THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 04:44

Mỗi ngày mất 3 triệu đồng vì... không có thẻ BHYT

08/07/2017 | 09:37
 

BS Nguyễn Ngọc Thiện thăm khám cho bệnh nhân Đoàn Văn Thông – người không có BHYT điều trị tại khoa Chăm sóc bàn chân,
Bệnh viện Nội tiết TƯ. Ảnh: V.Thu
 
Vay mượn để đi chữa bệnh
 
Bắt đầu từ một vết thương do đinh nhọn trên mái nhà đâm phải cách đây hơn 1 tháng, mấy tuần sau, ông Đoàn Văn Thông (66 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định) đã phải chịu nỗi đau đớn thấu trời khi vết thương mưng mủ, sưng vù khiến ông không thể đi lại được.
 
Ngày 26/6, ông được gia đình đưa vào khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (cơ sở 2). Tại đây, ông được các bác sĩ khám, chụp Xquang, siêu âm và tiến hành chích mổ vết thương. Đến ngày 5/7, sau 10 ngày điều trị, ông đã được ra viện. Tuy nhiên, điều quan trọng là vì ông không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nên ông phải đóng đủ 100% tiền viện phí, tổng cộng là 10 triệu đồng. Tính ra, mỗi ngày nằm viện trung bình ông phải đóng 1 triệu đồng.
 
“10 triệu cũng là một khoản tiền lớn vì tôi hoàn toàn không có lương hưu, ở nhà cũng chỉ loanh quanh mấy việc cỏn con không ra tiền. Con cái đi làm ăn xa, gia đình cũng khó khăn, nay lại phải cõng thêm gánh nặng cha già vào viện, xót cho con nhưng biết làm thế nào được” - ông Thông ngậm ngùi nói.
 
Bệnh nhân Thông cũng chia sẻ, trước đây ông đã từng mua thẻ BHYT, nhưng sau đó khi thẻ hết hạn, ông lại không mua gối tiếp vì thấy mình… không ốm đau gì. Đến nay khi đột ngột phải vào viện, khi chứng kiến con cái phải làm thêm để kiếm tiền chăm bố, ông mới thấy ân hận vì không có BHYT. Theo BS Nguyễn Ngọc Thiện – Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, bệnh nhân Thông là đối tượng nguy cơ cao mắc tiểu đường, phải theo dõi liên tục, nên sẽ phải tái khám nhiều lần. Nếu ông tiếp tục không mua BHYT, gánh nặng cho bản thân và gia đình không chỉ dừng lại ở mức 10 triệu đồng đó.
 
BS Thiện cho biết thêm, tại khoa Chăm sóc bàn chân, thường xuyên điều trị cho khoảng hơn 40 bệnh nhân nội trú. Mỗi bệnh nhân bị loét bàn chân do biến chứng bệnh tiểu đường phải nằm viện trung bình khoảng 3 tuần đến 1 tháng, mỗi ngày chi phí khoảng 1 triệu đồng. Cá biệt, có những bệnh nhân tiêu tới 100 triệu sau một đợt nằm viện 1 tháng. Thậm chí, có bệnh nhân ở ngay Hà Nội, đã phải đi vay nóng tiền nặng lãi để đóng viện phí hơn 70 triệu cho mấy ngày nằm viện, chỉ vì không có BHYT.
 
Lần giở album hình ảnh những bàn chân loét của hàng nghìn bệnh nhân đã từng điều trị ở đây, BS Thiện chia sẻ: Nếu không có BHYT, gánh nặng viện phí lớn, nhiều bệnh nhân sợ tốn kém,đành chấp nhận mất chân. Hiện toàn khoa có khoảng dưới 10% bệnh nhân không có thẻ BHYT.
 
Theo BS Thiện, với bệnh lý loét bàn chân do biến chứng tiểu đường, đó chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Bởi bệnh lý này còn đi kèm với rất nhiều bệnh khác đe doạ tính mạng như nhiễm khuẩn, viêm phổi, thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, xơ gan, suy thận… Tính chất bệnh cũng khó chữa, mất nhiều thời gian hơn so với người có vết thương bình thường. Người mắc bệnh lại thường là người lớn tuổi.
 
“Do đó, câu nói đầu tiên khi chúng tôi thăm khám bệnh nhân là tư vấn mua BHYT ngay nếu chưa có, nhiều bệnh nhân vào viện, “ngấm đòn” viện phí mới cuống cuồng đi mua BHYT. Tại khoa Chăm sóc bàn chân, phần lớn những người không có BHYT là những người mới phát hiện ra bệnh. Nhưng thực ra không phải là họ mới mắc. Theo thống kê, khi một người mới phát hiện mắc tiểu đường thường đã có dấu hiệu, mắc bệnh từ 5-7 năm trước. Chỉ vì họ ít đi khám, theo dõi nên phát hiện bệnh muộn” – BS Thiện nói.
 
