THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:55

Mùa lễ hội bắt đầu, mừng vui hay lo lắng?

26/12/2019 | 09:24

Đã là lễ hội, trước hết phải vui mừng cái đã!
 
Không phải vô cớ con người sinh ra lễ hội. Lễ hội trước hết là để ghi nhớ, để kỷ niệm những sự kiện quan trọng; sau đó, là để nghỉ ngơi, vui chơi và cảm nhận những điều có ý nghĩa. Vì vậy, người ta phải có tâm thế hứng khởi để đón nhận và hòa nhập vào lễ hội. Những pano, apphich, cây thông Noel, hoa tươi, đèn màu… người ta trương ra khắp nơi nhằm mục đích này. Vậy chúng ta hãy cùng bạn bè, gia đình vui vẻ đón nhận sự bắt đầu của mùa lễ hội, tạo ra những cuộc gặp gỡ, những chuyến dã ngoại vui vẻ.
 
Tôi thấy có lý do để chúng ta vui. Đó là người Việt Nam đã mở rộng tấm lòng, đón nhận các lễ hội theo chiều hướng văn hóa, văn minh và đoàn kết. Noel hay còn gọi là Giáng sinh là lễ hội của những người theo đạo Thiên chúa, nhưng nay hầu như tất cả mọi người (không phân biệt tín ngưỡng) đều hưởng ứng. Đội ngũ Ông già Noel vô cùng bận rộn trong những ngày này để mang đến cho bọn trẻ những món quà đầy ý nghĩa, dù cha mẹ các cháu theo đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Cao đài hay vô thần. Đây là một điều mới mẻ, tạo ra không khí vui vẻ và nền móng vững chắc của tinh thần đoàn kết.
 
Tôi nghĩ, đồng bào Thiên chúa giáo nên vui mừng và tự hào vì Lễ Giáng sinh đã được đông đảo người Việt Nam hưởng ứng. Có thể nói, bằng nỗ lực và sự thành tâm của mình, đồng bào theo đạo Thiên chúa đã biến Noel thành lễ hội chung của nhiều người. Chúng ta vui vẻ khởi động mùa lễ hội bằng lời chúc an lành cho tất cả mọi người.


 Noel đã trở thành lễ hội của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Ảnh minh họa
 
Cũng phải tính tới áp lực do lễ hội tạo ra
 
Hoạt động lễ hội luôn tạo ra những áp lực nhất định. Điều chúng ta dễ thấy nhất là áp lực về thời gian và tiền bạc. Muốn lễ hội vui vẻ, phải có thời gian để chuẩn bị, thời gian để thụ hưởng; muốn chuẩn bị tốt phải có tiền bạc. Trong những ngày lễ hội, người ta có xu hướng khá thoải mái trong ăn tiêu, mua sắm. Với những người có điều kiện thì không sao, còn với những người “lương ba cọc, ba đồng”, nếu không cẩn thận sẽ bị “cháy túi”. Năm nay, giá thịt lợn tăng đột biến khiến giá cả các mặt  hàng khác tăng theo. Điều này cũng gây thêm áp lực trong mùa lễ hội năm nay.
 
Áp lực tiếp theo là phải tặng quà. Với con cái và bố mẹ thì không có gì phải suy nghĩ nhiều – tặng những thứ thiết thực và nhẹ nhàng để bày tỏ tình cảm yêu thương là chính. Điều đáng suy nghĩ nhất trong việc tặng quà là các thủ trưởng. Đã hình thành một thông lệ xấu là ngày lễ, ngày tết, nhân viên phải tặng quà thủ trưởng. Điều khó nghĩ là ở chỗ tặng quà gì, tặng như thế nào cho xứng đáng và phù hợp. Theo tôi thì các sếp nên “bật đèn xanh” để cán bộ, nhân viên dưới quyền bớt được nỗi lo này. Đó là tuyên bố công khai không nhận quà của ai. Nếu tập thể muốn ghi nhớ công ơn của sếp thì tặng một chai rượu, một cành hoa là được rồi.
 
Một loại áp lực nữa là làm thế nào để điều tiết thời gian hợp lý, ăn uống nghỉ ngơi điều độ để có thể vừa làm việc hiệu quả, vừa tham gia lễ hội tích cực. Cả mùa lễ hội thì chỉ có Tết dương và Tết Nguyên đán là được nghỉ mấy ngày, còn lại là những ngày làm việc bình thường. Vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt hợp lý cũng cần phải tính đến.
 
Và một điều không chỉ là áp lực, mà là nỗi lo thực sự trong mùa lễ hội. Đó là vấn đề đi lại và tai nạn giao thông. Bây giờ nhiều người có ô tô riêng nên có thể chủ động trong vấn đề đi lại. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải đặt ra là trong mùa lễ hội thường phải uống bia, uống rượu; mà uống bia, uống rượu rồi lái xe là vi phạm nguyên tắc an toàn giao thông. Hơn thế nữa, do bia rượu mà các bác tài gây tai nạn thảm khốc nhiều rồi. Điều này ai cũng nhận ra nhưng rồi nhiều người vẫn vi phạm. Vấn đề ở đây là phải có bản lĩnh và nguyên tắc. Giải pháp là đã lái xe thì kiên quyết không uống rượu. Muốn uống rượu thì đi taxi, hoặc nhờ vợ chở đi (cao thủ phải làm được điều này!).
 

Đường hoa xuân. Ảnh minh họa
 
Tìm cách dung hòa hai mặt của lễ hội
 
Lễ hội cũng như bao hiện tượng khác trong xã hội, có hai mặt tốt và xấu; chúng lại thường đan cài vào nhau, cái nọ thúc đẩy hay cản trở cái kia. Ở đây, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vui vẻ suốt mùa lễ hội mà không gặp điều gì rắc rối.
 
Kinh nghiệm cho hay: Nếu chúng ta luôn luôn tỉnh táo và chừng mực thì sẽ tránh được những rắc rối bất ngờ xảy ra. Ví dụ, việc mua sắm là phải dựa vào tình trạng ngân sách của gia đình để lên kế hoạch trước. Trong quá trình mua sắm, không được tùy hứng khiến ngân sách thâm hụt.
 
Chuyện uống bia, uống rượu cũng vậy: Phải đề ra những nguyên tắc cụ thể và thực hiện triệt để. Ví dụ, không nên uống rượu không rõ nguồn gốc; không nể nả uống cho vui lòng bạn bè; không ép người khác uống một cách thái quá. Nên thực hiện “nguyên tắc dân chủ” trong uống bia, uống rượu. Nguyên tắc này đơn giản: Ai thích gì uống nấy; khả năng đến đâu, uống đến đấy.
 
Khi chúng ta thực hiện được những nguyên tắc đơn giản, nghĩa là chúng ta sẽ có một mùa lễ hội vui vẻ và đầy ý nghĩa.
 
Chúc cho tất cả mọi người có một mùa lễ hội an lành!
 

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...