THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 03:31

Người lưu giữ nét xưa

19/03/2019 | 10:24
 
 
Nét xưa.
                                         
Tuổi thơ nhọc nhằn
 
Bùi Văn Vinh (sinh năm 1979) trong một gia đình nghèo xã Trung Châu (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Từ nhỏ, 3 anh em Vinh đã chưa rõ mặt cha. Một mình người mẹ nghèo nuôi 3 con nên chẳng mấy khi cho ba chị em Vinh được nhiều bữa khoai ấm bụng, đừng nói gì đến bữa cơm no. Trong căn nhà trống trước, hở sau bên bãi sông Hồng, chỉ dư giả tiếng gió lùa… Năm 12 tuổi, Vinh buộc phải bỏ học dở dang vì cảnh nghèo.
 
Xa trường, xa bạn, cậu bé Vinh tưởng chừng cuộc đời gắn mãi với cái cày, cái cuốc nếu không có chuyện cũng năm ấy ngôi chùa Hữu Trưng làng cậu xuống cấp trầm trọng, nên dân làng thuê thợ về sửa. Cậu bé Vinh khi đó mê đắm trước những nét bay bướm tài hoa đắp nên con rồng, con phượng, những vàng son lộng lẫy điểm tô cho những pho tượng cổ bừng lên sức sống mới. Không ngày nào, từ sáng sớm đến tối mịt mà Vinh không có mặt tại chùa bên những tốp thợ. Cậu say mê ngắm nghía và cả nghịch ngợm, bắt chước tô tô, đắp đắp, những mẩu gỗ thừa được gọt gọt, đẽo đẽo thành hoa thành quả; những vụn đất sét rơi vãi được gom lại đắp nên những con thú tí hon bắt chước theo công việc của những người thợ. Tất cả những tác phẩm tuy ngô nghê mà ẩn chứa tài hoa ấy đã không qua được mắt ông thợ cả. Và rồi, ông nhận Vinh vào học nghề.
 
17 tuổi, sau bao lăn lộn cũng dạy cho Vinh nhận thức: “Phải biết nhiều nghề, giỏi lấy một nghề”. Vinh quyết định chia tay đoàn thợ, xin đi học nghề đục trạm ở làng Sơn Đồng (huyện Thạch Thất - Hà Nội). Lại 7 năm chai tay với cái chàng, cái đục, vừa học vừa làm thuê, Vinh hoàn toàn có thể nhắm mắt cũng đục được những nét chữ Hán bay bướm nhất, những hoa văn tỉ mỉ nhất. Vinh bồi hồi nhớ lại: Thành quả của 7 năm miệt mài là em có thể tự nhận việc để làm, cùng số tiền công ky cóp 7 năm trời. Số tiền lớn đầu tiên đủ cho em mua lại một ngôi nhà cũ nát mà người ta vừa bán vừa muốn mình dọn cho sạch với giá 14 triệu đồng. Ngôi nhà nát ấy là ngôi nhà đầu tiên mẹ con em có cái gọi được là nhà, không còn cảnh mưa như ngoài sân, nắng như ngoài đồng nữa.

 
Bùi văn Vinh - người say mê với kiến trúc truyền thống.
Nghị lực của khát vọng
 
Cuộc sống đổi thay không ngừng khiến cho những ngôi nhà ba gian, hai chái chuẩn mực mơ ước “nhà ngói, cây mít” khi xưa bỗng trở nên lạc hậu, tù túng, nhiều người muốn dỡ bỏ… Nhưng với ai đó hoài niệm thì ngôi nhà ấy mới là không gian đáng sống, một không gian đậm chất nét xưa - hồn Việt nhất. Lúc này, cần một bàn tay không chỉ biết dựng lại nguyên trạng, mà phải biết thổi hồn vào đó để không còn là ngôi nhà chỉ để ở, để ngủ đơn thuần. Ngôi nhà phải là một không gian có cây cối, có văn hóa, có đồ đạc, mang lại sự yêu thích nét tĩnh lặng, thanh bình và cả sự tích hợp tính tiện nghi của một không gian sinh hoạt mới. Vinh được nhiều người tìm đến và trọng dụng.
 
Vinh dẫn tôi đến đội 4, xã Trung Châu - nơi có ngôi nhà Vinh mới làm xong cách đây vài năm. Ông chủ nhà phấn khởi cho biết: “Tôi đã tham khảo rất nhiều mẫu nhà vila, biệt thự nhà vườn, nhưng cuối cùng tôi chọn xây nhà theo lối truyền thống. Tôi muốn ngôi nhà 4 thế hệ sống chung, tất cả phải cảm thấy hài lòng nhất, phải có phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt, phải có khu thư giãn, khu để xe cộ hợp lý nhất. Qua rất nhiều tư vấn, cuối cùng, tôi chọn Vinh là người sẽ làm công trình này từ bản thiết kế đến lựa chọn đồ nội thất. Với Vinh, đây là cơ hội được thỏa sức sáng tạo, đốt cháy niềm đam mê. Đá được chọn từ vùng Thanh Hóa. Thợ tạc đá được Vinh mời từ làng đá Thanh Đa - nơi có những người thợ lành nghề về tạo tác. Gỗ mít dựng nhà, Vinh phải đi tận vùng cao Lạng Sơn, Phú Thọ tuyển về và cùng đục với thợ theo đúng mẫu mình đã thiết kế. Ngôi nhà đến khi hoàn thiện có giá trị hơn 10 tỷ đồng mà nhiều người đến đây đều đoán phải 15-20 tỷ. Tất cả có được nhờ công sức, tay nghề và cả cái tâm của chú Vinh”.
 
Tính đến nay, những ngôi nhà với nét kiến trúc Bắc Bộ đã được Vinh dựng từ Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Ninh…, và gần đây nhất là 5 ngôi nhà cổ trong khuôn viên văn hóa của một khu du lịch tại Đồng Tháp. 
 
Với cương vị là Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Trung Châu, Bùi Văn Vinh luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào tích cực của địa phương. Xưởng mộc của Vinh và của nhiều bạn trẻ khác đã tạo được rất nhiều việc làm cho thanh niên trong làng và các vùng phụ cận. Không chỉ hoạt động trong thôn, xóm mà năm 2005, khi Câu lạc bộ Bảo tồn cổ vật xứ Đoài được thành lập, Vinh là một trong những hạt nhân tích cực trong việc sưu tập và cùng giữ lại những di sản của miền đất địa linh nhân kiệt. Năm 2010, khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Vinh là một trong những hội viên đầu tiên của Câu lạc bộ đã hiến tặng nhiều cổ vật có giá trị cho Bảo tàng Hà Nội.
 
Bước ra từ lũy tre làng, sau bao năm tháng bươm chải, trở về quê nhà, Bùi Văn Vinh chỉ có một suy nghĩ hết sức đơn giản: “Khi xưa, sống trong gia cảnh nghèo khó, nhờ tình làng nghĩa xóm đùm bọc, trong cuộc sống gặp nhiều người tốt chia sẻ cả về tình cảm, vật chất, nghề nghiệp, em luôn mơ ước được cống hiến với tâm huyết cao nhất”. Phải chăng, vì nâng niu, trân trọng lưu giữ nét cũ hồn xưa của cha ông, đã cho Vinh nghị lực và khát vọng sống?
 
Tính đến nay, những ngôi nhà với nét kiến trúc Bắc Bộ đã được Vinh dựng từ Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Ninh…, và gần đây nhất là 5 ngôi nhà cổ trong khuôn viên văn hóa của một khu du lịch tại Đồng Tháp. 

 

Nhật Nam/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...