THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:13

Những tai nạn bất ngờ khi trẻ mầm non ở nhà

08/01/2022 | 13:52
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trường mầm non phải đóng cửa tạm thời. Trẻ ở nhà, cha mẹ vừa vất vả trông con vừa lo tai nạn thương tích có thể bất ngờ xảy ra khiến các bậc phụ huynh trở tay không kịp.
Trẻ đi xe trượt scooter với tốc độ nhanh rất dễ bị ngã, cha mẹ cần theo sát trẻ và thường xuyên nhắc trẻ đi chậm lại. Ảnh: Thanh Huyền

Trẻ đi xe trượt scooter với tốc độ nhanh rất dễ bị ngã, cha mẹ cần theo sát trẻ và thường xuyên nhắc trẻ đi chậm lại. Ảnh: Thanh Huyền

Trẻ em lứa tuổi mầm non hiếu động, thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Khi trẻ đến trường, các hoạt động vận động và sáng tạo giúp trẻ giảm bớt phần nào nguy cơ bị tai nạn thương tích. Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh/thành tạm thời đóng cửa các cơ sở giáo dục mầm non trong thời gian qua để phòng, chống Covid-19 nên trẻ không được tới trường. Trong khoảng thời gian này, nhiều gia đình chật vật tìm người trông trẻ, tìm không được, có người phải nghỉ việc để ở nhà chăm con. Những tưởng, trẻ ở nhà với cha mẹ là an toàn nhất, nhưng không, nhiều tai nạn thương tích bất ngờ đã xảy ra.

Không ngày nào con không ngã

Chị Minh Hằng ở Khu đô thị Kiến Hưng có hai con nhỏ, một bé 4 tuổi, một bé mới 14 tháng. Nhà không có ông bà hỗ trợ, cũng không có tiền để thuê người trông trẻ, một mình chị trông hai con và lo cơm nước hàng ngày. Nhiều khi đang bế đứa nhỏ đứng nấu ăn thì nghe thấy đứa lớn khóc ré lên, lúc thì nó chạy ở ngoài hành lang chung cư nhanh quá nên bị vấp ngã tím đầu gối, lúc thì bị bạn hàng xóm đẩy ngã bươu đầu, lúc thì đi xe trượt scooter đâm vào tường trầy xước tay, chân… Nói chung, ngã là trạng thái gần như “không thể thiếu” trong nhật ký ở nhà giãn cách của bé.

Theo các chuyên gia về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, ngã là tai nạn thương tích thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ dễ bị ngã do hiếu động, chưa biết cách chơi an toàn. Ðiều kiện hoàn cảnh sống, môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ như nhà cao tầng, cầu thang không đúng tiêu chuẩn, nền nhà ẩm ướt…, cộng thêm sự thiếu giám sát của người lớn khiến tần suất trẻ bị ngã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Có những trẻ ngã nhẹ, chỉ hơi đau, chỉ khóc một tí rồi lại đứng dậy chơi tiếp; nhưng cũng có trường hợp ngã gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Ngã cầu thang, ngã trong nhà tắm, ngã từ trên cao xuống có thể khiến cho trẻ bị gãy tay, gãy chân, thậm chí tổn thương cột sống, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

Do đó, cha mẹ dù bận rộn đến mấy, nhất định phải để ý đến trẻ nhỏ. Nếu bạn bận làm việc hoặc nấu cơm, không thể để mắt trông trẻ, hãy cho trẻ ngồi trong cũi, hoặc ngồi ngay trước mắt bạn chơi đồ chơi; không để trẻ chạy ra khỏi phòng, nghịch trong khu vực bếp nấu hay nhà tắm, hoặc chơi một mình ngoài đường, ngoài hành lang chung cư…

Nếu bạn ở nhà tầng, lan can, cầu thang phải có rào hoặc chấn song bảo vệ; các bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi, không để ẩm ướt, trơn trượt. Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, không chơi các trò chơi nguy hiểm. Trong nhà phải luôn có tủ thuốc để sơ cứu cho trẻ trong các trường hợp cần thiết.

Không nên để trẻ nhỏ nghịch vòi hoa sen trong nhà tắm vì trẻ có thể bị bỏng. Ảnh minh họa

Không nên để trẻ nhỏ nghịch vòi hoa sen trong nhà tắm vì trẻ có thể bị bỏng. Ảnh minh họa

Một cốc trà cũng có thể khiến trẻ bị bỏng

Chị Thu Hiền ở khu Times City (Hà Nội) đi làm nhưng ngày nào cũng nhấp nhổm không yên vì lo đứa con hiếu động mới 3 tuổi ở nhà với bà ngoại già yếu không biết thế nào.

