THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 04:08

Ngày xuân bàn chuyện chăm làm hay ham chơi

12/02/2017 | 10:16
 
Lễ hội Chùa Hương kéo dài tới… ba tháng. Ảnh: KT

Soi vào quá khứ qua ca dao, tục ngữ
 
Câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” rất nhiều người biết tới. Thậm chí, bọn trẻ nói chưa sõi cũng học theo bố mẹ, ông bà bi bô câu này. Thực ra, có một bài ca dao rất dài có nhiều dị bản, nhưng mở đầu và ấn tượng nhất vẫn là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Xét một cách nghiêm túc, bài ca dao này mang tính bông đùa vui vẻ, có ý phê phán nhẹ nhàng, sâu xa. Ấy thế nhưng, để thanh minh cho sự trễ nải của mình sau Tết, rất nhiều người viện dẫn “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà!
 
Nói gì thì nói, câu ca dao này cũng phản ánh cách nghĩ, cách sống của cha ông ta ngày xưa. Và tới nay, người ta vẫn lưu luyến, vẫn cho đây là một “chân lý”. Thực ra, đất nước ta trước đây là một đất nước thuần nông; sau Tết, không có việc gì để làm thì ăn chơi thôi. Đây là tập quán sinh hoạt phù hợp với tiết nông lịch. Mùa xuân cũng chính là thời gian nghỉ ngơi tích cực để lấy sức cho thời gian lao động cực nhọc “một nắng hai sương”, “đầu tắt mặt tối” khi thời vụ đến.  Câu “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nói lên điều này.
 
Rõ ràng, ông cha ta tuy không hề có cái thói ăn chơi, cờ bạc, rượu chè suốt tháng, suốt năm nhưng do sống ở đất nước thuần nông nên ít nhiều đã “nhiễm”. Thực tế, sau Tết là bắt đầu mùa lễ hội. Có những lễ hội diễn ra rất dài; ví dụ, hội Chùa Hương kéo dài tới… ba tháng. Rồi hàng ngàn lễ hội khác nối đuôi nhau diễn ra ở khắp mọi miền đất nước. Đã là lễ hội thì chỉ có ăn và chơi, sinh hoạt kiểu này không làm ra của cải vật chất.
 
Dù muốn, dù không thì chúng ta cũng phải nhận ra rằng, thói quen sinh hoạt trong một đất nước thuần nông đã hằn sâu trong nếp nghĩ, cách sống của người Việt chúng ta. Ca ngợi những truyền thống tốt đẹp là điều chúng ta thường xuyên làm, nhưng thiết nghĩ, cũng cần phải chỉ ra mặt trái để khắc phục. Điều này chúng ta chưa quen nhưng cũng đã có người làm, chúng ta cần “dũng cảm” tiếp nhận.
 
 
Cần thay đổi tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ảnh minh họa: KT
 
Đã có những người dám nói thật “choáng váng”
 
Trong năm 2016, có những nhận định khiến không ít người Việt Nam chúng ta tự ái. Trước hết, đó là trong buổi công bố kết quả nghiên cứu về chỉ số mối quan hệ cá nhân ở châu Á 2016, người Việt chúng ta được xem là những người ít tranh cãi nhất. Thoạt đầu, có vẻ nhiều người xem đây là một lời khen, vì người ta vẫn quan niệm ít tranh cãi là tốt. Song, thực chất người ta muốn nói: Người Việt không có khả năng tranh cãi, thiếu tư duy phản biện, ngại nói lên quan điểm, chính kiến của mình. 
 
Dù không vui với ý kiến này, nhưng dù sao đây cũng chỉ là nhận định chung chung. Nhưng rồi đến khi GS. TS. khoa học Trần Ngọc Thêm viết và công bố rộng rãi trên báo chí bài viết “Tính cần cù, hiếu học của người Việt chỉ là... huyền thoại”. Trong bài này, GS. Trần Ngọc Thêm thẳng thắn chỉ ra những thói xấu của người Việt chúng ta. Theo nhóm nghiên cứu GS. Trần Ngọc Thêm thực hiện với 5.600 người thì bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. Còn theo điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục 2008 thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh ở cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50% và cấp 3 là 64% và sinh viên đại học là 80%.
 
Tôi xem đây là “cú đấm” rất mạnh; nó làm nhiều người, trong đó có tôi, choáng váng. Tuy nhiên, tôi chỉ choáng váng một lúc, sau đó tỉnh táo hẳn. Tôi cho rằng, GS. Trần Ngọc Thêm đã nói đúng về những đặc điểm tiêu cực của người Việt chúng ta. Tôi thấy cần bổ sung thêm điều này: Người Việt chúng ta rất yếu về tính tự giác. Mà nếu thiếu tính tự giác thì khó tự mình làm những việc hay, việc tốt trong điều kiện thông thường hàng ngày. 
 
