THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 02:00

Mùa mưa bão đến – Phòng chống ra sao?

02/08/2016 | 14:47
 
 Bão số 1 là một cơn bão lớn và diễn biến bất thường. Ảnh: KT
 
Thấy gì từ cơn bão số 1?
 
Đêm 27 ngày 28/7, cơn bão số 1 (có tên quốc tế là Mirinae) chính thức “khai trương” mùa mưa bão năm 2016. Đây là một cơn bão hình thành nhanh, thay đổi hướng liên tục, khi vào đất liền lại di chuyển chậm. Do vậy, cường độ của nó không mạnh nhưng đã gây ra thiệt hại lớn. Thống kê sơ bộ cho thấy: 1 người chết (Hà Nội), 1 người mất tích (Thanh Hóa), 8 người bị thương (5 ở Hà Nội, 3 ở Thái Nguyên); hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12 tàu chìm (nhiều nhất ở Nam Định với 7 chiếc); 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại; hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn diện tại ba tỉnh Nam Định - Hà Nam và Thái Bình; hơn chục ôtô bị hư hỏng do cây bật gốc đè trúng; hơn 196.000ha lúa bị ngập, nặng nhất là Nam Định gần 78.000ha, Thái Bình 50.000ha; gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại; hơn 5.000 cây bị gãy đổ, trong đó Hà Nội nhiều nhất với gần 700 cây. 
 
Về công tác dự báo: Bão được dự báo sớm, cơ bản đúng, càng về sau càng chính xác. Về công tác phòng chống: Nghiêm túc, khẩn trương, linh hoạt và đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, đây là cơn bão đầu tiên trong điều kiện khí quyển chưa ổn định, vì vậy, nó có những diễn biến bất thường. Thông thường, khi vào bờ, bão gặp ma sát lớn, sẽ di chuyển rất nhanh, giảm cường độ; nhưng cơn bão lần này lại đi chậm và giữ nguyên cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-13. Có thời điểm trong 3 giờ, bão hầu như không di chuyển, tạo gió mạnh kéo dài liên tục trên một địa bàn nhất định. Điều này người Hà Nội thấy rõ nhất: Bão ảnh hưởng đến Hà Nội vào lúc 4 giờ sáng, nhưng tới 7 giờ vẫn xô đổ nhiều cây cối, quật ngã những người đi xe máy trên phố.
 
Như vậy, chúng ta có thể thấy mưa bão trong thời kỳ biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật nào cả. Do đó, để hạn chế tác hại của mưa bão, chính con người phải tích cực phòng chống, không được chủ quan.
 

 
 Hình ảnh cơn bão số 1 tàn phá tại Hà Nội. Ảnh: KT
 
Cần phải chú ý điều này: Thiên tai gây thiệt hại rất lớn!
 
Việt Nam là một trong những nước bị thiên tai gây hại nhiều nhất. Nhiều gia đình, thậm chí cả một khu vực rộng lớn, sau bao nhiêu năm người dân tích cóp được chút ít, chỉ sau một trận bão là lại trắng tay. Thiên tai đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân, cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, điều này cần được quan tâm trong hoạch định các chính sách. Những con số mới nhất về tác hại của thiên tai giúp chúng ta có cái nhìn thực tế hơn để đề ra những chính sách sát hợp hơn.
 
Trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 445.110ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại... Tổng thiệt hại tính thành tiền vào khoảng 8.114 tỉ đồng. Bước sang năm 2016, mức độ thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Trong những tháng đầu năm 2016 (trước cơn bão số 1), thiên tai đã khiến khiến 11 người chết, 41 người bị thương; 475.580 hộ dân bị thiếu nước; 290.368ha lúa, hoa màu và 161.365ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 19.804 con gia súc và 44.272 gia cầm bị chết; 7.145 ha thủy sản bị thiệt hại. Ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong những tháng đầu năm 2016 là 9.735 tỉ đồng, cao hơn cả năm 2015!
 
Mặc dù hiện nay Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất quan tâm tới công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhưng hậu quả vẫn còn rất nặng nề. Điều này khiến chúng ta phải nghiên cứu kỹ càng, tìm ra những biện pháp phòng chống hiệu quả.
 
Đã có thể chỉ ra những nguyên nhân ban đầu: Công tác phòng ngừa còn chưa được đầu tư đúng mức; việc dự báo vẫn vấp phải những khó khăn khiến công tác dự báo nhiều khi chưa chính xác; một số nội dung Luật Phòng chống thiên tai triển khai thực hiện còn chậm, chưa đều khắp; một bộ phận dân cư còn chủ quan…
 
Phòng chống hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội
 
Để bảo đảm an sinh xã hội, có rất nhiều yếu tố được tính đến, trong đó, việc phòng chống thiên tai hiệu quả đóng vai trò quan trọng. 
 
Tại sao vậy? Bởi vì thiên tai ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng thông thường, những người nghèo chịu hậu quả nặng nề nhất. Phần lớn người nghèo sinh sống ở những nơi kém an toàn: gần biển, sông, suối, núi…; mưu sinh mạo hiểm: đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản trên sông, biển, trồng lúa, rau…; hầu như không có của cải vật chất dự trữ… Thực tế chỉ ra rằng, sau những trận bão, lũ, lụt, những người nghèo gặp vô vàn khó khăn, họ phải tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Do vậy, trong hoàn cảnh này, dễ nảy sinh những hiện tượng đe dọa an sinh xã hội.
 
Muốn phòng chống mưa bão có hiệu quả, trước hết phải đầu tư thỏa đáng cho công tác dự báo, dự đoán. Dự báo chính xác hạn chế được rất nhiều thiệt hại. Thứ hai, tăng cường mạng lưới thông tin về phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Khi người dân nắm được thông tin kịp thời, họ sẽ có cách phòng tránh hiệu quả. Công tác cứu hộ cứu nạn càng khẩn trương càng tốt. Do vậy, thông tin nhanh, chính xác đóng vai trò quan trọng. Thứ ba, công tác cứu trợ cần kịp thời và đúng địa chỉ. Sau một trận bão lũ lớn, nhiều người dân không có nơi ở, không có cái ăn, cái mặc; họ rất cần sự trợ giúp. Dân ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”; song, thực tế cho thấy, hàng cứu trợ thường đến chậm và nhiều khi không đúng địa chỉ, nghĩa là người gặp nạn thì không được cứu giúp, người không gặp nạn lại được hưởng hàng cứu trợ. Điều này không những khiến nạn nhân thiên tai khó khăn, khổ sở, mà còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
 
Mùa mưa lũ đã đến, nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra; công tác phòng tránh phải được đặt lên hàng đầu, tiếp theo là cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả. Chúng ta phải làm tốt những điều này để bảo đảm sự phát triển bền vững.
 
Thiên tai xảy ra, những người nghèo chịu hậu quả nặng nề nhất, vì phần lớn họ sinh sống ở những nơi kém an toàn: gần biển, sông, suối, núi…; mưu sinh mạo hiểm: đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản trên sông, biển, trồng lúa, rau…; và hầu như không có của cải vật chất dự trữ… Thực tế chỉ ra rằng, sau bão, lũ, lụt, những người nghèo gặp vô vàn khó khăn, họ phải tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Do vậy, trong hoàn cảnh này, dễ nảy sinh những hiện tượng đe dọa an sinh xã hội.

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...