
Còn về bình diện chính trị, tư tưởng, văn hóa - mất cân bằng giới tính thể hiện việc bất bình đẳng giới. Mà việc bất bình đẳng giới vẫn còn thì loài người vẫn còn phải đối mặt với nhiều thứ, kể cả trong lĩnh vực tinh thần, lẫn trong lĩnh vực vật chất. Bất bình đẳng giới sẽ gây khó khăn, cản trở cho việc thực hiện bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến kinh tế, chính trị. Điều này diễn ra trên toàn thế giới, nặng nề nhất là ở châu Á.
 
Ở Việt Nam, chúng ta cứ hô hào là cương quyết thực hiện bình đẳng giới, đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể; song, tỷ lệ trẻ khi sinh đã chỉ ra điều ngược lại, nó “tố cáo” trong nhận thức của chúng ta, việc “trọng nam, khinh nữ” vẫn ngự trị. Còn điều này trong nhận thức, đừng nói tới việc nữ giới sẽ bình đẳng với nam giới trong cơ cấu của các cơ quan quyền lực như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng.
 
 
 
Quan niệm con trai là để “nối dõi tông đường” cần phải được xóa bỏ. Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục
 
Nguyên nhân đầu tiên - nguyên nhân chủ đạo của việc mất cân bằng giới tính ở Việt Nam là ảnh hưởng của tư tưởng: trọng nam, khi nữ. Cái ý nghĩ cứ phải có con trai để “nối dõi tông đường” đã ăn sâu vào đầu óc nhiều người, kể cả phụ nữ khi họ làm vợ, làm mẹ. Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức thì rất khó khắc phục.
 
Để thay đổi nhận thức, cách có hiệu quả nhất là giải thích, tuyên truyền, giáo dục, làm gương. Cần phải luận giải một cách khoa học là việc “nối dõi tông đường” không hề có ý nghĩa trong cuộc sống thực tế. Con người khi chết đi thì chẳng cần thứ gì nữa, còn việc thờ cúng, thực ra chỉ có ý nghĩa với người sống. Mà xét cho cùng, nếu việc thờ cúng có ý nghĩa ở một góc độ nào đấy thì con gái vẫn có thể thờ cúng bố mẹ, ông bà mình được chứ?!
 
Khi nhận thức của một số người chưa thay đổi, việc phải thực hiện một số biện pháp hành chính để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính là cần thiết. Việt Nam đã ban hành điều này, nhưng người ta vẫn “xé rào”, vẫn làm “chui” khá phổ biến. Do vậy, việc cấm siêu âm để lựa chọn giới tính cần được thực hiện chặt chẽ và thuyết phục hơn. Một số quốc gia trên thế giới cấm triệt để việc lựa chọn thai nhi khi vợ chồng sinh đứa con đầu tiên. Đến khi sinh đứa con thứ hai, họ có thể chấp nhận việc siêu âm để lựa chọn giới tính. Đây có vẻ là một biện pháp hợp tình, hợp lý.
 
Cần phải thấy việc khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính là một cuộc chiến phức tạp, lâu dài và rất gay go. Song, dù gay go như thế nào, chúng ta vẫn phải làm, vì đây là vấn đề rất quan trọng và đã nghiêm trọng.
 
                                        Phải chấp nhận sự may rủi!

Hiện nay, đại bộ phận những gia đình trẻ thấy rằng, sinh hai con là hợp lý. Lý tưởng nhất là 1 con trai, 1 con gái, nhưng chúng ta cần chấp nhận nếu 2 con cùng một giới.
 
Thật ra, ông cha ta ngày xưa quan niệm có con trai, con gái là “có nếp, có tẻ” cho vui chứ cũng không nặng việc “nối dõi tông đường”. Các cụ ngày xưa được sinh đẻ khá thoải mái, lại không biết nhiều về khoa học kỹ thuật nên không có chuyện lựa chọn giới tính cho thai nhi. Vì vậy, nếu nhà này đông con gái thì nhà khác lại đông con trai. Về quy mô toàn xã hội, vấn đề cân bằng giới tính về cơ bản vẫn được giữ vững. Ở đây có sự chọn lọc tự nhiên.
 
Từ khi xuất hiện nhu cầu kế hoạch hóa, mỗi gia đình chỉ nên sinh 2 con, việc mất cân bằng giới tính mới xuất hiện. Để có con trai, người ta sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp, từ việc áp dụng những kinh nghiệm dân gian đến thực hiện theo chỉ dẫn có tính khoa học ngặt nghèo. Kết quả là số trẻ sơ sinh nam tăng vọt so với trẻ sơ sinh nữ. Nếu vấn đề này chỉ xảy ra trong một gia đình, một dòng họ, một vài thôn xóm thì không sao; nhưng khi nó diễn ra ở quy mô cả nước thì vấn đề trở nên rất trầm trọng.
 
Viễn cảnh hàng triệu đàn ông không có phụ nữ để cưới làm vợ khiến chúng ta vô cùng lo lắng. Có thể nói, chúng ta chưa lường hết hậu quả bi đát của chuyện này. Vì thế, cách tốt nhất để giảm bớt sự bi đát trong tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chấp nhận may rủi: 1trai, 1 gái là may; 2 trai hay 2 gái là rủi. Song, cái rủi này không có gì là bi đát cả; vì nếu anh có 2 con trai, tôi có 2 con gái; xét về tổng thể, số nam/nữ sẽ tương đương nhau.
 
Nói “chấp nhận may rủi” là cách nói dân dã. Còn trong chuyện sinh con, hãy để quy luật chọn lọc tự nhiên thực hiện.
 
                                                                Trọng Đàm 

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...