Có lần, qua camera chị thấy bà pha cốc trà hoa cúc với nước sôi để thanh nhiệt. Chưa kịp uống thì có người nhấn chuông, bà vội chạy ra mở cửa. Bà vừa đi thì cậu bé đã lao tới nhúng cả bàn tay vào cốc trà nóng để vớt bông cúc lên. Cậu bé hành động nhanh đến nỗi chị Hiền dù nhìn thấy nhưng không kịp gọi điện cho mẹ. Sau vụ để cháu bị bỏng, mẹ chị Hiền cứ áy náy lương tâm, bà từ bỏ hẳn thú vui uống trà hoa cúc mỗi ngày vì sợ lại làm bỏng cháu lần nữa.

Cùng với ngã, bỏng cũng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non. Theo thống kê, ở Việt Nam, lứa tuổi trẻ em bị bỏng nhiều nhất là từ 1 - 5 tuổi, hàng năm ước tính có khoảng 8.000 - 10.000 trẻ bị bỏng ở các mức độ khác nhau. Trẻ bị bỏng do chưa ý thức được các nguy cơ gây bỏng và chưa có khả năng tự phòng tránh.

Trẻ nhỏ thường bị bỏng nước sôi, thức ăn nóng; một số có thể bị bỏng do lửa, điện, bô xe máy… Với các vết bỏng nhẹ ngoài da, cha mẹ nhúng phần da bị bỏng của trẻ vào nước lạnh để làm giảm sự đau rát, sau đó thoa kem trị bỏng cho trẻ. Tuy nhiên, với những vết bỏng ăn sâu, diện tích rộng có thể gây nhiễm trùng, cha mẹ cần đưa trẻ đến khoa Bỏng của các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bỏng có thể để lại các vết sẹo nông hoặc sâu trên cơ thể, khiến cho trẻ đau đớn, khó chịu, đồng thời gây mất thẩm mỹ khiến cho trẻ mặc cảm với bạn bè, do đó, cha mẹ đặc biệt nâng cao ý thức phòng, tránh bỏng cho trẻ. Chú ý, để các vật có thể gây bỏng xa tầm với của trẻ, quan sát trẻ để kịp xử lý khi trẻ bị bỏng.

Hóc dị vật từ đồ chơi

Hóc dị vật là một tai nạn thương tích rất dễ xảy ra ở trẻ em mầm non nhưng nhiều bậc cha mẹ lại chủ quan. Nhiều người nghĩ rằng, mình mua toàn đồ chơi xịn, đồ chơi an toàn  nên để con chơi một mình với đồ chơi mà không giám sát. Tuy nhiên, trẻ có thể không bị hóc bởi những miếng lego hay mảnh gỗ, chúng bị hóc bởi những thứ cha mẹ không ngờ tới như pin cúc áo, hạt nhựa/đá rơi ra từ vòng tay/vòng cổ bị đứt, các loại hạt của quả như hạt nhãn, hạt chôm chôm, hạt bưởi, hạt ngũ cốc…

Khi trẻ vô tình nuốt hoặc nhét các hạt, dị vật vào mũi có thể bị sặc hoặc không sặc nhưng dị vật trong mũi khiến cho mũi bị sưng viêm có mủ. Nếu không lấy dị vật ra, trẻ có thể bị sốt, đau đầu, thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó, cha mẹ cần để ý khi trẻ chơi. Ðể các vật sắc nhọn, vật tròn, vật có nguy cơ gây hóc, sặc ra khỏi tầm với của trẻ. Khi trẻ bị hóc, sặc cần lấy dị vật ra. Nếu dị vật khó lấy, cần di chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài các tai nạn thương tích thường gặp trên, khi ở nhà, trẻ nhỏ còn đối mặt với các nguy cơ như điện giật, đuối nước, côn trùng đốt, thú cưng cắn, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất… Trẻ nhỏ, chưa có khả năng nhận biết các yếu tố nguy hiểm có thể gây tai nạn, do đó, cách tốt nhất để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em lứa tuổi mầm non vẫn là cha mẹ phải trông nom trẻ cẩn thận mọi lúc, mọi nơi.

Thanh Huyền
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ 480.000 - 700.000 đồng/tháng cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19

TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ 480.000 - 700.000 đồng/tháng cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19

2 năm trước

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố năm 2021 làm hơn 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ và gần 400 người cao tuổi sống neo đơn. Để sự hỗ trợ có tính bền vững,...
Các hình thức tảo hôn sẽ bị cấm tại Philippines

Các hình thức tảo hôn sẽ bị cấm tại Philippines

2 năm trước

Hãng tin AFP cho biết, đạo luật có hiệu lực từ ngày 6/1 tại Philippines sau khi được Tổng thống Rodrigo Duterte ký thông qua. Đạo luật nêu rõ: "Nhà nước coi việc tảo hôn là hành vi xâm hại...
Cục Trẻ em yêu cầu bảo vệ bí mật đời tư của trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai

Cục Trẻ em yêu cầu bảo vệ bí mật đời tư của trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai

2 năm trước

Dư luận đang dậy sóng với nhiều sự việc lùm xùm xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" vài năm nay. Nơi đây đang lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa kêu gọi lòng...