CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 09:12

Nhà giáo - Đã tới lúc cần đến bản lĩnh!

14/11/2017 | 15:30
 
Niềm hạnh phúc của cô và trò trong ngày lễ tôn vinh thầy cô giáo. Ảnh: KT
Người ta ca ngợi nhà giáo vì lẽ gì?
 
Tục ngữ có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; có thể nói thêm là thầy cô giáo “sinh” cho xã hội những con người được giáo dục, được định hướng để xây dựng xã hội tốt đẹp. Sự thành bại của một người và của cả xã hội phần lớn phụ thuộc vào nền giáo dục họ thụ hưởng. Sự thịnh vượng hay suy vong của một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào nền giáo dục. Một nền giáo dục tốt tạo ra được nhiều người giỏi giang, trung thực, đầy nhiệt huyết; họ làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh, lịch lãm. Vì vậy, mọi thời đại, mọi dân tộc đều tôn trọng nhà giáo, quan tâm tới giáo dục. Vì lẽ đó, người ta ca ngợi những người làm nghề dạy học.
 
Trên thế giới, nhiều quốc gia có ngày Nhà giáo, thậm chí trước đây có ngày nhà giáo quốc tế. Trước đây, thông thường, ngày của một nghề trong năm là dịp để người ta tôn vinh những người làm nghề đó; ngày nay, người ta vẫn tôn vinh nhưng đi kèm theo những gợi ý, góp ý, “mổ xẻ” và thậm chí là phê phán. Ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam - đây là dịp chúng ta tôn vinh thầy cô và suy ngẫm về vị trí, vai trò của họ trong xã hội. Trong tình hình xã hội hiện nay, có lẽ chưa ai dám phê phán các thầy cô giáo, nhưng gợi ý, góp ý cho họ là việc nên làm.
 
Có một điều thú vị là người thầy nổi tiếng nhất, đáng kính nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam là Chu Văn An - người từ quan để làm nghề dạy học sau khi những kiến nghị quan trọng của mình không được vua thực hiện. Đây là điều rất đáng suy ngẫm. Phải chăng, nghề làm quan hấp dẫn hơn nghề dạy học? Có thể là như vậy. Song, chúng ta cũng cần biết rằng, để làm quan, người ta phải học. Từ đây có thể suy ra Chu Văn An cũng đã từng đi học, từng có những người thầy của mình. Khi ông không hài lòng với việc làm quan, ông quyết định mở trường dạy học - làm cái nghề mà những người thầy đã tạo nên cốt cách của ông. Như vậy, với Chu Văn An nghề dạy học tốt hơn, hay hơn, cơ bản hơn nghề làm quan.
 
Nghề dạy học có những điều gì đặc biệt?
 
Trước hết, chúng ta phải hiểu cho đúng về giáo dục. Giáo dục không phải là tuyên truyền, càng không phải là nhồi nhét kiến thức, áp đặt quan điểm cho thế hệ đang trưởng thành. Cần phải thấy giáo dục là một nghệ thuật khơi dậy, giữ gìn ngọn lửa ham hiểu biết, hướng tới và tạo ra những điều tốt đẹp mà nhân loại vẫn làm từ xưa đến nay. Như vậy, để làm thầy, trước hết người ta phải học, phải tích lũy kiến thức và phải cảm thấy mình đủ hiểu biết, đủ trong sáng, đủ tốt đẹp để truyền dạy cho người khác.
 
Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm của nhà giáo rất lớn lao. Truyền đạt kiến thức chỉ là một vế, họ còn phải tạo dựng cho học trò -  những chủ nhân tương lai của đất nước những cái hay, cái đẹp trong cách sống, cách ứng xử; hay nói ngắn gọn là họ phải tạo nên những người có nhân cách tốt. Mà trong giáo dục - phương pháp có hiệu quả nhất là giáo dục bằng tấm gương. Muốn dạy thế hệ trẻ những điều tốt đẹp, trước hết người thầy phải là những người tốt đẹp. Nguyên tắc này không nên bỏ qua trong bất cứ thời đại nào.
 
Đứng ở bất cứ góc độ nào cũng có thể thấy những người làm nghề dạy học chính là những người có “vũ khí” mạnh nhất để thay đổi thế giới. Bằng hoạt động của mình, các thầy cô là người quyết định đất nước sẽ ra sao, thế giới ngày mai sẽ như thế nào. Có thể nói, tương lai của nhân loại nằm trong tay các thầy cô giáo. Đây là điều đương nhiên nhưng rất ít những người có chức, có quyền nhận ra. Điều này là một thiệt thòi, thậm chí là điều nguy hiểm đối với nhân loại.
 
Cần phải tạo ra cơ chế để những người xuất sắc không chọn nghề chính khách hay doanh nhân (những nghề tạo nên quyền lực và sự giàu có), mà chọn nghề dạy học. Khi những người xuất sắc nhất làm giáo dục, chúng ta có thể hi vọng về một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển và tôn trọng lẫn nhau. Những người giỏi giang, hiểu biết thường tỏ ra lịch lãm, họ không khinh hay thù ghét người khác. Họ cũng không tham lam, không thích sống xa xỉ nên họ không tham nhũng, không cướp bóc của người khác.
 
