CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 08:39

Nếu chúng ta không phân biệt, phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì

15/09/2018 | 09:21

Bà Albrectsen trò chuyện cùng các em Thủ lĩnh của Sự thay đổi
 
Tuần qua, trong 3 ngày từ 11 đến 13 tháng 9 năm 2018, bà Anne-Birgitte Albrectsen, Tổng giám đốc Tổ chức Plan International toàn cầu tham gia đồng Chủ trì Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong các phiên họp về Bình đẳng giới, Phá bỏ Rào cản: Nữ doanh nhân Đông Nam Á, và Quấy rối Tình dục nơi Công sở.

“Phân biệt chính là định kiến. Nếu chúng ta không phân biệt, phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì. Để xóa bỏ các định kiến này, tất cả chúng ta cần suy ngẫm về những quan niệm mà đôi khi chúng ta vô thức đặt ra. Cùng với đó, chúng ta cần hiểu về sự cân bằng vị thế trong và ngoài nơi làm việc. Nếu các nhà lãnh đạo thực hiện điều này và áp dụng một hệ thống chuẩn mực đạo đức công minh hơn, chúng ta có thể tạo ra một thế giới công bằng về giới hơn”, Bà Albrectsen nhấn mạnh về vấn đề bất bình đẳng giới trong phiên họp ngày 12/9.
 
 
Bà Albrectsen, đại biểu WEF, Plan, lãnh đạo huyện Đông Anh và các em

Tại phiên họp Kết thúc Hội nghị, bà Albrectsen cũng đánh giá cao sự đầu tư vượt bậc của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trong giáo dục, một trong những lĩnh vực ưu tiên chính không chỉ giúp Việt Nam giảm tỉ lệ đói nghèo từ 50% xuống 3% trong vài thập kỷ qua, mà còn giúp Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực tiến nhanh hơn trên đà phát triển và vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về việc hiện tại dù phụ nữ và trẻ em gái đã thành công hơn trong giáo dục cũng như sự nghiệp nhưng các cơ quan, các doanh nghiệp vẫn chưa nhìn nhận và “khai thác” năng lực của họ một cách thỏa đáng “(Tại Đông Nam Á), tỉ lệ tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ vẫn còn khá thấp […] đó quả thật là một sự lãng phí nguồn lực. GDP của các quốc gia có thể tăng lên rất nhiều nếu phụ nữ có vai trò và vị thế rõ ràng hơn trong lực lượng lao động. Tôi nghĩ chúng ta đã học được rất nhiều điều từ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trong việc tạo một môi trường giáo dục bình đẳng về giới, và bước tiếp theo chúng ta cần làm là tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ được làm việc và khởi nghiệp.”
 
Bên lề Hội nghị, bà Albrectsen và các đại biểu WEF còn ghé thăm dự án Thành phố an toàn cho trẻ em gái do Plan International Việt Nam phối hợp thực hiện với Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐTBXH, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội (TRAMOC), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh và Viện sức khỏe cộng đồng và phát triển Ánh sáng (LIGHT) tại Đông Anh. Bà Albrectsen cùng đại biểu WEF thảo luận cùng các em gái, em trai thành viên nhóm Thủ lĩnh của Sự thay đổi về tầm quan trọng của an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ. “Thành phố an toàn cho trẻ em gái sẽ an toàn cho tất cả mọi người” là thông điệp mà các em muốn bà Albrectsen chuyển tới các nhà lãnh đạo và gây ảnh hưởng toàn cầu tại WEF ASEAN 2018.

Ngoài ra, đoàn còn ghé thăm các mô hình khởi nghiệp do nữ thanh niên nhập cư làm chủ và các lớp học nghề - kĩ năng sẵn sàng làm việc thuộc dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” – SAFE do Plan International Việt Nam phối hợp thực hiện với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, tổ chức LIGHT và trường Trung cấp Kinh tế - Kĩ thuật Bắc Thăng Long tại Đông Anh.
 
Trò chuyện cùng các nữ thanh niên nhập cư, bà Albrectsen bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực của các chị em khi tìm kiếm sự thay đổi trong khi phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống và công việc nơi đô thị. Nhiều học viên chia sẻ dự định sẽ tiếp tục trau dồi kĩ năng nghề sau khi tốt nghiệp từ dự án, với dự định lập mô hình kinh doanh khi đã có đủ nguồn lực cần thiết, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Đây cũng chính là một trong những nội dung bà Albrectsen thảo luận tại WEF ASEAN 18: Cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam nói riêng, cũng như phụ nữ Đông Nam Á nói chung trong tương lai, và những hỗ trợ họ sẽ nhận được từ chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp trong quá trình này.
 
 
Các em Thủ lĩnh của Sự thay đổi phát biểu thông điệp về bình đẳng giới

Dự án SAFE với mục đích tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng nghề, kỹ năng sống cho nữ thanh niên và phụ nữ (độ tuổi 18-30), tăng cơ hội việc làm bền vững (theo định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế ILO). Tới nay, dự án đã hỗ trợ cho hơn 2.000 phụ nữ và nữ thanh niên được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; hơn 800 phụ nữ và nữ thanh niên được đào tạo tăng cường kĩ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; và hơn 100 phụ nữ và nữ thanh niên được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ mô hình do chính phụ nữ lên kế hoạch thực hiện.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết trẻ em gái và phụ nữ trẻ đã luôn “bị bỏ rơi” trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Trên thế giới, có hơn 50% lượng người sử dụng internet sinh sống tại khu vực Châu Á, tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ sử dụng internet lại ít hơn nam giới 12% trên phạm vi toàn cầu. Mỗi năm, trên khắp thế giới, khối lượng thời gian phụ nữ lao động không được trả lương (cho các công việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc dạy dỗ con cái, chăm sóc bố mẹ già…) có giá trị tương đương với 10 nghìn tỉ đô la Mỹ; ở Châu Á, số lượng phụ nữ làm những công việc không được trả lương này cao gấp 4,1 lần so với nam giới.

Để đảm bảo trẻ em gái và phụ nữ trẻ có quyền bình đẳng, Plan International cùng với các đối tác của mình, bao gồm các cơ quan ban ngành chính phủ và các doanh nghiệp, nỗ lực xóa bỏ rào cản liên quan đến định kiến giới để đảm bảo các em gái có cơ hội được phát triển và được công nhận là những công dân có ích cho xã hội, các doanh nhân thành đạt, các thủ lĩnh tiên phong cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là trong thế giới số hóa. Vì vậy, sự an toàn của trẻ em gái và phụ nữ trẻ luôn cần được ưu tiên phản ánh trong mọi lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến xây dựng và thực thi các chính sách.

Phụ nữ tự tin trở thành những nhà lãnh đạo trong kỉ nguyên số - Thông điệp bà Tổng giám đốc Tổ chức Plan International toàn cầu muốn truyền tải thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF 2018 với vai trò đồng Chủ trì 

Thảo Vân/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...