THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 12:27

Nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển đại học: Nên vui hay buồn?

02/04/2023 | 10:31
Ngày càng có nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Nếu con bạn không đăng ký xét tuyển đại học, bạn sẽ ủng hộ hay phản đối?
Nhiều trường đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Ảnh minh họa

Nhiều trường đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Ảnh minh họa

Nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển đại học

Năm 2022, chỉ có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng xét tuyển đại học trên tổng số 941.759 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT, 325.237 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng (chiếm 34,6%). Ðó là chưa kể những thí sinh ngay từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã không chọn dùng kết quả thi để xét tuyển đại học, mà chỉ sử dụng kết quả thi để tốt nghiệp bậc THPT.

 Cũng trong năm 2022, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LÐ-TB&XH cho biết, tính đến tháng 12/2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển được gần 2,45 triệu học sinh, sinh viên, tăng khoảng 500.000 người so với năm 2021. Số học sinh lựa chọn học nghề áp đảo hoàn toàn so với số học sinh lựa chọn xét tuyển/ thi tuyển vào đại học.

Năm 2023, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, nhiều trường đại học đã lên phương án tuyển sinh, các học sinh cũng đang gấp rút chọn ngành và “chốt” các nguyện vọng. Khảo sát một số trường THPT ở Nghệ An cho thấy, năm nay nhiều em học sinh không đăng ký xét tuyển đại học, có lớp 100% học sinh không đăng ký. Thực tế, trong những năm gần đây, số học sinh không đăng ký xét tuyển đại học đang có xu hướng gia tăng. Một phần do các em tự lượng sức mình thấy học lực khó có thể đáp ứng được yêu cầu đầu vào của các trường đại học. Một phần các em muốn học xong cấp 3 đi làm ngay hoặc học nghề, hay xuất khẩu lao động. Một số do hoàn cảnh gia đình nghèo, khó có thể theo được 4-6 năm đại học với mức chi phí không hề nhỏ.

Ở Hà Nội và một số thành phố lớn, nhiều em không đăng ký xét tuyển đại học ngoài các lý do kể trên còn là do các em quyết định đi du học. Sau mấy năm Covid khiến việc du học của nhiều học sinh, sinh viên bị trì hoãn hoặc ảnh hưởng thì năm nay, dự báo số học sinh, sinh viên đi du học có thể sẽ tăng cao. Vì sao nhiều học sinh tại các thành phố lớn lại lựa chọn du học? Vì du học bên cạnh việc học được một ngành/nghề nào đó, các em còn có cơ hội học thêm một thứ tiếng nước ngoài và được giao lưu, tiếp xúc với các du học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, từ đó gia tăng sự hiểu biết, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và có thể cải thiện mức thu nhập sau khi tốt nghiệp.

Ngày càng có nhiều học sinh quyết định học nghề thay vì vào đại học. Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội.

Ngày càng có nhiều học sinh quyết định học nghề thay vì vào đại học. Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội.

Nên vui hay buồn?

Nhiều em học sinh hoàn toàn chủ động trong việc từ bỏ đăng ký xét tuyển vào đại học mà không chịu bất cứ sự tác động nào từ gia đình, thầy cô hay bạn bè. Trần Minh Tuấn - một học sinh lớp 12 cho biết, em sẽ đăng ký học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Chú của em có một gara sửa chữa ô tô và em thấy công việc này mang lại thu nhập rất tốt, em cũng muốn sau này có một xưởng sửa chữa ô tô riêng như thế. Mong ước này của Tuấn là hoàn toàn chính đáng, và với mong ước này, em không nhất thiết phải học đại học, việc lựa chọn học nghề chỉ với 2 năm có thể giúp Tuấn rút ngắn thời gian để thực hiện niềm mơ ước của mình.

Khác với Tuấn, Nguyễn Văn Toản lựa chọn xuất khẩu lao động để có thể thoát nghèo và chia sẻ gánh nặng kinh tế với cha mẹ. Toản cho biết, em học không giỏi, có cố mấy cũng không thể nào giỏi được, nhưng bù lại em có sức khỏe, lại không ngại vất vả. Xuất khẩu lao động chủ yếu là lao động chân tay, không nhàn nhã chút nào nhưng em thấy mình có khả năng đáp ứng công việc này. Em cũng dự tính sẽ chỉ đi xuất khẩu lao động quãng 4-5 năm, sau đó sẽ về quê làm nông nghiệp, lấy vợ và sinh con, phụng dưỡng cha mẹ già.

