THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:51

Một vụ án đáng suy ngẫm

20/03/2020 | 10:30
 
Từ một vụ việc đơn giản, chồng giết vợ dã man
 
Ngày 9/3/2020, TAND TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Huân (44 tuổi) tử hình về tội Giết người, mặc dù VKSND TP. Hà Nội chỉ đề nghị mức tù chung thân. Đây là một điều rất đáng suy ngẫm, vì vậy, cần xem lại kỹ càng diễn biến sự kiện dẫn đến việc Phạm Văn Huân phạm tội giết người.
 
Diễn biến của vụ việc như sau: Huân cùng người vợ của mình là chị Nguyễn Thị N. (43 tuổi) chung sống tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hàng ngày, chị N. đi bán rau tại chợ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Hai vợ chồng sống với nhau đã được 24 năm. Hồ sơ vụ án đã cho thấy:
 
Khoảng 11h45 ngày 13/5/2019, sau khi đi ăn cưới xong, vẫn thấy vợ chưa về, Huân đã vào bếp nấu cơm. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, khi thấy vợ về, Huân càu nhàu về việc chị N. đi chợ về muộn. Chị N. cho rằng, mình đi làm ăn chứ có phải đi chơi đâu mà bị khiển trách nên chị cự lại. Hai vợ chồng to tiếng cãi vã với nhau. Tức mình, Huân lấy dao dọa đâm chị N. Vợ không những không sợ, mà còn thách thức nên Huân quật vợ ngã ra đất và bị dí dao vào cổ. Trước việc sự việc nguy hiểm như vậy, chị N. hoảng sợ nên đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ gần đó.
 
Sau mấy ngày không thấy vợ về, sáng 17/5/2019, Huân đến chỗ chị N. bán hàng và đập phá nhưng bị mọi người can ngăn. Huân bực bội bỏ về nhà, mang rượu ra uống. Sau khi uống rượu, Huân gọi điện thoại cho bố và em gái vợ, nói những lời đe dọa.
 
Sau đó, Huân lấy dao bỏ vào cốp xe máy rồi phóng tới đoạn đường chị N. sẽ đi qua. Ngồi ở quán bia chờ đợi khoảng 30 phút, Huân thấy vợ được em trai chở qua nên phóng xe theo. Em trai của chị N. thấy nguy hiểm nên tìm cách “cắt đuôi” và tưởng như đã thoát được. Nhưng khi cách nhà khoảng 100m thì Huân phóng đuổi kịp. Huân tông thẳng xe của y vào xe của chị em chị N., khiến cả ba ngã ra đường.
 
Trong tình thế nguy cấp, chị N. bỏ chạy vào nhà hàng xóm gần đó, toan đóng cổng lại, nhưng Huân đuổi kịp và tuyên bố: “Hôm nay tao cho mày lên giời”, rồi hung dữ dùng dao tấn công khiến vợ tử vong.


 Phạm Văn Huân (áo xanh, đứng giữa) tại tòa. Ảnh KT
 
Lập luận của tòa rất có lý – bài học cho những ông chồng ưa bạo lực
 
Theo tòa, Phạm Văn Huân đã phạm tội ác giết người với những tình tiết tăng nặng. Đó là từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày là vợ đi chợ về muộn, đáng ra phải thông cảm với công việc của vợ, Huân lại càu nhàu (mặc dù anh ta đã đi ăn cưới về, không đói bụng) và gây gổ. Khi vợ đã bỏ về nhà mẹ đẻ, đáng ra phải sang bên đó xin lỗi và đón vợ về thì anh ta lại gọi điện cho bố và em vợ để đe dọa. Sau khi đe dọa, anh ta lên kế hoạch khá chu đáo cho việc giết vợ và tìm cách giết vợ bằng được. Mặc dù chị N. và em trai không hề chống cự, thậm chí chị N. đã chạy vào nhà hàng xóm để trốn nhưng Huân vẫn không tha, y quyết tâm giết chị N. bằng được.
 
Với việc giết người vợ đã chung sống với mình 24 năm bằng dao, Phạm Văn Huân đã mất hết tính người, trở thành một kẻ vô cùng nguy hiểm đối với xã hội. Vì vậy, việc Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Huân án tử hình là hoàn toàn phù hợp. Thật ra, việc phải tuyên án tử hình đối với bất cứ người nào cũng là chuyện đau buồn nhưng có những lúc cần phải làm như vậy.
 
Hiện nay, dù cuộc sống nhìn chung đã được cải thiện nhiều về mặt vật chất và các loại tiện nghi sinh hoạt, nhưng bạo lực gia đình lại gia tăng, đặc biệt là các ông chồng bạo hành vợ. Rất khó giải thích hành vi côn đồ và cách giết người man rợ của Huân. Chỉ có thể đoán rằng, người đàn ông này đã nhiễm tư tưởng gia trưởng rất nặng, coi thường đạo lý, coi thường mạng sống của người khác, kể cả khi là người vợ từng chung sống 24 năm trời. Người như thế rõ ràng không xứng đáng sống trong cuộc đời này nữa.
 
Việc tòa tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Đương nhiên, Phạm Văn Huân không có cơ hội rút kinh nghiệm để sửa chữa nữa, nhưng các ông chồng khác có thể xem đây là bài học đắt giá để tránh thảm họa xẩy ra.
 
Việc vợ chồng đã sống với nhau hàng chục năm, ngoài tình ra còn có nghĩa. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần phải thông cảm với nhau, đối xử một cách hòa nhã. Nếu không còn sống được với nhau thì chia tay trong hòa bình chứ không nên giải quyết bằng bạo lực. Đây là bài học đã được tổng kết từ lâu nhưng một số người vẫn không tài nào học nổi. Chẳng hiểu tại sao?
Hiện nay, dù cuộc sống nhìn chung đã được cải thiện nhiều về mặt vật chất và các loại tiện nghi sinh hoạt, nhưng bạo lực gia đình lại gia tăng, đặc biệt là các ông chồng bạo hành vợ.
 

 

Trần Nghiêm/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...