THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 02:35

Những tác động kinh tế của già hóa dân số

06/09/2016 | 00:06

Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan; đại diện các tổ chức quốc tế và gần 300 đại biểu đến từ 35 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu bật những thách thức đối với vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Già hóa dân số và những thách thức không nhỏ đối với hệ thống an sinh xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc-UNFPA) cho biết: Già hóa dân số không phải là chủ đề mới nhưng tiếp tục biến động phức tạp đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược ứng phó kịp thời, phù hợp.

Châu Á-Thái Bình Dương hiện là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số trên 60 tuổi của toàn thế giới là 533 triệu người vào năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên gần 2,5 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 2/3 số người cao tuổi trên thế giới.


Bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Dự báo đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỷ người trên 60 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tương đương 2/3 số nam giới và phụ nữ cao tuổi trên toàn thế giới. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của các nước đang phải đối mặt với việc giảm sút đáng kể dân số trong độ tuổi lao động và gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam đang là một nước trẻ, năng động và đang trong thời kỳ đỉnh cao của “dân số vàng” nhưng chúng ta đang thực sự đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn giao thoa dân số và rất nhanh tới đây sẽ là một nước dân số già. Nếu năm 2010 cứ  11 người Việt Nam có 1 người cao tuổi thì đến năm 2030 là dự kiến 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi và nếu cứ tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa trên 4 người Việt Nam sẽ có 1 người cao tuổi".
 

 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Hiện tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam là trên 10,5% và khoảng 50 năm nữa Việt Nam sẽ có thêm 10 triệu người cao tuổi.


 

Ông Eduardo Klien, Giám đốc Khu vực, Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (AFPPD), Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Trước những thách thức xã hội của tình trạng già hóa dân số, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để ứng phó, tiêu biểu là hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý như Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020... Mục tiêu cuối cùng là huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

“Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt liên quan đến nguồn lực và kinh nghiệm cũng như chiến lược ứng phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số khi sự phối hợp với các cơ quan chưa theo kịp yêu cầu, độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội như BHXH, BHYT còn thấp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo ngay sau buổi khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: “Đối với một số nước kinh tế phát triển thì họ ‘giàu rồi mới già hóa’ nhưng ở Việt Nam thì chúng ta ‘chưa giàu đã già”. Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Việt Nam về an sinh xã hội, dịch vụ y tế… trong thời kỳ tốc độ già hóa dân số rất nhanh.” Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đã thông tin về những chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đối với việc trợ giúp người cao tuổi ở vùng nông thôn, vùng khó khăn; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân; vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, thu nhập, nước sạch, tiếp cận thông tin...

Cần những chính sách toàn diện phát huy vai trò người cao tuổi

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: Chính phủ Việt Nam nhận thức đầy đủ về vấn đề già hóa dân số. Tới đây, Việt Nam sẽ có chương trình nghị sự cao cấp về vấn đề này, trong đó bàn thảo về quy mô, phân bố, chất lượng dân số, tỷ lệ sinh, tỷ lệ thay thế… Đặc biệt, làm sao để chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò của người cao tuổi để họ không những được chăm lo tốt về sức khỏe, mà cả văn hóa; đồng thời phát huy vai trò lao động sản xuất, vai trò xã hội, cũng như trí tuệ của người cao tuổi, bảo đảm lợi ích cho tất cả mọi người. Đây là vấn đề không mới với thế giới, nhưng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và Việt Nam phải biến điều này thành cơ hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thì cho rằng, già hóa dân số thường được nhiều chính phủ và nhà kinh tế nhìn nhận như một mối đe dọa, thậm chí là một thảm họa tiềm năng. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhìn nhận già hóa dân số một cách tiêu cực. Bởi việc đưa ra những thay đổi trong các chính sách kinh tế và y tế cũng như việc thay đổi cách nhìn nhận có thể giúp các quốc gia có một tương lai tốt hơn bằng cách giảm đi những gánh nặng và tối đa hóa sự đóng góp của người cao tuổi. “Tôi tin tưởng rằng, những kết quả sau Hội nghị sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có được những thông tin làm cơ sở tham khảo quan trọng cho việc đề xuất, xây dựng và sửa đổi chính sách, tìm ra giải pháp cần thực hiện đề có một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Trong buổi chiều 6/9 và các ngày tiếp theo 7-8/9, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về tác động của già hóa đối với sức khỏe tương lai của nền kinh tế, phúc lợi của người dân và các tác động về tài chính đối với lực lượng lao động, y tế, thu nhập hộ gia đình và thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp ở tầm khu vực để có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo phúc lợi cho mọi người trong xã hội già hóa.

Thùy Hương/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...