Không chỉ nhiều học sinh cấp 3 từ chối bước vào cánh cổng trường đại học, không ít sinh viên, thậm chí là sinh viên các trường đại học danh tiếng đã học tới năm thứ 2, thứ 3 vẫn quyết định ngừng học để chuyển sang học nghề hoặc đi làm. Giáo dục đại học ở Việt Nam gần đây có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn đại đa số các bạn trẻ. Việc học quá nhiều lý thuyết khiến cho một số sinh viên cảm thấy nhàm chán và muốn thay đổi để bứt phá. Một số khác do chọn nhầm ngành/ nghề nên quyết định bỏ học giữa chừng để làm lại.

Tuy nhiên, cũng có không ít học sinh phải gác lại giấc mơ đại học chỉ vì hoàn cảnh nghèo khó. Các em học khá, giỏi và bản thân luôn mơ ước được học ở giảng đường đại học, được nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực mà các em yêu thích, nhưng gia đình không có điều kiện kinh tế, học phí đại học thì ngày càng tăng nên đành khép lại ước mơ được học tập trên giảng đường. Những trường hợp như thế thực sự khiến mọi người vô cùng tiếc nuối.

Chọn cho mình một nghề và nắm chắc nghề trong tay thì sẽ không lo thất nghiệp. 
Ảnh Một buổi thực hành nghề cắt gọt kim loại tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.

Chọn cho mình một nghề và nắm chắc nghề trong tay thì sẽ không lo thất nghiệp. Ảnh Một buổi thực hành nghề cắt gọt kim loại tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.

Tốt nghiệp THPT cũng là lúc các em học sinh đủ 18 tuổi, tuổi để trưởng thành và có trách nhiệm với các quyết định của mình. Cánh cổng trường đại học đã và đang là niềm mơ ước của rất nhiều bạn học sinh, nhưng nó không phải là con đường duy nhất để giúp các em tự tin vào đời. Vẫn có nhiều người tốt nghiệp đại học loay hoay không thể tìm được một công việc ổn định. Nhưng lại có không ít bạn trẻ chỉ với học nghề hoặc tự học có thể khởi nghiệp thành công và trở thành doanh nhân thành đạt. Nhiều học sinh hiện nay cho rằng, chọn cho mình một cái nghề và nắm chắc nghề trong tay thì sẽ không lo thất nghiệp. Dù bạn học gì đi chăng nữa thì việc học cũng để phục vụ cho công việc sau này.

Nếu con bạn không đăng ký xét tuyển đại học, bạn có bất ngờ? Chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng sốc, nhưng cũng có người thấy điều này rất bình thường. Tùy vào năng lực, hoàn cảnh gia đình cũng như nhận thức của mỗi người mà các em học sinh sẽ đưa ra quyết định sao cho phù hợp nhất. Học đại học hay không thực ra không phải tới cuối năm lớp 12 học sinh mới có thể quyết định. Việc định hướng nghề nghiệp cho trẻ cần được cha mẹ và thầy cô định hướng từ sớm. Kiên định với lựa chọn đúng đắn của mình, trẻ sẽ gặt hái được thành công.

Phương Anh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Đà Nẵng: Cảnh báo người lạ dụ dỗ học sinh trước cổng trường

Đà Nẵng: Cảnh báo người lạ dụ dỗ học sinh trước cổng trường

1 năm trước

Chiều 31/3, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng thông tin về vụ người lạ đến cổng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu) phát bóng bay, dụ dỗ học sinh lên xe để chở tới bệnh viện...
Bảo vệ trẻ em trước thiên tai: Cần có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả và toàn diện

Bảo vệ trẻ em trước thiên tai: Cần có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả và toàn diện

1 năm trước

Trẻ em chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra. Việc chưa có một hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả và...
Giáo dục và đồng hành để trẻ sử dụng Internet an toàn

Giáo dục và đồng hành để trẻ sử dụng Internet an toàn

1 năm trước

Có thể thấy, kỷ nguyên Internet đã mang lại nhiều cơ hội học tập, giải trí cho trẻ em. Nhưng khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro như bị bắt nạt, lộ...