Nói đôi điều như vậy để thấy nghề dạy học rất đặc biệt; các thầy, các cô chính là những người quyết định tương lai của đất nước.
 
 
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, người làm thầy bên cạnh trí, đức, cần phải có bản lĩnh. Ảnh minh họa
 
Ngành giáo dục rất cần những người có trí tuệ và nhân cách
 
Cần phải nói rõ điều này: Muốn giàu có một cách trong sạch thì nên chọn nghề sản xuất kinh doanh. Nghề dạy học không mang đến cho thầy cô sự giàu sang phú quý về mặt vật chất; nó chỉ đưa thầy cô đến sự giàu có về tâm hồn và trí tuệ. Những ai giỏi giang, muốn trở thành triệu phú, tỷ phú, xin đừng chọn ngành sư phạm!
 
Tôi nói thế chắc chắn có những người thắc mắc: Trong lĩnh vực giáo dục cũng có rất nhiều “đại gia”. Họ đã làm giàu trong ngành giáo dục?! Đúng, có một số người giàu trong ngành giáo dục nhưng họ không phải là nhà giáo mà họ là những quan chức, những người kinh doanh giáo dục.
 
Còn giáo viên không nên và không thể giàu. Giáo viên cần phải vững vàng về kiến thức trong lĩnh vực của mình và biết truyền thụ kiến thức đó cho người học. Tuy nhiên, người giáo viên giỏi phải là người có nhân cách, có đạo đức với lối sống tốt đẹp. Nói một cách ngắn gọn, người làm nghề nhà giáo cần có kiến thức, trí tuệ, đạo đức, cái tâm, lòng yêu nghề và bản lĩnh.
 
Trong điều kiện hiện nay, khi tiêu cực đang tràn lan trong xã hội, rất cần bản lĩnh của thầy cô giáo. Đã có những tập thể giáo viên vượt qua nỗi sợ hãi, ký đơn tập thể tố cáo ban giám hiệu bớt xén suất ăn của học sinh; đã có những giáo viên dám nói thẳng, nói thật những suy nghĩ và nhận thức của mình về thời cuộc; đã có những giáo viên công khai công nhận sai lầm của mình và kêu gọi đồng nghiệp cũng làm như thế. Vào thời điểm này, xã hội ta rất cần những người dũng cảm, khí khái, dám đấu tranh vì lẽ phải, vì cái thiện. Các thầy cô chính là người truyền thụ và nuôi dưỡng những phẩm chất này. Vì vậy, trước hết, các thầy cô phải thể hiện bản lĩnh của mình.
 
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi rất muốn các thầy cô thổi một luồng không khí mới vào xã hội, tạo ra sự cởi mở và trung thực.
 
Bỏ biên chế - Không đáng sợ!
 
Mấy tháng trước đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có ngỏ ý muốn làm thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục. Có rất nhiều ý kiến về vấn đề này, ủng hộ cũng có, phản đối cũng có. Vậy bỏ biên chế có đáng sợ?
 
Những người phản đối việc bỏ biên chế là những giáo viên mới hoặc đang phấn đấu để vào biên chế. Thực ra, nhiều người đã phải phấn đấu rất lâu, chạy chọt rất nhiều, thậm chí là phải “đổi chác” bằng những thứ rất quý giá mới vào được biên chế. Thế mà bây giờ, người ta lại định bãi bỏ nó thì đồng ý làm sao được?!
 
Nhưng phải nhìn nhận thế này: Việc đề ra những quy định để người đã có biên chế được hưởng một số quyền lợi nhất định về vật chất, đặc biệt là họ không sợ bị cho thôi việc một cách dễ dàng đã khiến họ thấy biên chế như một chỗ dựa vững chắc. Từ tâm lý này, nhiều người không phấn đấu rèn luyện, không nâng cao kiến thức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
 
Việc bỏ biên chế nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa những giáo viên có thâm niên nhưng thiếu nhiệt huyết, không giỏi nghề với những giáo viên trẻ trung, nhiệt tình, ham hiểu biết, ham cống hiến. Điều này sẽ khiến cho việc dạy và học trở nên sinh động hơn, bổ ích hơn và chất lượng giáo dục được nâng cao hơn.
 
Sau khi bỏ biên chế, ngành giáo dục sẽ áp dụng việc ký hợp đồng sòng phẳng, trả lương, đóng bảo hiểm đúng quy định. Giáo viên chỉ cần những điều này là đủ. Nó chẳng khác gì với việc vào biên chế. Cái duy nhất có vẻ khác ở đây là nếu ai dạy không bảo đảm chất lượng, nhà trường có thể cho nghỉ việc dễ dàng.
 
Là giáo viên được đào tạo bài bản, yêu nghề, có trí, có đức, có tâm thì sợ gì!? Vậy hãy tỏ ra có bản lĩnh cả trong chuyện chấp nhận bỏ biên chế.
                                                                                   Trọng Đàm

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...