THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 10:08

Người thầy truyền lửa

18/11/2021 | 20:02
Tháng 11 - Tháng của ắp đầy những hoài niệm nhớ thương về tình thầy trò; Tháng có một ngày lễ dành để tôn vinh và tri ân đối với những người đưa đò thầm lặng.
Cô giáo Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn trong Lễ Khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022.

Cô giáo Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn trong Lễ Khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022.

Trong quãng đời học sinh của mình, có nhiều thầy cô để lại cho tôi những tình cảm và ấn tượng đẹp, nhưng người mà tôi biết ơn và kính trọng nhất là cô giáo Bùi Thị Hương. Với tôi, cô không chỉ là người thầy truyền lửa mà còn là người có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, đã làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời, số phận học trò, trong đó có tôi để tôi có được như ngày hôm nay. Bao nhiêu cảm xúc lại ùa về trong tôi không gọi hết thành tên, chỉ gói ghém trong hai chữ “BIẾT ƠN”. 

Một cảnh đời

Tôi vốn là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó. Bố mẹ tôi quanh năm dãi dầu với nắng mưa ruộng đồng để vật lộn với cuộc mưu sinh nhưng đời sống vẫn chật vật lam lũ. Cả bố và mẹ tôi đều lên Hà Nội đi trông công trình và nấu ăn cho nhóm thợ. Tôi và em gái ở nhà với ông bà nội. Một thời gian sau, hai chị em tôi được người bác họ xin cho lên Hà Nội học để gần bố mẹ. Cả nhà tôi thuê một phòng trọ gần trường học của hai chị em và chỗ bố mẹ làm.

Tôi được vào học ở Trường THCS Thượng Cát trong một khu dân cư đông đúc. Năm ấy tôi học lớp 8. Lực học của tôi cũng khá nên chỉ một vài tuần, tôi đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.

Sẽ chẳng có gì đáng nói về việc học của tôi nếu như không có biến cố xảy ra với gia đình. Đó là năm tôi lên lớp 9. Cuộc sống đang đi vào ổn định thì bố tôi bị giàn giáo đổ đè lên người bất tỉnh phải đi viện cấp cứu. Mẹ vào viện chăm nuôi bố mấy tháng. Hai chị em ở nhà tự lo việc ăn uống, học hành. Bao nhiêu tiền công làm lụng tích lũy của bố mẹ đã không đủ chi phí nằm viện của bố. Cũng rất may, bố giữ được mạng sống nhưng không còn khả năng lao động nữa.

Mẹ trở thành trụ cột để nuôi cả nhà và chi phí cho việc học của hai chị em. Để có tiền trang trải, mẹ đã vắt kiệt sức lực để làm đủ các việc như dọn dẹp, bưng bê... Nhìn đôi bàn tay gầy guộc sạm sần còn hơn cả những tháng ngày mẹ làm ruộng quê vất vả mà lòng tôi thắt lại. Mẹ muốn xin chuyển trường cho chúng tôi về quê học, nhưng việc chuyển giữa chừng cũng rất phức tạp nên đành phải cố hết năm học rồi mới về quê.

Nhà giáo Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn cùng 3 học sinh có kết cao nhất kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên và THPT công lập năm học 2019-2020.

Nhà giáo Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn cùng 3 học sinh có kết cao nhất kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên và THPT công lập năm học 2019-2020.

Người thầy truyền lửa

Hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi không còn tập trung được vào việc học nữa. Tư tưởng phân tâm, lúc nào cũng nghĩ đến hình ảnh bố run rẩy tập đi từng bước, mẹ thì cật lực làm việc, không lúc nào ngơi nghỉ. Đến lớp, tôi như người mất hồn, nghe giảng mà chỉ lơ mơ. Lực học của tôi sa sút nghiêm trọng. Các bài kiểm tra đều dưới trung bình. Từ học sinh khá năm lớp 8, cuối kì I lớp 9, tôi bị học lực yếu. Trong đó, môn Văn là kém hơn cả và tôi cũng sợ môn này nhất.

Trường hợp của tôi là đáng báo động trong lớp về kết quả học tập, không hi vọng gì thi đỗ lớp 10. Tôi trở nên mặc cảm, bi quan, chán nản, càng sống thu mình hơn, không chia sẻ với ai điều gì. Thực sự, tôi thấy chán học, sợ học, chỉ muốn bỏ học đi làm kiếm tiền để cùng mẹ chèo chống gia đình.

Nắm bắt được tình hình của tôi, cô Hương đã gọi riêng để hỏi chuyện. Từ chỗ e ngại, sợ sệt, tôi mạnh dạn và mở lòng đã kể hết cho cô nghe về hoàn cảnh và tâm lí của bản thân. Giọng cô nghèn nghẹn, bàn tay cô dịu dàng ấm áp như bàn tay mẹ nắm lấy tay tôi động viên, an ủi. Lời nói đầy quyền lực mọi khi giờ đây trầm ấm thân thương đến lạ kì đã xoa dịu nỗi buồn tủi trong tôi. Cô đã sắp xếp thời gian để kiểm tra và hướng dẫn tôi cách học từng bài. Cô nói đến đâu, tôi vỡ ra đến đấy. Cô bảo “Yên tâm rồi, cô tin là con sẽ rất tiến bộ trong một thời gian không dài”. Nghe những lời động viên khích lệ, nhìn ánh mắt yêu thương trìu mến, tôi thấy có động lực và quyết tâm hơn.

