THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 04:16

Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2017: Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

01/10/2017 | 08:25
 
Ảnh minh họa. KT
 
Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi, tức trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần. Số NCT dự báo sẽ tăng từ 900 triệu người lên 2 tỷ vào năm 2050.

Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nước ta có khoảng 10,1 triệu NCT, tương đương khoảng 11%. Riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… “Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác CSSK NCT. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”.

Tại nước ta hiện nay, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, CSSK, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe.

NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số NCT gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT...

Để có các giải pháp nhằm ứng phó một xã hội già hóa, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK NCT thích ứng giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án được triển khai trên toàn quốc, tập trung ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn. Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020 tập trung CSSK NCT tại cộng đồng. Giai đoạn 2 từ 2021-2025 sẽ tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình CSSK dài hạn cho NCT... Đề án “CSSK NCT giai đoạn 2017 - 2025” đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng để tiến tới tất cả NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được CSSK của NCT và các kiến thức CSSK NCT. Nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự CSSK và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. Bảo đảm 80% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu CSSK dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở CSSK tập trung. Tăng ít nhất hai lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc... được chăm sóc trong các cơ sơ CSSK tập trung so với năm 2016. Đáng chú ý, sẽ tập trung nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các khoa lão của bệnh viện (BV) đa khoa tuyến tỉnh và BV Lão khoa Trung ương. Bên cạnh việc xây dựng BV phù hợp và triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho NCT, đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng triển khai thí điểm xã hội hóa mô hình CSSK NCT ban ngày và chăm sóc y tế cho NCT ở các cơ sở dưỡng lão… Đề án "CSSK NCT giai đoạn 2017-2025” của Bộ Y tế, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với NCT. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia CSSK NCT; xây dựng, phát triển phong trào CSSK NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình CSSK dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về CSSK NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia CSSK NCT. 
 
CÁC THÔNG ĐIỆP:
 
1. Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
2. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
3. Hãy quan tâm, chăm sóc người cao tuổi để trở thành người con, người cháu hiếu thảo.
4. Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để họ có cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.
5. Người cao tuổi cần vận động vừa sức, sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.
6. Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Thảo Vân/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...