THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 09:04

Mùa vu lan cần làm gì để báo hiếu cha mẹ?

13/08/2016 | 07:32
Báo hiếu cha mẹ - mỗi người mỗi cách
 
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, hiếu thảo là đức tính vô cùng quan trọng, thậm chí được coi là nền tảng đạo đức của mỗi người. Chuyện con cái cư xử với cha mẹ mình như thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo ấy thì mỗi người mỗi cách khác nhau. Có người cho rằng cung phụng cha mẹ đầy đủ đã là hiếu. Có người thì khi cha mẹ mất đi, lo tang lễ cho cha mẹ thịnh soạn rình rang là hiếu. Nhưng, có một “thói quen” không thể thiếu để tỏ lòng hiếu thảo của với những người có cha, mẹ đã mất, đó là đốt vàng mã. Không biết từ bao giờ, nhiều người Việt có tư tưởng phải đốt nhiều tiền, vàng, quần áo, thậm chí cả xe đạp, nhà cửa cho cha mẹ dưới suối vàng. Thậm chí, họ còn khá thận trọng với các lễ nghi để yên tâm rằng cha mẹ “ dưới đó” nhận được. 
 
Cũng chính vì suy nghĩ đó mà ngày nay, nghề làm vàng mã ngày càng nở rộ. Chị H - một gia đình chuyên làm nghề vàng mã ở Thái Bình cho biết “ Vào các dịp lễ rằm tháng Bảy và dịp Tết là hàng được đặt nhiều nhất. Đặc biệt là rằm tháng Bảy, nhiều người không mua các bộ vàng mã thông thường mà đặt theo thiết kế riêng: người đặt ô tô, người đặt ngựa, có người đặt cả một tòa biệt thự nữa.”
 
Chị H chia sẻ thêm: “Không đốt thì thôi chứ đã đốt thì nhà nào cũng cố đốt thật nhiều tiền để mong cha mẹ tiêu sài thoải mái. Có nhà, mua cả bao tải tiền giấy để đốt cho cả tháng luôn chứ không phải mỗi ngày rằm đâu. Quan niệm trần sao, âm vậy, nên trên trần càng phát triển thì người làm vàng mã như chúng tôi cũng phải cập nhật cách làm đồ hiện đại như điện thoại, máy tính bảng, laptop”. Chị chỉ vào bộ mã nhà hai tầng đang làm dở “ Đây cũng là hàng đặt đấy chứ. Gia đình nào càng giàu, càng báo hiếu cha mẹ nhiều.” Chị cười đùa thêm “ Chẳng biết các cụ có nhận được không, nếu nhận được chắc phải đốt thêm cho các cụ tờ hướng dẫn sử dụng các món đồ này mất.”
 
 
Mùa vu lan được coi như dịp quan trọng để báo hiếu cha mẹ (Ảnh minh họa)
 
Chuyện con cái thi nhau đốt vàng mã cho người khuất coi như một cách báo hiếu đã chẳng có gì lạ. Người ta thường nói: “có con gái thì “ sướng đến chết” còn có con trai thì “ chết mới sướng.” ”. Ý nói những người có con gái thì khi còn sống đã được con quan tâm chia sẻ “có bát canh cần nó cũng bưng sang”, còn con trai thì “hưởng” phần cúng bái, lo mâm cao, cỗ đầy ngày giỗ. Nhưng khi người đã thác rồi, những mâm cao cỗ đầy ấy phỏng có ý nghĩa gì. Các cụ liệu có sẵn sàng đổi những thứ xe, tiền, nhà vàng mã kia để lấy những ngày được con cái quan tâm chăm sóc khi còn sống?
 
Nhưng không phải con cái cứ chu cấp cho cha mẹ đầy đủ vật chất là đủ. Ở làng, ai cũng bảo bà Lành là may mắn, là tốt số, là có phước. Bà có ba người con thành đạt. Các anh các chị đều làm việc và sinh sống ở thành phố. Bà ở lại với căn nhà cũ ở quê. Các con bà đều thống nhất bà Lanh hợp với không khí và môi trường ở quê hơn nên không ai đón bà ra ở cùng. Hằng tháng, các anh chị đều góp tiền phụng dưỡng bà. Đúng là bà tiêu chẳng thiếu thốn gì, cái thiếu duy nhất chính là tình cảm con cháu. Các anh các chị thường viện cớ công việc bận rộn, đôi ba tháng mới về thăm bà một lần. Trong căn nhà nhỏ chỉ có mình bà lúc nào cũng lạnh lẽo. Ngay cả khi bà ốm, họ thuê hẳn một người giúp việc để chăm sóc cho bà. Và họ- thậm chí còn tự hào lắm vì coi như mình đã làm tròn bổn phận đạo hiếu với mẹ. Lúc này, hàng xóm láng giềng lại thấy thương cảm chứ không bảo là bà may mắn hay tốt phước nữa.
 
