THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:41

Phát triển du lịch Hà Nội - Văn hóa là nền tảng

24/09/2017 | 14:21
 
Hồ Gươm Hà Nội trong tổng thể khu phố đi bộ cuối tuần ngày càng trở nên thơ mộng, thu hút du khách đến thư giãn, thưởng ngoạn. Ảnh: KT
 
Du lịch Hà Nội đã khởi sắc nhưng chưa xứng tầm Thủ đô
 
Không phải các thế hệ lãnh đạo Hà Nội không nhìn ra tiềm năng du lịch của Thủ đô. Nhưng “cái khó bó cái khôn” - ngày xưa Hà Nội không có đủ điều kiện để phát triển du lịch. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện nhiều, nhu cầu đến thăm Hà Nội của khách quốc tế cũng như khách nội địa tăng cao. Hà Nội có “cơ hội vàng” để đẩy du lịch thành một ngành kinh tế trọng điểm.
 
Có thể nói, Hà Nội đã hiểu được điều này và đã làm được một số việc có ý nghĩa. Những năm gần đây, du lịch Hà Nội đã đạt được những bước tiến rõ rệt. Năm 2016, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,8 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2015. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 23%. Những con số này cũng đã gây ấn tượng, nhưng chưa xứng tầm với Thủ đô Hà Nội. Hà Nội còn chưa khai thác hết 50% tiềm năng du lịch của mình. Điều đó có nghĩa là trong thời gian 4 - 5 năm trước mắt, Hà Nội có thể tăng tổng lượng khách lên tới 40 triệu, trong đó khách quốc tế đạt 8 - 9 triệu. Muốn vậy, tốc độ tăng trưởng phải đạt trên dưới 20%/năm.
 
Phải làm gì để đạt được những con số đó? Nền tảng tăng trưởng của du lịch Hà Nội phải dựa vào văn hóa.

Tôn tạo, khai thác những công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật
 
Không ở đâu giàu có các công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật như ở Thủ đô Hà Nội. Đây là sản phẩm du lịch truyền thống và là thế mạnh của Hà Nội. Hà Nội đã khai thác nhưng chưa xứng tầm, chưa lột tả hết những giá trị của những công trình này. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ các hướng dẫn viên du lịch mới chỉ giới thiệu về công trình, chưa phân tích, đánh giá được những giá trị còn tiềm ẩn. Muốn thế, phải huy động những chuyên gia, nhà sử học, nhà văn vào cuộc. Họ sẽ tạo ra những bài viết có nội dung hấp dẫn và sâu sắc. Những người thuyết minh phải dựa vào đây thì khi nói mới có sức thuyết phục.
 
Tạo ra sản phẩm du lịch mang tầm vóc mới từ những khu phố cổ Hà Nội, hệ thống đền chùa, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh bằng cách tôn tạo và giới thiệu sâu, bài bản, hấp dẫn. Những làng nghề truyền thống, những công trình văn hóa, giáo dục đang hoạt động như: Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị, Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa, Đại học Y, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội trường Ba Đình mới… là những sản phẩm du lịch sáng giá. Chỉ cần biết tổ chức giới thiệu thôi.
 
 
Chùa Trấn Quốc nằm bên bờ hồ Tây cũng là điểm du lịch thu hút Phật tử, du khách khắp nơi đến lễ Phật và vãng cảnh. Ảnh: KT
 
Kết nối để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, sinh thái
 
Trong vòng bán kính 150km quanh Thủ đô Hà Nội, có rất nhiều địa danh là những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái có giá trị. Đó là hai dãy núi Tam Đảo, Ba Vì với rất nhiều đền chùa gắn với những truyền thuyết nổi tiếng. Hồ thủy điện Hòa Bình cũng đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Xa hơn một chút là “thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên - Tuyên Quang. Tiếp đến là tam giác Hà Nội - Quảng Ninh (Hạ Long, Cát Bà, Trà Cổ…) - Ninh Bình (Bích Động, Tràng An, Bái Đính…). Đây có thể nói là những tour du lịch lý tưởng mà Hà Nội là trung tâm.
 
Điều kiện để phát triển những tour du lịch này gần như đã hoàn thiện. Đó là đường bộ, đường sắt, đường thủy đều có thể tham gia vào hoạt động này. Hà Nội có 3.081 cơ sở lưu trú, với 38.000 phòng, 1.500 doanh nghiệp lữ hành, cùng với đó là 5.175 di tích văn hóa lịch sử, nhiều di tích được UNESCO vinh danh. 
 
Cái thiếu, cái làm cho sản phẩm du lịch Hà Nội chưa hấp dẫn đồng bộ, có lẽ là chưa có những khu vui chơi, giải trí tầm cỡ. Điều này có thể xây dựng một cách nhanh chóng bằng kêu gọi đầu tư. Cần phát huy hiệu quả các công viên, trong đó có công viên nước Hồ Tây.
 
Văn hóa giao tiếp, ứng xử có ý nghĩa gần như quyết định
 
Thủ đô Hà Nội vốn nổi tiếng với “đặc sản” thanh lịch. Cái tạo nên sự thanh lịch chủ yếu thông qua văn hóa giao tiếp, ứng xử. Nói một cách nhẹ nhàng thì truyền thống thanh lịch của người Hà Nội những năm gần đây phần nào bị “pha loãng” (chưa tới mức mai một). Cần phải làm đậm đặc chất thanh lịch để du lịch Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn.
 
Cái thanh lịch của người Thủ đô Hà Nội hiện nay cần hiểu rộng rãi, khoáng đạt hơn. Thứ nhất - nó phải tạo ra cho khách của Thủ đô cảm thấy an toàn, yên tâm khi đi trên các đường phố. Thứ hai - người Hà Nội phải làm thế nào để du khách cảm thấy nồng ấm, thân thiện. Điều này Hà Nội có thể học Đà Nẵng. Ví dụ, cảnh sát giao thông Đà Nẵng không phạt xe ngoại tỉnh lần đầu vi phạm; ngược lại, họ thân tình chỉ đường, hướng dẫn cụ thể. Thứ ba - nhà hàng, khách sạn không được “chặt chém” du khách (điều hiện nay vẫn thường xảy ra). Tiếp theo mới đến lời ăn, tiếng nói, trang phục…- những thứ người Hà Nội vốn có thế mạnh.
 
Như vậy, muốn du lịch Hà Nội thật sự “cất cánh”, còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, những việc đó không quá khó. Chỉ cần lãnh đạo và những người trong ngành du lịch Hà Nội quan tâm, chịu khó học hỏi và đổi mới là làm được.

Nguyên Hồ/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...