THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 10:28

Mù Cang Chải sau cơn lũ quét

18/08/2017 | 14:26

Sau cơn lũ quét.
 
1. Chúng tôi gặp đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải.  Khác với những lần lên để ngắm cảnh và tìm góc chụp ưng ý, anh chị em xắn quần  mang vác hàng cứu trợ vào bản. Nhiều người không cầm được nước mắt khi đứng trước những căn nhà, ruộng rẫy ngổn ngang mà chỉ ít ngày trước vẫn hút hồn du khách bởi vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên.
 
Tới đâu cũng in đậm mầu áo xanh của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, thanh niên tình nguyện đang giúp người dân trong bão, lũ. Và lúc này, họ gồng gánh cùng nhân dân gây dựng, khắc phục hậu quả bão lũ. Trên các nẻo đường, chỗ đường thuận hay chỗ đường lầy lội, những chuyến hàng cứu trợ về suốt ngày đêm, mang theo tình thương yêu, tấm lòng chia sẻ của  nhân dân, của các đoàn thể, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước.
 
Chúng tôi đến khu vực hồ thủy điện Khao Mang nằm trên địa bàn các xã Mồ Dề, Kim Nọi và thị trấn Mù Cang Chải. Ở đây, các tổ tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn được duy trì 24/24h. Giữa mênh mông mặt hồ với ngổn ngang rác rưởi, cây củi, bữa ăn trưa của mỗi người cứu trợ chỉ là chiếc bánh mì, mấy thanh lương khô và chai nước lọc, nhưng ai cũng hết sức nhiệt tình, trách nhiệm. Men theo con đường từ thị trấn Mù Cang Chải đến các xã Mổ Dề, xã Khao Mang, không khó để bắt gặp các lực lượng chức năng đang tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích sau trận lũ quét. Mặt hồ thủy điện Khao Mang Thượng với dòng nước trong xanh, giờ đây đặc sệt bùn, gỗ, rác… Nhiều nơi ở Mù Cang Chải, giao thông chưa thông suốt do có nhiều điểm sạt lở, có nơi đường bị vùi lấp đến 2km. Các tuyến đường đi xã Chế Tạo, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Lao Chải, Kim Nọi... bị sạt lở, hỏng cầu, nhưng vẫn luôn tấp nập những đoàn cứu trợ đổ về với sự nhiệt tình cao nhất.
 
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân sau lũ, suốt những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện, liên tục bám hiện trường, phối hợp cùng các lực lượng để khắc phục hậu quả, tiếp tục chia thành các tổ nhỏ, tiến hành thu dọn bùn đất tại các trường học, nhà dân; giúp các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm tiếp tục sơ tán đến nơi an toàn và tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Dọn dẹp vệ sinh tới đâu, phun thuốc tẩy trùng tới đó để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh. Ở các trường học, thầy cô giáo chung tay cùng lực lượng tình nguyện khẩn trương khắc phục, với mong muốn học sinh được đến trường vào ngày khai giảng.
 

Khắc phục hậu quả sau cơn lũ.
 
2. Mặc dù đã được cảnh báo trước từ khá sớm, song những tai họa đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Hàng chục sinh mạng đã không được bảo toàn bởi sự khốc liệt của thiên tai. Sau những cơn bão ngoài biển Đông là những đợt mưa lũ. Bao bài học xương máu, bao vết thương còn chưa lành, vậy nhưng, tất cả vẫn cứ lơ là trước hiểm họa chực chờ.
 
Thiệt hại này, thương đau này không thể đổ lỗi hết cho dân, mà trước hết cần xem lại quy hoạch ở khu vực miền núi. Ai đã lên Mù Cang Chải hẳn sẽ không thể quên những ruộng lúa bậc thang đẹp hút hồn người, những nếp nhà ven các con suối đầy thơ mộng. Nhưng đó là vào những ngày đẹp trời, còn vào mùa mưa, những nếp nhà ven suối sẽ vô cùng nguy hiểm mỗi khi lũ dữ tràn về. Đặc biệt, những vùng đã nằm trong khu vực cảnh báo về tình trạng sạt lở đất, nguy cơ lũ ống, lũ quét. Từ nỗi đau Mường La, Mù Cang Chải, thấy còn nhiều lắm những nguy cơ đang đe dọa cuộc sống của người dân.
 
Rừng già bị chặt phá không thương tiếc, tài nguyên bị khai thác vô tội vạ, tận thu đến cùng kiệt. Những cơn lũ như ở Mường La, Mù Cang Chải đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, lấy đi bao mạng người. Cái giá của sự phung phí, đối xử tệ bạc với thiên nhiên là bao nhiêu, vẫn là câu hỏi lớn.
 
Giữa những ngổn ngang, mất mát sau cơn lũ kinh hoàng, tận thấy hành động tình cảm lá lành đùm lá rách. Những người dân hiền lành chất phác, gắn bó với đất đai tổ tiên mình, qua một khoảng thời gian như chớp mắt, nhiều gia đình mất người thương yêu, mất nhà cửa, gia tài… Nhưng còn đất là còn người, còn cuộc sống. Bà con không đơn độc trong lúc khó khăn, tình người với truyền thống quý báu “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” sẽ giúp hồi sinh lại mảnh đất thơ mộng tuyệt đẹp vùng Tây Bắc này.
 
 

 

Hoàng Nghĩa (Yên Bái)/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...