THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 07:29

Nỗi lo nợ công tăng cao, bội chi gấp 3 lần tăng trưởng

10/06/2017 | 13:27

“Làm 1 đồng, tiêu 3 đồng”
 
Bài phát biểu của ông Đặng Thuần Phong, đại biểu tỉnh Bến Tre,  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội, thu hút sự chú ý khi chỉ ra  hàng loạt những vấn đề bất an hiện nay của xã hội. Đó là vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.
“Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, theo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ, xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bộ chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ tăng kết quả trưởng GDP chưa như mong muốn”- ông Phong nhận định.
 

 
Đại biểu Đặng Thuần Phong lo lắng khi hiệu quả đầu tư thấp trong khi nợ công tăng cao
 
Một vấn đề khác được vị đại biểu tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Bên cạnh đó, rừng bị chặt phá nhiều, tài nguyên khoáng sản quốc gia ngày càng cạn kiệt, đất ở đất sản xuất cho đồng bào sản xuất không có, trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô. An toàn sống, bữa cơm trong nhà lo ngại vì thực phẩm không an toàn, ra đường bất an vì tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ vạ lây.
 
“Còn nhiều vấn đề bức xúc nhưng tôi xin nêu 6 vấn đề bất an như vậy để Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong điều hành phát triển kinh tế -xã hội của đất nước” - đại biểu Đặng Thuần Phong kiến nghị.
 
Cũng bàn về vấn đề mất cân đối ngân sách, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, thông thường phải tăng chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên. Tuy nhiên gần đây, chi thường xuyên lại có xu hướng tăng dần, ngược lại tổng chi đầu tư phát triển giảm. Mức bình quân chi thường xuyên những năm trở lại đây chiếm khoảng gần 30% cơ cấu tổng chi ngân sách. Trong khi đó, năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm gần 19,72%, chưa bằng một phần năm trong tổng chi ngân sách, chi thường xuyên chiếm 61,15% và chi trả nợ, viện trợ chiếm 12%.
Năm 2009, khi Luật Quản lý nợ công ra đời thì cũng từ thời điểm đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Chính phủ đã phải dành một phần không nhỏ NSNN để trả nợ nhưng vẫn không đủ mà phải đi vay để đảo nợ. “Tình trạng vay đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ”, bà Thơ nhận xét và đề nghị Chính phủ nên xem xét cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng cho đầu tư phát triển và hạn chế, thắt chặt chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng, chi cho những khoản không cấp bách. Điều đó cũng có nghĩa là phải mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thu gọn bộ máy hành chính.
 
Mãi bài ca quen thuộc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu tỉnh Ninh Thuận) nêu lên thực trạng giải cứu nông sản thời gian  qua. Hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, rồi đến thịt lợn, chuối... và theo ông danh sách nông sản ế thừa chắc chắn sẽ còn kéo dài, nếu không có được giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý.
 
"Bài ca được mùa mất giá, được giá mất mùa đã quá quen thuộc, được nông dân, đại biểu Quốc hội hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, dù bài ca đó không được ai cấp phép", ông Cương nói và tỏ ra băn khoăn khi hiện trạng "thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ, nỗi đau của người chăn nuôi hiện hữu", nhưng tiếc là báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội gửi tới Quốc hội không đánh giá vấn đề này. Ông Cương cũng đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trong khi thịt lợn rớt giá nhưng  giá thịt trong siêu thị gấp 3-4 lần và  ai là người được lợi trước cảnh được mùa rớt giá?
 
Nỗi lo nợ công tăng cao, bội chi gấp 3 lần tăng trưởng - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề cập đến tình trạng nông sản ế thừa và vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước
 
Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) lo lắng, nguồn cung nông sản dư thừa, liên tục phải giải cứu nhưng chưa làm yên lòng bà con nông dân.Nêu lại thực tế những cuộc giải cứu dưa hấu, thịt heo, hay có thời điểm nông dân tỉnh Lâm Đồng đành bỏ cà chua chín rục trên cây do rớt giá thảm…, ông Việt chỉ ra, nguyên nhân chính do quy mô sản xuất nông sản còn nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ chế biến nông sản hạn chế. Thu nhập nông dân chủ yếu là "lấy công làm lời".
 
Giải quyết vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn  Tuấn Anh (Bình Phước), cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư một cơ sở nông nghiệp công nghệ cao 6-15 tỷ đồng một ha, tuỳ mô hình sản xuất. Chi phí lớn nếu doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ từ chính sách, cơ chế, lãi vay… thì khó thực hiện được. Ông Tuấn Anh lo lắng trước thực trạng cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Vì thế, đại biểu này đề nghị cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không thì hết giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn, rồi lại đi giải cứu hành, tỏi, bí đỏ…
 
Không tăng trưởng bằng mọi giá
 
Tại  phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn và nghi ngờ về tính khả thi của việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Nhất là khi, trong quý I/2017, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ ở mức 5,1%, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và muốn đạt mục tiêu đề ra thì tăng trưởng bình quân các quý tiếp theo phải đạt trên 7%. Đây là điều không hề dễ dàng!
 
Đăng đàn giải trình với đại biểu Quốc hội trước những băn khoăn quanh mục tiêu tăng trưởng 6,7% đặt ra cho năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, nên tăng trưởng năm 2017 là “bản lề”, tạo đà cho sự phát triển của các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, có điều kiện để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm đã đề ra.
 
Nỗi lo nợ công tăng cao, bội chi gấp 3 lần tăng trưởng - Ảnh 3
 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ những băn khoăn của các đại biểu QH về mục tiêu tăng trưởng năm 2017
 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nhu cầu hiện nay là phải phát triển nhanh để chống tụt hậu so với khu vực. Việc tăng trưởng năm 2017 cũng nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau và duy trì cho những cân đối lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ đó, góp phần ổn định xã hội và ổn định chính trị.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định quan điểm “không tăng tưởng bằng mọi giá” và không đánh đổi môi trường hay bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng. Chính phủ xác định tăng trưởng kinh tế vĩ mô một cách bền vững là mục tiêu hàng đầu. Giải pháp căn cơ là khơi dậy một cách hiệu quả các tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội có thể phát triển.
 
Nói về cơ sở để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bối cảnh quốc tế và trong nước năm 2017 đều có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Khu vực nông nghiệp cũng đã phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ thời tiết thuận lợi và tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu có hiệu quả trong thời gian qua. Công nghiệp chế biến chế tạo có bước chuyển biến tích cực, có khả năng đạt mức tăng 13% sau khi phân tích một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Tăng trưởng xuất khẩu cũng có khả năng đạt 10%, tiêu dùng có khả năng tăng trưởng tốt; khu vực dịch vụ có khả năng đạt 7,79%. Nhiều dự án đầu tư từ nguồn NSNN đang được đẩy nhanh tiến độ, cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư từ tư nhân và FDI cải thiện. Nhiều dự án lớn đang đi vào khai thác và khi đưa vào sử dụng sẽ có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

 “Mục tiêu 6,7% được cho là cao nhưng Chính phủ thấy hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu với điều kiện chúng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Theo Thái An/itmedia.vn

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...