THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:31

Những người cha mang quân hàm xanh trên cao nguyên đá

01/02/2022 | 13:05
Hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng và chăm sóc hàng nghìn em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trẻ em có cơ hội thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương.
1

Việc làm ý nghĩa của người lính quân hàm xanh đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, từ đó, huy động nhiều tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân cùng chung tay chăm sóc các mầm non tương lai của đất nước. Ghi chép ở Ðồn Biên phòng Lũng Cú - 1 trong 3 đơn vị triển khai mô hình sớm nhất trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang.

Chàng trai người Mông đỗ trường ĐH top đầu cả nước

Những ngày cuối tháng 9/2021, vợ chồng ông Dìu Dỉ Chiến, bà Lù Thị Vấn, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Ðồng Văn) vô cùng vui mừng khi con trai trúng tuyển Ðại học Bách khoa Hà Nội. Ông Chiến chia sẻ: Niềm vui hôm nay, ngoài nỗ lực của con trai Dìu Dỉ Khanh thì còn có sự chăm lo, dạy bảo của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Lũng Cú. Các anh như người cha, người anh đã nâng đỡ Khanh vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập.

Nhà Khanh có 3 chị em, bố mẹ đều làm nông nghiệp không đủ trang trải cuộc sống và lo cho 3 con ăn học. Từ nhỏ, Khanh đã là một đứa trẻ thông minh, ham học, song nhiều lúc em định nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, năm 2016, Ðồn Biên phòng Lũng Cú đã đến nhà động viên Khanh tới trường học tập và nhận nuôi dưỡng theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, đơn vị còn phân công thiếu tá Vừ Mí Sình thường xuyên động viên, kèm cặp, khích lệ tinh thần học tập của Khanh. Không phụ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và các chú BÐBP, 3 năm học THPT, Khanh luôn đạt học lực giỏi. Ðặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Khanh đã xuất sắc dành 26,12 điểm, trở thành tân sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô, Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội.

Việc Khanh đỗ trường đại học top đầu cả nước không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của bà con nhân dân nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Bà Vàng Thị Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: Ở vùng khó khăn này, việc một học sinh dân tộc thiểu số đỗ đại học top đầu với điểm số cao như Dìu Dỉ Khanh rất đáng biểu dương, khen ngợi. Ðể có được kết quả đó là nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ BÐBP. Mỗi tấm lòng của các anh là địa phương bớt đi một hoàn cảnh khó khăn, nhiều cháu học sinh có cơ hội để thay đổi số phận, được cắp sách đến trường. Qua đó góp phần ươm những mầm xanh cho biên cương Tổ quốc, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân.

Em Dìu Dỉ Khanh trúng tuyển Ðại học Bách khoa Hà Nội là “quả ngọt” đầu tiên trong suốt 5 năm Ðồn Biên phòng Lũng Cú triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Với tình yêu thương, sự chỉ bảo, dạy dỗ tận tình của các chú bộ đội, 3 con nuôi tại Ðồn và 9 cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” đều tự tin, nỗ lực vươn lên, đạt kết quả học tập tốt.

2

3 chị em cùng là con nuôi của các chú bộ đội

Tháng 9/2016 là thời điểm không thể nào quên của 3 chị em Thò Thị Dính (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008), Thò Thị Xúa (sinh năm 2012) ở xã Ma Lé (Ðồng Văn), bởi từ đây cuộc đời các em sang trang mới. Bố mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ bỏ đi lấy chồng xa, 3 chị em sống cùng ông bà nội già yếu, gia cảnh vô cùng khó khăn. Biết được hoàn cảnh đó, chỉ huy Ðồn Biên phòng Lũng Cú đã nhận 3 chị em làm con nuôi và đưa về đồn chăm sóc.

Ở đồn biên phòng, các em được “những người bố mang quân hàm xanh” chăm chút, dạy dỗ từ việc học hành đến cách cư xử, giao tiếp, kỹ năng sống. Ðồn trưởng, Trung tá Phan Ðăng Nhiệm tâm sự: “Các ông bố biên phòng phần lớn xa gia đình, không có kinh nghiệm. Thêm nữa, các con là người dân tộc có phong tục, lối sống khác nhau, lại là nữ... Nhưng không phải khó là không làm. Ðể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tuổi mới lớn, Ðồn thường xuyên chăm sóc, chia sẻ và động viên các con. Với những chuyện tế nhị về tâm sinh lý nữ giới khi đến tuổi trưởng thành, các ông bố biên phòng nhờ cô giáo hay vợ cán bộ chiến sĩ gần gũi, tư vấn cho các con”.

