THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:16

Nhanh, nhạy, chính xác – Những phẩm chất của báo chí trong dịch Covid-19

19/06/2020 | 15:40

Nhà báo: tay, tai, mắt... đều phải làm việc.


Hiệu quả chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam rất ấn tượng


Sau nửa năm thế giới gồng mình chống đại dịch Covid-19, chưa thấy dấu hiệu đại dịch này suy giảm, chỉ thấy một số quốc gia đã có vẻ kiểm soát được dịch, giảm dần số người mắc bệnh và số người tử vong. Đáng chú ý là Trung Quốc - nơi dịch bùng phát; Slovenia - quốc gia ở châu Âu tuyên bố đẩy lùi dịch; New Zealand cho biết đã “quét sạch” virus Corona. Còn những nước lớn như Mỹ, Brazin, Nga, Ấn Độ... đang “điên đầu” vì số người mắc bệnh và số ca tử vong tăng chóng mặt. Mỹ đã có trên 2 triệu người nhiễm bệnh, trên 110.000 người tử vong; Brazin hơn 710.000 người mắc bệnh, gần 40.000 người tử vong; Nga gần 500.000 người mắc bệnh, gần 6.000 người tử vong.


Tính đến 6h (giờ Hà Nội) ngày 15/6/2020, trên toàn thế giới đã có 7.981.567 người nhiễm bệnh, 435.159 người tử vong. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 334 người nhiễm bệnh, không có ca tử vong nào và trên 300 người đã khỏi bệnh. Điều này gây ấn tượng mạnh đối với các nước trên thế giới. Một số cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam như Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Đài Truyền hình NHK và báo Akahata (Nhật Bản), Hãng thông tấn TASS (Nga) đã phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.


Trước các nhà báo nước ngoài, Thủ tướng khẳng định những thành công của Việt Nam là do nhận thức sớm dịch bệnh, có biện pháp đúng, chỉ đạo quyết liệt, đặt người dân làm trung tâm và được nhân dân ủng hộ, chung tay hành động. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam chủ động, không chủ quan, xem “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.


Phóng viên nước ngoài rất ấn tượng trước thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Họ đã viết nhiều bài ca ngợi thành công của Việt Nam, đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19. Hơn thế nữa, họ cố gắng lý giải nguyên nhân của những thành công đó. Trong các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả, họ cũng dành cho báo chí Việt Nam những lời khen ngợi.

Công việc nặng nhọc.


Báo chí là lực lượng tiên phong trong phòng chống dịch Covid-19


Dù trong làng báo đã có tiêu cực, có nhà báo sai phạm đến mức phải xử lý hình sự,  nhưng nhìn chung báo chí vẫn là “điểm tựa” của niềm tin, là lực lượng xung kích khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động. Báo chí đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của mình trong đại dịch Covid-19. Cùng với đội ngũ thầy thuốc, các chiến sĩ quân đội, các nhà báo luôn có mặt ở những “điểm nóng” của dịch Covid-19. Đó là biên giới, sân bay, các địa điểm cách ly, bệnh viện - những nơi rất dễ nhiễm bệnh. Dù các nhà báo rất cảnh giác, cẩn thận khi tác nghiệp trong vùng dịch, nhưng đã có nhà báo nhiễm bệnh, may mắn là đã nhanh chóng chữa khỏi.


Đánh giá phương diện truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều được báo chí nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá rất cao và cảm ơn lực lượng báo chí - truyền thông đã chung sức, đồng lòng cùng cơ quan chức năng và đồng bào cả nước vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để chiến dịch phòng chống Covid-19 đạt kết quả tốt.


Sở dĩ báo chí Việt Nam góp công sức đáng kể trong thành tích chống dịch Covid-19 là bởi đại đa số các nhà báo nhận thức rất nhanh mức độ nghiêm trọng của virus Corona; họ lại nhạy bén trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin; đặc biệt, họ cố gắng đưa tin, đánh giá sự kiện một cách chính xác. Và điều quan trọng nhất là các nhà báo tham gia chống dịch có cảm nhận và tâm thế như phóng viên chiến trường, họ sẵn sàng dấn thân, bất chấp nguy hiểm. Đấy có lẽ chính là điều khiến cho báo chí được lãnh đạo cũng như nhân dân tin tưởng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng dành cho báo chí những đánh giá tích cực khi nhấn mạnh: Qua dịch Covid-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều; mỗi ngày, có tới 20-30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh; báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội, dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí.


Dù đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn đề nghị báo chí quan tâm tới đại dịch này, tìm cách phân tích, đánh giá sâu hơn về thành quả của chúng ta trong việc chống dịch.


Một trong những điều khiến một số nhà báo cảm động là từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến một số bộ trưởng đều hiểu là báo chí cũng bị ảnh hưởng khá lớn vì đại dịch Covid-19, cụ thể là doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm, đồng nghĩa với việc thu nhập của nhiều nhà báo giảm. Tuy nhiên, với những phẩm chất của mình, các nhà báo sẽ cố gắng vượt qua. Đây là khó khăn chung, nhà báo chưa phải là những người khó khăn nhất, do vậy, chúng ta có thể yên tâm và vui vẻ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Hồ Trọng Đàm/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...