THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 11:40

Phạm Đình Quý - Người kỹ sư có tấm lòng vàng

15/02/2019 | 15:56
 
Anh Phạm Đình Quý được bầu chọn giải Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 và Top 5 Đại sứ truyền cảm hứng 2018.
 
Người gieo những ước mơ 
 
Gặp Phạm Đình Quý, người ta nhận thấy ngay ở anh – một con người dễ mến, chân thành, đầy nhiệt huyết, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng. Ở anh toát ra nguồn năng lượng tích cực, và câu chuyện của anh có sức lan tỏa, khích lệ tất cả mọi người. Với những cống hiến xây trường để ươm mầm tri thức cho những trẻ em nghèo, mới đây, Phạm Đình Quý đã vinh dự nhận giải Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 và Top 5 Đại sứ truyền cảm hứng 2018.

Chào anh Quý. Cảm xúc của anh thế nào khi được nhận giải WeChoice Awards 2018?
 
Đây là giải thưởng của một năm 2018 nhưng là kết quả của chặng đường 5 năm đầy gian khó để xây hơn 100 ngôi trường mà mình và đồng nghiệp đã trải qua. 5 năm,biết bao kỷ niệm với những miền quê, với những thầy cô và những bạn bè. Gian khổ đấy, vất vả đấy nhưng hạnh phúc thì thật không ai bằng. Được nhận giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng mà chính mình vẫn tự hỏi là "Ai là người đã truyền cảm hứng cho mình nhỉ?". Đúng là cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc tôi, nhưng nếu không được các nhà hảo tâm ủng hộ, bạn bè tiếp sức và cổ vũ thì tôi sẽ không bao giờ có được thành quả của ngày hôm nay. Tôi nguyện mãi là người chiến binh chân thành của các em nhỏ vùng cao. 
 
Tất cả vì đàn em vùng cao
 
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với hành trình xây trường cho trẻ em vùng cao ròng rã suốt 5 năm qua?
 
Năm 2012, tôi 40 tuổi, trong một lần lái xe tải lên vùng cao làm từ thiện, chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của bà con nơi đây, biết được công cuộc "tìm chữ" của con em dân tộc khó khăn cỡ nào, tôi tự hỏi, 40 năm qua, mình đã làm được gì cho đời: Kiếm được hàng chục tỷ rồi đánh mất, hay là một anh lái xe chỉ biết chở đồ từ thiện lên vùng cao? Kiến thức mình học được cuối cùng có tác dụng gì? Tôi quyết định, mình phải vượt khỏi vùng an toàn này và sẽ làm một điều gì đó không bình thường. Tôi sẽ xây trường học bởi người dân ở đây nghèo quá và thiếu tất cả mọi thứ: giáo dục, y tế, đường xá, nhà ở, cơm ăn, áo mặc… Thứ đầu tiên tôi muốn giúp là xây một ngôi trường đàng hoàng để các em nhỏ có một chỗ học, mưa không dột tới đầu. Bởi phải có học thì tương lai mới khá lên được.
 
 
Anh Phạm Đình Quý (người bên phải) tại một điểm trường tranh tre dột nát.
 
Lặn lội lên xây trường ở những bản vùng cao biên giới, những nơi heo hút, hiểm trở, anh và những người bạn làm thế nào để vượt qua muôn vàn gian nan, khó khăn?
 
Tôi đã viết bài chia sẻ trên Facebook kèm theo lời kêu gọi vận động từ thiện vật dụng (quần áo, chăn màn) để tặng cho người dân và tiền mặt để xây trường. Điều đặc biệt nhất trong hành trình biến túp lều bán trú tạm bợ thành một ngôi trường kiên cố chính là các ngôi trường đều có sự tham gia tích cực của người dân địa phương và các thầy cô giáo. Xây nhà trên núi, việc gì cũng khó. Dốc núi quanh co, gần như dựng đứng, để xây một ngôi trường trên núi cao, vất vả nhất là khâu vận chuyển vật liệu và xây móng, đổ nền. Rất may, bà con đã tự nguyện dùng sức mình để vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng lên chỗ xây dựng… 
 
Xây xong, thừa tiền ủng hộ, tôi cho xây thêm cái thứ 2, thứ 3 cho học sinh vùng cao. Cho đến tận bây giờ, 5 năm với hành trình tìm đến hơn 100 điểm trường khắp cả nước, là sự khó khăn, gian nan không hề nhỏ, nhưng cả quãng thời gian đó tôi không thấy khổ, chỉ thấy niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc khi được cho đi. Những căn nhà bê tông mái ngói đỏ tươi chính là dấu hiệu của sự đổi thay, của tương lai và một mai hy vọng. 

 
Niềm hạnh phúc của kỹ sư Phạm Đình Quý là nhìn thấy những ngôi trường khang trang, sạch đẹp.
 
Làm từ thiện, với hàng tỷ đồng được quyên góp, anh đã làm thế nào để các mạnh thường quân tin tưởng giao phó?
 
Làm từ thiện trước giờ là con dao hai lưỡi. Với hơn 100 điểm trường xây dựng, tương đương số tiền hàng chục tỉ tiền quyên góp của vô số mạnh thường quân, chưa có ai từng nghi ngờ tôi. Một trong những lý do người ta tin tưởng giao tiền cho tôi xây trường là vì tôi luôn công khai mọi khoản chi phí. Với mỗi dự án, tôi đều có một bảng tính kê khai mọi hạng mục chi tiết và công khai trên trang cá nhân của mình. Thậm chí đến 5 năm sau, nếu có ai hỏi, tôi vẫn sẽ trả lời số tiền ấy được tiêu vào đâu, nhằm mục đích gì. 
 
5 năm nhìn lại cả chặng đường, có biết bao người đã giúp đỡ, biết bao nhà hảo tâm đã tin yêu và ủng hộ dù chưa một lần gặp mặt. Đó là một tài sản vô giá, là "món nợ" tươi đẹp của cuộc đời. Nợ tiền thì mình đang nợ nhiều lắm, nhưng nợ tình thì có lẽ kiếp này mình không trả đủ đâu.
 
Xin cảm ơn kỹ sư Phạm Đình Quý. 
 
“Hạnh phúc không phải là đỉnh cao mà là sự công bằng, sự sẻ chia và yêu thương đồng loại.” – Kỹ sư Phạm Đình Quý.

Việt Cường (thực hiện)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...