THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 09:14

Người thầy thú vị, đáng kính và… kỳ lạ!

28/01/2019 | 15:12

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ (bên phải) và tác giả.
 
Một con người rất thú vị

Vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi mới vào nghề báo nên rất hăng hái đi, nghe, làm quen, tham gia các hoạt động xã hội. Nơi tôi thường đến là Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG). Ở đó, tôi quen biết rất nhiều người nhưng người gây ấn tượng nhất với tôi là thầy Nguyễn Hùng Vĩ.
 
Điều khiến tôi ngạc nhiên là với hình thể không lấy gì làm cao lớn lắm của mình nhưng thấy Vĩ chơi thể thao rất khá, đặc biệt là bóng đá và bóng bàn. Nhiều năm liền, thầy Vĩ là cái tên nổi bật trong “làng” bóng bàn của ngành giáo dục.
 
Thầy Vĩ là người lạc quan, vui tính, và không ngại khó, ngại khổ. Cái thời còn độc thân, ở tập thể, bụng rỗng thường xuyên nhưng thầy Vĩ có thể nói chuyện về văn thơ, thế sự suốt đêm. Có lần tôi tham gia vào “đội hình” này. Sau khi nói đủ thứ chuyện trên đời, đã quá nửa đêm nên chúng tôi tắt đèn đi ngủ. Nằm mãi, không ai ngủ được vì đói nên có người lên tiếng: “Dậy kiếm cái gì ăn đi! Đói không ngủ được đâu?”. Các thầy giáo trẻ dậy, tìm khắp nhà – không có gì ăn được; lôi những thùng gỗ ở gầm giường ra và có người reo lên: “À, đây rồi!”. Tôi nhìn lại thì thấy người đó cầm một chai nước mắm. Nước mắm được đổ ra bát, chúng tôi mỗi người cầm một cái thìa múc và húp. Sau đó chúng tôi uống nước sôi. Xong xuôi, có người vỗ bụng kêu lên: “Có ăn, có khác. No rồi, ngủ thôi!”.
 
Sau này, khi có nhà cửa, vợ con đàng hoàng, thầy Vĩ vẫn nhiệt tình với bạn bè và học trò. Nhà đông khách và nói chuyện đọc thơ nhiều đến nỗi vợ con không ngủ được. Lúc đó thầy Vĩ mới viết mấy chữ dán trước cửa: “Khách để dép và thơ ở ngoài”. 
 

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ với các nghệ sĩ hát dân ca.
 
Một người thầy đáng kính!
 
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ là người được sinh viên yêu quý, kính trọng vào bậc nhất. Học trò kính trọng thầy trước hết vì kiến thức sâu rộng và bổ ích, sau đấy là cách truyền đạt dễ hiểu. Thầy Vĩ có cả hai điều này. Từ một sinh viên giỏi, tốt nghiệp loại ưu và được giữ lại trường làm giảng viên, thầy Vĩ đã học tập, nghiên cứu và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực văn học - văn hóa - văn nghệ dân gian.
 
Để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, người ta phải biết nhiều thứ, từ các phương pháp nghiên cứu khoa học, văn học sử, các phong tục tập quán vùng miền đến biết chữ Hán - Nôm. Có hôm tôi đến chơi, thấy rất nhiều người đang chuyện trò rôm rả. Hóa ra đó là nhóm người đã từng là những sinh viên xuất sắc ngành Hán - Nôm (có những người nổi tiếng trong lĩnh vực thư pháp). Họ đang giới thiệu một số tác phẩm thư pháp của mình. Thầy Vĩ đưa ra một câu đối viết thảo rất lạ mắt. Với trình độ tiếng Hán tập tọe tự học của mình, tôi cũng đọc được đôi chữ, thế mà còn được khen: “Như vậy là giỏi rồi! Nhiều người có chuyên môn hẳn hoi còn không đọc được”.
 
Từ việc biết Hán - Nôm, thầy Vĩ nghiên cứu và dịch khá nhiều áng văn cổ ở các đền chùa, miếu mạo và trở thành chuyên gia viết… văn bia. Nhiều đền, chùa mới được trùng tu, hoặc xây dựng mới đã vời thầy Vĩ về và đặt viết văn bia. Hiện nay, số người viết văn bia có uy tín chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thầy Vĩ là một trong số những người đó.
 
Tuy nhiên, điều đáng trân trọng nhất ở thầy Vĩ là những gì thầy đã làm được cho hàng mấy chục khóa sinh viên. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, thầy Vĩ là người “đỡ đầu” cho sinh viên trong cuộc sống. Những sinh viên mắc mớ về quan hệ - tìm đến thầy Vĩ để tư vấn. Dù không phải là người dư dả về tiền bạc, nhưng thầy Vĩ cũng đã giúp nhiều sinh viên không đứt bữa, không “đứt gánh” vì thiếu tiền ăn, tiền đóng học phí. Theo tâm sự của nhiều sinh viên, cái tình người ở thầy Vĩ vô cùng đáng quý; nhờ có thầy mà họ trở nên tốt đẹp.
 
Tôi không thích từ “thành đạt” nhưng trong số những học trò của thầy Vĩ, nhiều người thành danh trong cuộc đời. Riêng trong lĩnh vực báo chí, có hàng trăm người, trong đó có vài chục người hiện đang là Tổng biên tập.
 
Một nhân vật rất… kỳ lạ!
 
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ là một trường hợp hiếm hoi là giảng dạy, nghiên cứu gần 40 năm ở một trường đại học nổi tiếng của Việt Nam lại không có học hàm, học vị gì cả. Đây là một điều khá kỳ lạ bởi vì cùng thế hệ với thầy, cùng điều kiện và hoàn cảnh như thầy, hầu hết đồng nghiệp đã trở thành GS, PGS-TS cả, chỉ mình thầy Vĩ là không có những danh hiệu đó. Nhưng kỳ lạ hơn là khi ai đó muốn tìm một chuyên gia trong lĩnh vực văn học – văn hóa – văn nghệ dân gian, người ta giới thiệu tới gặp thầy Nguyễn Hùng Vĩ.
 
Một điều tôi cho cũng thuộc loại lạ là sau khi nghỉ hưu, thầy Vĩ dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu Hò khoan Lệ Thủy. Sau mấy năm nghiên cứu, thầy Vĩ đã giúp địa phương hoàn thiện hồ sơ để người ta công nhận Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa phi vật thể.
 
Còn một chuyện lạ nữa là cách đây khoảng chục năm, thầy Vĩ bị ô tô đâm trên đường. Người lái xe xuống cứu nạn nhân thì nhận ra là thầy của mình, anh ta rút điện thoại gọi cho vợ nói gọn lỏn “Anh gây tai nạn chết người rồi” và ngồi bất động bên nạn nhân. Một người phụ nữ trẻ, xa lạ đến đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau gần 2 ngày hôn mê ở Bệnh viện Việt Đức, thầy Vĩ đã được cứu sống. Người phụ nữ đưa thầy Vĩ đi cấp cứu kể: “Đêm hôm trước, tôi mơ thấy có người bị tai nạn và tôi là người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Hôm nay, tôi làm đúng như vậy…”.
Chuyện về thầy Vĩ còn nhiều, khi nào có dịp tôi lại kể.

Nghè Nghệ/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...