Nhờ tình yêu thương, chỉ bảo, dạy dỗ tận tình của các bố nuôi và thầy, cô giáo, các em sống vui vẻ, hoạt bát, tự tin, tiến bộ về mọi mặt. Ngoài giờ học, các em còn tích cực giúp cán bộ chiến sĩ vệ sinh nhà cửa, chăm sóc vườn rau, chuẩn bị bữa cơm, tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể. Về kết quả học tập, Xúa đoạt giải Ba học sinh giỏi môn Ngữ văn của huyện Ðồng Văn, Dính có năng khiếu môn tiếng Anh và văn nghệ, Và được gửi đi học tại Trường nội trú cấp 2,3 của huyện Ðồng Văn.

Ðồn Biên phòng Lũng Cú quản lý 2 xã biên giới là Ma Lé và Lũng Cú, có 21 thôn, trong đó 13 thôn giáp biên, dân tộc Mông chiếm trên 85%. Tỷ lệ hộ nghèo ở 2 xã chiếm khoảng 25%, hộ cận nghèo là 29%. Ðơn vị đã nhận nuôi và đỡ đầu 12 cháu cho đến khi học hết lớp 12, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em, nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đóng góp từ đồng lương hàng tháng. Bên cạnh đó, còn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ xe đạp, sách, vở và trao thêm kinh phí để các em trang trải cuộc sống.

Mới đây, được về Hà Nội dự tổng kết chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” trên cả nước, em Thò Thị Dính chia sẻ: “Hàng ngày, chúng cháu không phải ăn ngô nữa mà được ăn cơm trắng, được mặc ấm và dần làm quen với giờ giấc, nề nếp sinh hoạt của đồn, được các chú dạy học, đưa đón chị em cháu tới trường. Các bố, các chú chăm sóc chúng cháu như người thân. Chúng cháu biết ơn các bố, các chú ở Ðồn Biên phòng Lũng Cú nhiều lắm. Cháu mong rằng, sẽ có nhiều bạn học sinh là người dân tộc thiểu số như chúng cháu được Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” giúp đỡ để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời”.

Những ngày xuân này, Dính và Xúa về thăm bà một ngày rồi quay lại đồn cùng các bố, các chú đón Tết. Các em cùng gói bánh, mổ lợn, chuẩn bị mâm ngũ quả, trang hoàng cành đào đón Giao thừa… Riêng Và ở lại với bà đến chiều mùng 1 mới về lại đồn. Ðã 5 mùa xuân, các em được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của những người lính xa nhà. Và chính tình yêu ấy đã nuôi dưỡng các em lớn lên từng ngày, trưởng thành, vững chãi, chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa, để mai này trở về xây đắp quê hương biên giới ngày thêm giàu, đẹp.

Năm học 2021-2022, các đồn biên phòng trên cả nước đã nhận đỡ đầu 2.487 cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, 359 cháu con nuôi đồn biên phòng là học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các cháu có cơ hội vươn lên trong học tập.

Thu Hòa
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Cô bé 8 tuổi và ước mơ trở thành diễn viên

Cô bé 8 tuổi và ước mơ trở thành diễn viên

2 năm trước

Lê Hoàng Bảo Trâm là gương mặt tài năng nhí đầy triển vọng của tỉnh Yên Bái. Sinh ra ở miền núi, cô bé ấp ủ ước mơ trở thành một diễn viên và không ngừng nỗ lực mỗi ngày.
An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

2 năm trước

Tờ Financial Review bản điện tử (Australia) đã đăng bài bình luận về sự cần thiết phải mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và tận dụng tối ưu y tế tuyến cơ sở chống dịch Covid-19

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và tận dụng tối ưu y tế tuyến cơ sở chống dịch Covid-19

2 năm trước

Tối 30/1/2022, chuyên gia y tế Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế tuyến cơ sở phủ rộng với hơn 11.000 cơ sở y tế xã,...