“Không có BHYT, tôi đã khánh kiệt”
 
Một bệnh nhân khác cũng phải chịu gánh nặng viện phí vì không có thẻ BHYT là bà Nguyễn Thị Ngọ, 77 tuổi (ở Hoàng Mai, Hà Nội). Theo y bạ dày cộp của bà được lưu tại khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), bà mắc bệnh tiểu đường type 2, có biến chứng bàn chân, suy thận, viêm phổi…
 
Trước đó, sau khi điều trị 7 ngày ở khoa Chăm sóc bàn chân với chi phí mỗi ngày 4-5 triệu đồng, bà Ngọ được chuyển xuống khoa Điều trị tích cực, nằm giường hồi sức tích cực hạng đặc biệt với giá 335.900đồng/ngày. Tại đây, vì bệnh tình quá nặng, bà được bác sĩ chỉ định dùng nhiều loại kháng sinh kết hợp hạng nặng hàng ngày. Đơn cử như kháng sinh Albumin mỗi chai gần 1.300.000 đồng; Targocid có giá 430.000đ/lọ, mỗi ngày dùng ít nhất 2 lọ. Bà cũng phải truyền máu liên tục, mỗi túi có giá 975.000 đồng. Ngày 3/7, vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế kiệt quệ, gia đình bà xin cho bà ra viện, viện phí phải thanh toán là hơn 20 triệu đồng cho 1 tuần ở khoa Điều trị tích cực. Như vậy, chỉ hơn 2 tuần vào viện, bà đã tốn gần 50 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà có thẻ BHYT và khám đúng tuyến, số tiền đó được giảm đi rất nhiều vì rất nhiều thuốc điều trị biến chứng tiểu đường được BHYT thanh toán.
 
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Thông tư 02 chính thức áp dụng từ 1/7, dành cho những bệnh nhân không có thẻ BHYT vào viện từ 1/7 trở đi. Theo đại diện khoa Điều trị tích cực, vì bệnh nhân Ngọ vào viện trước ngày 1/7, bà vẫn được tính viện phí theo giá cũ. Nếu tính theo giá mới,bệnh nhân Ngọ sẽ phải thanh toán số tiền tăng thêm khoảng 30%, trong đó, riêng tiền giường hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân rất nặng đã lên tới hơn 600.000đ/ngày/giường. Tại khoa, hiện có khoảng 7% bệnh nhân không có BHYT.
 
Là người “chịu ơn” BHYT, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Hoa (54 tuổi, ở Điên Biên) – người có thâm niên 10 năm điều trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường -cho biết, cứ đều đặn, mỗi năm bà lên viện 4-5 lần, mỗi lần khoảng hơn 1 tháng. Nếu không có BHYT, bà đã… chết từ lâu vì nỗi đau phải cắt cả hai chân.
 
Bệnh nhân Hoa phát hiện bệnh tiểu đường từ 16 năm trước. Cách đây 10 năm, bà cảm thấy chân phải bị tê bì, tắc mạch từng ngón một, thâm tím, sưng vù, loét nặng, bà đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và phải cắt cả nửa bàn chân. Vài năm sau, bà bị biến chứng bàn chân trái còn lại, đến nay đã cắt 3/5 ngón chân. Ngoài ra, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm mô tế bào, nếu không phát hiện và can thiệp sớm sẽ bị viêm xương, cắt toàn bộ khuỷu chân.
 
Bà Hoa cho biết, trước đây bà là công nhân, lương không đáng kể, nay bệnh tật bà không thể làm được gì. Chồng mất sớm, con cái đang tuổi ăn học, mỗi lần xuống Hà Nội điều trị bà còn phải xin nhà xe miễn giảm tiền lộ phí. Bà Hoa rơm rớm nước mắt cho biết nếu không có bảo hiểm chi trả viện phí chắc bà đã không sống tới bây giờ. Hiện BHYT đồng chi trả viện phí cho bà tới 95%, vì thế, sau mỗi đợt điều trị khoảng 1 tháng, bà chỉ phải trả khoảng 1 triệu đồng. “Giá trị như vậy, nên khi nghe tin tăng viện phí với người không có thẻ BHYT, tôi và mọi người trong khoa động viên những bệnh nhân chưa kịp mua thẻ phải mua ngay” – bà Hoa nói.
 

Tại kỳ họp thứ 4 (diễn ra từ 3-5/7), HĐND TP Hà Nội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Các bệnh viện công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng viện phí với người không có thẻ BHYT từ 1/8/2017. Hiện Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT. Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả. 

Theo Võ Thu/Giadinhnet

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...