Xã hội phát triển, mạng xã hội ảo, con người sống ảo và có cả những người “hiếu ảo”. Chị V, được mọi người trong cơ quan nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ bởi những status về cha mẹ hết sức cảm động, về những lần xin tư vấn của “cộng đồng mạng” để mua quà tặng mẹ. Thế nhưng, ai là hàng xóm của chị mới hiểu rõ: người mẹ ngoài tám mươi của chị vẫn ngày ngày nhọc nhằn mưu sinh với quán nước trà đá bên đường, những tấm áo bà mặc vẫn sờn rách và đôi mụn vá. Và những món quà ảo mà cô con gái thường định mua tặng mẹ vẫn chưa bao giờ đến được tay bà.
 
“Hiếu” sao cho trọn đạo làm con?
 
Mùa Vu lan là mùa báo hiếu nhắc nhở người đệ tử Phật đền đáp bốn ơn, trong đó có công ơn của đấng sanh thành dưỡng dục. Hiếu thảo với cha mẹ là hiếu quanh năm chứ không phải chỉ riêng một mùa Vu lan. Ngày nay, cuộc sống hiện đại ngày càng khiến mỗi người sống vội, luôn thấy bận rộn. Và người ta lấy đó làm “cái cớ” để xuề xòa sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Khi con cái ốm đau, cha mẹ nào cũng lo lắng đưa đi khám ngay rồi chạy chữa thuốc này thuốc nọ. Nhưng khi cha, mẹ ốm mệt, các con lại viện cớ bận việc này, việc kia để trì hoãn. Đôi khi sự vô tâm đã khiến con cái quên mất bổn phận của mình hoặc ngụy biện cho sự lơ là với bổn phận của mình.
 
Anh Chung ở Thanh Xuân– có mẹ năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Anh có cách chăm sóc mẹ của riêng anh. Theo anh “Mình cứ chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã chăm mình là tốt lắm rồi. Trước kia, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng mà còn yêu thương mình hết lòng. Nay cha mẹ già thì mình không chỉ phụng dưỡng mà còn yêu thương cha mẹ thì không có lí gì chưa tròn đạo hiếu cả”.
 
Không phải người con nào cũng có thể nghĩ và làm được như anh Chung nhưng việc báo hiếu với cha mẹ không phải là làm những việc quá xa xôi, lớn lao. Việc báo hiếu không nhất thiết cứ phải cơm bưng, nước rót. Đôi khi, đó là những việc làm rất thường nhật, nhưng có ý nghĩa với người già.
 
Từ hơn 2500 năm trước Ðức Khổng Tử cũng đã từng dạy: “Ðời nay thấy ai nuôi dưỡng được cha mẹ thì khen là có hiếu. Nhưng chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng. Vì thế nếu nuôi cha mẹ mà không kính trọng thì khác gì nuôi thú vật”.  Chính vì thế, yêu thương cha mẹ phải xuất phát từ tấm lòng chân thành của con cái. Mâm cao, cỗ đầy mà đưa cho cha mẹ bằng thái độ lạnh nhạt, hắt hủi, chẳng bằng cuộc sống giản dị mà được con cái kính trọng, yêu thương. Không thể nói rằng mình yêu thương cha mẹ khi cha mẹ cần gì, muốn gì mà không biết.
 
Trong bận rộn của cuộc sống, mỗi người có bao nhiêu thời gian để trò chuyện, tâm tình cùng cha mẹ. Lần cuối, mua quà cho cha mẹ từ khi nào? Đã bao giờ, bạn hỏi cha mẹ muốn gì? Mong ước điều gì? .. Không cần phải đợi sắm mâm cao, cỗ đầy, hay chi cả triệu bạc để đốt hương vàng báo đáp, yêu thương cha mẹ ngay khi còn có thể chính là một cách trọn đạo làm con.

Theo Trang Hải/giadinhvietnam.com

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...