CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 07:53

Phát hiện nhiều di vật quý dưới điện Kính Thiên

27/04/2018 | 16:45
 
 
Đó là thông tin tại hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017” sáng 17/4 do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ công bố. 

Các nhà khoa học đang xem những mảnh sành của các di vật có từ thời Lý, Trần.
 
Phục dựng không gian điện Kính Thiên
 
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (phụ trách nhóm khai quật), kết quả khảo cổ học tại phía Đông Bắc, gần khu vực điện Kính Thiên đã đưa ra những phát hiện mới, nhiều bất ngờ cùng nghi vấn về những giá trị văn hóa lịch sử dưới lòng đất. Một hồ nước lớn được xác định có từ thời Lê trung hưng và bị lấp vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Dưới hồ nước là nhiều hiện vật thời Lý. Trong lòng hồ, các nhà khảo cổ tìm thấy các di vật đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, trong đó số lượng lớn là gạch ngói thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn…
Các nhà khoa học giả định, đây là ao hoặc hồ nước được triều đình thời Lê trung hưng dựng lên. Giữa hồ phát hiện cấu trúc móng cột, móng nền chứng tỏ một khu vực chiếu nghỉ hoặc công trình mang tính trang trí, phục vụ nhu cầu thư giãn ngắm cảnh. Điều đặc biệt, các di vật tìm thấy đều chạm rồng, từ vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng, men xanh thuộc thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVII) đến các vật dụng như chén, bát... Những di vật này cho phép hình dung rõ hơn về “ngói rồng” lợp trong khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê sơ.
 
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đề xuất cần nhanh chóng mở rộng khai quật khảo cổ học để sớm hoàn trả lại không gian điện Kính Thiên. 


PGS.TS Tống Trung Tín chỉ ra dải bó nền hoa chanh. Phát hiện này được cho là minh chứng quan trọng của nền chính điện của vua thời Trần.
 
Để cho người dân hiểu giá trị của Hoàng thành Thăng Long
 
Tính đến nay, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã trải qua 16 năm liên tục khai quật, tiến hành khảo cổ học. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng là chắp nối các kết quả khai quật, khảo cổ học lại thành một công trình nghiên cứu, báo cáo kết quả để người dân bình thường có thể hiểu ít nhiều giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Cũng đã đến lúc nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý văn hóa nghĩ đến bước phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên. 
 
PGS.TS Bùi Minh Trí – Giám đốc Viện nghiên cứu kinh thành đề xuất Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần lập bản đồ tổng thể về kiến trúc để kết nối 18 Hoàng Diệu với khu vực 19 Hoàng Diệu mới có thể nhận biết về trục trung tâm. “Điều tôi cho là ấn tượng nhất và cần bàn luận nhất là việc tìm thấy khối lượng lớn ngói lợp trên cung điện thời Lê sơ và khác biệt với khu D 18 Hoàng Diệu. Phát hiện về ngói rồng ở đây rất hay, nếu phục dựng điện Kính Thiên thì có thể xem đây là căn cứ”. PGS.TS Bùi Minh Trí cũng đề nghị các nhà khai quật làm rõ và lí giải bằng được sự xuất hiện của nhiều đồ dùng gia dụng cung đình thời Lê trung hưng tại khu vực vốn được xem là trung tâm hành chính này. Việc xuất hiện hồ ở khu vực khai quật vừa qua là điều lí thú, nên nghiên cứu làm rõ quy hoạch tổng thể điện Kính Thiên.

Toàn cảnh hố khai quật có diện tích gần 1.000m2, được các nhà khảo cổ học tiến hành từ năm 2017.
 
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội đề xuất, đã đến lúc cần kết nối lại toàn bộ kết quả khai quật 16 năm qua. Nhân dân rất chờ đợi, cần biết và hiểu được giá trị của Hoàng thành chứ không chỉ vài nhà khoa học nghiên cứu trong diện hẹp. Phải “đào ở dưới đất để nói chuyện những thứ còn lại trên mặt đất chứ không chỉ đào xong vẫn để dưới đất”.
 
Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu về địa chất, tài nguyên môi trường chứ không đơn thuần làm khảo cổ để xác định rõ hơn giá trị của di tích. Ông Hùng cũng tán thành lập bản đồ lớp khảo cổ từng địa tầng để giải đáp chỗ nào vẫn giữ nguyên, khu vực đã bị xáo trộn để làm cơ sở quy hoạch, triển khai việc phục dựng sau này. 
 

Ngói hình rồng được khai quật. 
 
Và tiến tới trưng bày cho người dân tham quan 
 
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần tập trung để có đủ cứ liệu khoa học phục dựng không gian điện Kính Thiên, có thể khó phục dựng trong thực tế nhưng có thể phục dựng trong không gian 3D, hoặc phục dựng riêng kiến trúc mái. Không nên đẩy nhanh tiến độ khảo cổ, mà cần tập trung khai quật trong khu vực trước và sau điện Kính Thiên, để trong vòng 3 - 5 năm nữa có đủ dữ liệu phục dựng không gian điện Kính Thiên. GS Phan Huy Lê cũng nhắc lại kế hoạch được Chính phủ phê duyệt - không chỉ yêu cầu khai quật mà đến lúc cần dựng lại sơ đồ để tổ chức hội thảo khoa học bàn thảo rộng hơn, kết hợp công bố kết quả khai quật khu vực Vườn Hồng chứ không nên công bố rời rạc. Và trưng bày cho người dân tham quan các di tích đã được phát lộ. 
 
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Năm 1886, điện bị phá huỷ, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).
 
 

Việt Cường/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...