THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 09:05

Nghi thức cúng giao thừa và ý nghĩa tâm linh trong đời sống của người Việt

15/02/2018 | 14:34
Ý nghĩa lễ cúng Giao thừa
 
Theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Viện nghiên cứu tiềm năng con người) thì cúng Giao thừa hay người ta còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”. Lễ thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.
 
Sở dĩ, lễ cúng giao thừa được người Việt rất coi trọng là bởi người ta quan niệm rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật… Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
 
 


Cúng giao thừa và đi chùa đầu năm là thói quen tốt đẹp của người Việt (Ảnh minh họa)
 
“Theo đó, cứ hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Các cụ hình dung rằng trong phút giao thừa ấy thì quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được, thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình mang lễ cúng với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Do vậy, lễ Giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” tiễn đưa những vị thần năm cũ đi và nghinh đón những vị thần mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no”, tiến sĩ Khanh cho hay.
 
Mâm lễ cúng giao thừa
 


Mâm cúng giao thừa được chuẩn bị chu đáo
 
Cũng theo ông Khanh, tùy theo vùng miền, địa phương mà có cách cúng giao thừa khác nhau. Nếu ở vùng quê miền đồng bằng Bắc Bộ người dân thường cúng vào thời gian vừa bước sang giờ Tý tức hơn 12h đêm 30 tháng Chạp và lễ cúng giao thừa gồm 2 lễ khác nhau (lễ ngoài trời và trong nhà). Đối với gia đình có cây hương ngoài trời cần thắp hương và cúng ngoài sân trước cây hương. Còn ở thành phố chật chội hoặc những căn hộ chung cư, nhà tập thể không có cây hương có thể làm lễ trước ban thờ thần linh của gia đình. Thông thường chủ sự thường thắp 15 nén hương cắm vào bát hương (số 15 tượng trưng cho con số của trời đất giao hòa) và 5 nén hương vào mâm lễ rồi khấn thành tâm.
 

Lễ vật cúng giao thừa thông dụng gồm những lễ vật sau: Một mâm xôi gà, đĩa ngũ quả, bánh kẹo, hộp mứt, bánh chưng; 10 bông hoa cúc vàng (có thể thay bằng hoa Hồng hoặc Huệ); Chè thuốc; Đĩa gạo muối; Chai rượu được rót ra 5 chén, bát nước, 5 cốc nến; Một bộ mũ quan đại vương hành khiển (hàng mã); Tiền vàng... 

Theo An Bình/Giadinhvietnam.com

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...