Cứ thế, cô đã khơi gợi khích lệ để tôi yêu thích môn học, không chỉ là môn Văn mà các môn khác tôi cũng dần tiến bộ rõ rệt. Từ chỗ sợ và ngại học, tôi đã có hứng thú. Cô đã truyền cho tôi động lực để thắp lên ngọn lửa đam mê. Kết quả cuối kì 2, tôi đã có sự bứt phá ngoạn mục trước sự ngạc nhiên và nể phục của các bạn, mừng vui của thầy cô.

Không chỉ đối với tôi, cô còn là người truyền lửa cho cả lớp. Ngày ấy, lớp tôi yếu nhất khối vì có nhiều bạn lười học, nghịch như quỷ sứ và lì lợm. Kết quả khảo sát các đợt đều thấp khiến các thầy cô rất lo lắng. Cô Hương là người trực tiếp phụ trách nếp truy bài và học tập của lớp. Cô đã kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để nâng cao chất lượng các môn thi vào 10. Cả lớp ai cũng sợ vì cô rất nghiêm khắc.

Sáng nào, cô cũng có mặt từ sớm, đều đặn đúng giờ truy bài. Cả lớp lặng phắc, không dám thở mạnh, chẳng mấy đứa dám nhìn thẳng vào cô vì sợ bị gọi. Cô có trí nhớ siêu phàm, nhớ đặc điểm của từng em và gọi lần lượt từng học sinh. Phương pháp và hình thức kiểm tra của cô rất linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Thế mạnh trong giao tiếp của cô là nghiêm khắc mà mềm mỏng, gay gắt mà bao dung, nhẹ nhàng mà thấm thía, tình cảm mà sâu sắc, thẳng thắn mà tế nhị. Sau một thời gian kiên trì, đều đặn, sát sao, chất lượng môn Văn và các môn của cả lớp đã tiến bộ rõ rệt. Giờ truy bài trở lên nhẹ nhàng thoải mái. Những khuôn mặt đã giãn nở tươi cười chứ không còn căng thẳng như trước. Những cánh tay đã nhanh chóng giơ cao để được trả lời. Ai cũng thích được cô khen tiến bộ. Lời nói đầy sức thuyết phục của cô đi vào lòng người, làm thay đổi nhiều học sinh. Kết quả thi vào lớp 10 của khối 9 năm đó đều khá. Niềm vui lớn nhất của tôi là đỗ thủ khoa Trường THPT Thượng Cát với 53,5 điểm, riêng môn Văn được 9. Tôi và gia đình vô cùng biết ơn cô, nhờ cô mà tôi đã cố gắng vượt lên chính mình.

Hiện cô đã chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đây là ngôi trường có truyền thống dạy và học tốt nhiều năm. Với tố chất và năng lực của người quản lí, cô tiếp tục đưa thương hiệu của nhà trường đi lên. Cô rất chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao chuyên môn; luôn đi trước đón đầu, tiếp cận với cái mới để vận dụng trong dạy và học; sát sao với các tổ nhóm chuyên môn để nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đối với học sinh, cô sâu sát từng lớp; dành tình yêu thương và sự quan tâm tới những hoàn cảnh đặc biệt. Bằng chính cái tâm, cái tài của mình, cô đã cảm hóa và thu phục được học trò, đồng nghiệp nể phục, phụ huynh tin yêu.

Ngày 20/11 đang đến rất gần, từ sâu thẳm lòng mình, tôi xin được bày tỏ lời tri ân đặc biệt gửi tới cô - Người thầy đã thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn, khơi gợi niềm đam mê để tôi có được ngày hôm nay!

Hà Mai
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất cấp thẻ tài khoản, hỗ trợ hàng tháng cho 3.564 trẻ em mồ côi

Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất cấp thẻ tài khoản, hỗ trợ hàng tháng cho 3.564 trẻ em mồ côi

2 năm trước

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ của TP cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20/11

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20/11

2 năm trước

Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), chiều 17/11, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đến...
Học sinh Đà Nẵng ở khu vực cấp độ 1 và 2 sẽ trở lại trường từ ngày 22/11

Học sinh Đà Nẵng ở khu vực cấp độ 1 và 2 sẽ trở lại trường từ ngày 22/11

2 năm trước

Thành phố Đà Nẵng thống nhất cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Việc dạy, học trực tiếp chỉ tổ chức tại các địa phương đang áp dụng cấp độ 1, cấp độ 2.
Ủng hộ 300 bộ bàn ghế cho Trường Mầm Non Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An

Ủng hộ 300 bộ bàn ghế cho Trường Mầm Non Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An

2 năm trước

Vừa qua, ông Lê Văn Lộc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phú Tài Đồng Nai, có địa chỉ tại khu Công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã gửi...