Tổ chức Lao động Thế giới còn công bố số liệu gây sốc: Năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp, 15 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore. Con số này chính xác tới đâu thì vẫn còn phải bàn cãi, nhưng có một con số khác khiến chúng ta phải công nhận. Đó là mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam kém Singapore tới 20 lần! Cụ thể, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2.215 USD, còn Singapore là 44.352 USD (năm 2015).
 
Những con số vô tri, vô giác nhưng nó có sức mạnh riêng, tiếng nói riêng, không thể tranh cãi được. Chúng ta phải công nhận một thực tế là chúng ta đã tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
 
 
Chúng ta phải nhận thức lại, phải lao vào công việc ngay từ đầu năm. Ảnh: KT
 
Cần có sự nhận thức lại
 
Câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” ra đời từ lâu lắm rồi. Câu ca dao này “làm tổ” trong đầu chúng ta, ám ảnh chúng ta, chi phối hoạt động của chúng ta. Vì vậy, dẫu đã đổi mới, dẫu đã thị trường hóa nền kinh tế, công nghiệp hóa sinh hoạt, chúng ta vẫn duy trì phong cách nông dân. Điều này chính là lực cản khiến chúng ta không bứt phá lên phía trước được.
 
Nay Việt Nam đang phấn đấu để trở thành nước công nghiệp. Mảng sản xuất công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế nước ta. Do vậy, sau Tết Nguyên đán cũng có ngay rất nhiều việc phải làm chứ không thể “ăn chơi” được. Ngay trước Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần chủ động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2017, phải thực sự bắt tay vào việc, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” hiển hiện khắp nơi.
 
Không chỉ người đứng đầu Chính phủ kêu gọi phải bắt tay ngay vào công việc, mà những người có ý thức, có lòng tự trọng đều muốn điều đó. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, chỉ mong muốn thôi là chưa đủ. Để phá bỏ thói quen, mỗi người cần phải tự đổi mới, cần phải biết tự trừng phạt chính mình. Trước hết, chúng ta phải công nhận: Chúng ta ham chơi hơn chăm làm; cần cù, hiếu học không phải phẩm chất, không là truyền thống của dân tộc ta. Vì vậy, muốn có những thứ này, chúng ta phải nhận thức lại, phải lao vào công việc ngay từ đầu năm.
         
 
Nên đón Tết nhẹ nhàng, đơn giản. Ảnh minh họa: KT


Đón Tết nhẹ nhàng, đơn giản hơn!
 
Những năm gần đây, người Việt Nam có vẻ như đón Tết hoành tráng hơn ngày trước. Điều này vui nhưng nó khiến nhiều người mệt mỏi, thậm chí là kiệt quệ. Vậy tại sao không đón Tết nhẹ nhàng, đơn giản hơn.
 
Thời bao cấp, cũng chưa phải là quá khứ xa xôi gì, chỉ cách đây ba bốn chục năm thôi, Tết chỉ có mấy cặp bánh chưng, vài cân thịt, một cành đào hoặc mấy bông hoa là tốt rồi. Ngày đó, Tết thực sự vui và có ý nghĩa về tinh thần, tình cảm. Người ta không lo phải kiếm quà để đi biếu, cũng không lo tiền trăm tiền triệu để mừng tuổi; gặp nhau, đến nhà nhau chơi, ăn mứt gừng, uống trà là quý rồi…
 
Bây giờ, tại sao đón Tết lại nặng nề, tốn kém như vậy? Nào là rượu Tây, rượu Tàu, bia Nhật, hoa mai Mỹ, cây cảnh “khủng”… Tất cả những điều này chính là “trưởng giả học làm sang”! Người Việt chúng ta lại sống theo phương châm “con gà tức nhau tiếng gáy”, kém một tý là không chịu được nên nhiều người chưa giàu có nhưng vẫn cố gắng chơi sang. Kết quả là thấy vô cùng nặng nề, tốn kém, mệt mỏi, thậm chí là bị phá sản vì Tết. Chính vì vậy, không ít người nghĩ tới chuyện bỏ Tết Nguyên đán, chỉ đón Năm mới theo Dương lịch thôi.
 
Theo tôi, Tết Nguyên đán nên giữ vì nó không những là truyền thống văn hóa, mà nó còn phù hợp với thời tiết, với thiên nhiên, hoa cỏ… Hoa đào, hoa mai chỉ nở rộ vào những thời điểm nhất định; con người cũng vì thế mà có nhu cầu nghỉ ngơi, thăm thớm lẫn nhau vào thời điểm đó. Như vậy, chúng ta đón Tết Nguyên đán với tinh thần vui vẻ, đầm ấm, thân tình là chính chứ không “chạy đua” về độ hoành tráng. Điều này rất có ý nghĩa với người Việt chúng ta, kể cả những người có quốc tịch khác và sống xa Tổ quốc.
                                                             Đàm Trọng

 

Hồ Bất Khuất/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...