THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 01:34

Mùa vàng hoa cúc chi

04/01/2018 | 02:31

Hoa cúc chi.
 
Chế biến dược liệu – nghề truyền thống của Nghĩa Trai
 
Bắt đầu rộ nở vào tháng 12 đến áp Tết, từ xa đã thấy triền hoa cúc chi vàng rực bao quanh làng. Những bông hoa tròn xoe, nhỏ xíu, từng chùm sum suê lay động trong nắng gió miên man. Từ những cánh đồng mông mênh, đường làng, sân nhà… ở Nghĩa Trai đang ánh lên một màu vàng, tỏa hương thơm dịu. Hoa tươi ngoài vườn luôn nhộn nhịp người hái, hoa phơi sấy từ mảnh sân nhà tới ngõ xóm. Cúc chi trổ hoa là một mùa vàng no ấm với mọi gia đình. Bóng nón trắng nhấp nhô bên ruộng cúc vàng rực. Chất ngất trong nhà, ngoài ngõ, hoa mới hái đợi sấy, đợi phơi toả hương ngát thơm một vùng là hình ảnh, cảm xúc dễ thương và yên lòng.
 
Trồng, chế biến dược liệu và hành nghề y vốn là truyền thống lâu đời của làng Nghĩa Trai. Dù ít dù nhiều, nhà nào cũng trồng cây thuốc để kinh doanh và để phục vụ nhu cầu gia đình. Đến nay, trên 70% diện tích canh tác của thôn được sử dụng để trồng cây dược liệu, trong đó có hoa cúc chi.
 
Quả thật, đi quanh làng, đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây thuốc. Mỗi cây đều có tác dụng riêng. Cúc chi thì chữa nhức đầu, mỏi mắt, cây địa liền thì chữa nhức mỏi xương khớp... Hay như tía tô, kinh giới hay dùng ăn ghém lại cũng có rất nhiều tác dụng tiêu độc, chống viêm. Cây thì lấy lá, lấy hoa, cây lại lấy củ, rễ. Có nhiều cây, từ gốc đến ngọn chẳng bỏ đi thứ gì. Người nông dân nơi đây gắn bó với cây thuốc từ đời này sang đời khác. Cây dược liệu thực sự trở thành tâm huyết của người nông dân, là cái nhân, cái đức của những người trong nghề. 
 
Tính ra, mỗi năm người dân ở Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu đủ loại. Việc chế biến dược liệu không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật nhất định thì chất lượng dược liệu mới bảo đảm. Sau khi thu hoạch, dược liệu đều được sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên hoặc sấy trên lò. Những gia đình chế biến quy mô nhỏ mỗi năm từ 30 đến 50 tấn, còn những hộ lớn mỗi năm chế biến hàng trăm tấn.
 
Vào mùa hái hoa, làng tất bật từ sáng sớm đến tối, ngày hoa rộ, cần phải thuê người đến thu hoạch cho kịp. Hoa phơi khô nếu có nắng hoặc sấy với nhiệt độ vừa đủ rút nước là từ 30-50 độ. Giá hoa đã sấy khô từ 200.000đ đến 300.000/kg. Ngoài dùng làm dược liệu, cúc chi còn để tẩm ướp trà cúc đặc sản.
 
Thị trường chủ yếu của Nghĩa Trai là những đại lý dược ở các thành phố lớn, các công ty dược: Traphaco, Bảo Long... và xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, Nghĩa Trai còn là địa chỉ tin cậy của những phòng chẩn trị y học cổ truyền phương Đông trong và ngoài tỉnh.

Phơi hoa làm dược liệu
 
Làng nổi tiếng về kê đơn, bốc thuốc
 
Không chỉ trồng, chế biến và buôn bán dược liệu, Nghĩa Trai còn nổi tiếng về kê đơn bốc thuốc, chẩn trị bệnh theo y học cổ truyền. Ở Nghĩa Trai, từ người già đến trẻ ai cũng thuộc từng loại thuốc, hiểu rõ công dụng từng cây, nhưng không phải gia đình nào cũng hành nghề y. 
 
Theo thần tích của làng, tương truyền, vào khoảng năm 1572, có 3 vị tướng đời vua Lý Thánh Tông, sau khi giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành đã về Nghĩa Trai giúp dân khai hóa đất hoang, trồng cây thuốc và hành nghề y “cứu nhân độ thế”. Dân làng đã lập đền thờ, tôn các ông làm Thành hoàng làng và thờ phụng đến ngày nay.
 
Nghề bốc thuốc chữa bệnh của làng đã qua bao thế hệ mà không bị mai một, hơn nữa còn được lưu truyền. Ngày nay, để được cấp phép hành nghề, những lương y đều phải qua thời gian đào tạo về y học phương Đông, mỗi phòng chẩn trị y học cổ truyền đều có giấy phép do sở y tế cấp. Những phòng y học cổ truyền của lương y người thôn Nghĩa Trai có mặt khắp từ Nam ra Bắc. Hầu hết họ lập nghiệp xa quê bởi ở làng ai ai cũng hiểu rõ từng cây thuốc, biết tự bốc những bài thuốc thông thường, thuốc bổ.
 
Điều đặc biệt là dù lập nghiệp gần xa thì tất cả các phòng khám bệnh bốc thuốc, các cửa hàng, cửa hiệu đều lấy chữ “nghĩa” làm đầu để đặt tên. Chữ “nghĩa” trong tên làng và chữ “nghĩa” cũng là một trong những cái đức của người dân làng thuốc. Gặp người hoạn nạn thì cứu giúp, gặp người bệnh tật thì chạy chữa, cưu mang. Từ chữ “nghĩa”, những lương y của làng sống trọn vẹn với nghề, giữ tâm trong sạch, chu đáo, tỉ mỉ trong bốc thuốc, chữa bệnh.
 
Việc phơi sấy dược liệu được thực hiện nghiêm ngặt và vệ sinh. Dược liệu được phơi khô tự nhiên hoặc sấy trên lò cao rồi đóng bao cẩn thận. Diêm sinh là chất bảo quản chống mốc nhưng được dùng hạn chế với liều lượng cho phép. Ở Nghĩa Trai, bằng kinh nghiệm truyền thống, các hộ gia đình phơi sấy và bảo quản tốt dược liệu hàng năm trời mà không cần sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào.
 
Ngắm cánh đồng dược liệu đang vào kỳ thu hoạch rộ với đủ màu sắc và hương thơm dễ chịu, chúng tôi cũng vui lây với người dân Nghĩa Trai. Một mùa vàng mới lại về. Khắp làng vui tươi ngày thu hoạch loài hoa quí. Đã thấy bên những chân ruộng vườn  rực hoa, những luống đất nâu vừa thu hoạch đã được cày xới, gieo trồng dược liệu. Những vườn cúc chi vàng hào phóng nở rộn ràng như cùng vui với đất và người Nghĩa Trai. 
Cúc chi trổ hoa là một mùa vàng no ấm với mọi gia đình. Bóng nón trắng nhấp nhô bên ruộng cúc vàng rực. Chất ngất trong nhà, ngoài ngõ, hoa mới hái đợi sấy, đợi phơi, toả hương ngát thơm một vùng là hình ảnh, cảm xúc dễ thương và yên lòng.

 

 

Hạnh Liên/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...