THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2024 07:06

Phong phú hoạt động trải nghiệm “Em yêu lịch sử”

18/05/2023 | 16:14
Với những trải nghiệm, giao lưu thú vị trong buổi sinh hoạt ngoại khóa “Em yêu lịch sử Việt Nam", các em học sinh hiểu rõ về truyền thống lịch sử dân tộc, giúp các em yêu thích hơn môn lịch sử. Từ đó khơi dậy niềm tin, lòng tự hào là người Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy các em phấn đấu, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho đất nước.
Chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Vận chuyển lương thực ra chiến trường”.

Chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Vận chuyển lương thực ra chiến trường”.

Giúp học sinh yêu môn Lịch sử

Mong muốn giúp các em học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử, nhiều trường học đã có cách làm thiết thực, sáng tạo, mang đến không gian học tập ý nghĩa, hiệu quả. Thạc sỹ Nguyễn Thu Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Thời gian qua, Nhà trường đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học mới, tạo cho học sinh nhiều hơn những không gian trải nghiệm thực tế, ngoại khóa... nhất là với môn Lịch sử. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh những buổi trải nghiệm thú vị tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Tuyên Quang như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, mời các nhà sử học đến nói chuyện chuyên đề. Ðặc biệt, Trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, tìm hiểu về những địa danh, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ những buổi ngoại khóa này, giúp các em biết trân trọng thành quả của người đi trước, sống yêu thương và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội.

Cựu chiến binh Hà Viết Long kể chuyện về Bác Hồ cho thiếu nhi tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cựu chiến binh Hà Viết Long kể chuyện về Bác Hồ cho thiếu nhi tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thạc sỹ Trần Quỳnh Chi, giáo viên Trường THPT Chuyên Tuyên Quang chia sẻ: “Khi giảng dạy lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ được mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ đó, giúp các em biết tôn trọng lịch sử, ứng xử văn minh với quá khứ, có thể giải thích, cắt nghĩa được nhiều vấn đề ở hiện tại, có ý thức trách nhiệm hơn với tương lai của đất nước”. Ðể môn Lịch sử hấp dẫn hơn, cô Trần Quỳnh Chi đã xâu chuỗi và liên hệ thực tế giúp học sinh cảm thấy gần gũi, hứng thú hơn khi học. Với mỗi buổi tham quan, cô đều nêu rõ mục đích tham quan, những nội dung lịch sử cần tìm hiểu và cho học sinh viết bài thu hoạch, sau đó tổ chức trao đổi nội dung thu hoạch để nâng cao nhận thức cho học trò. Ðể học sinh ghi nhớ tốt hơn, cô giáo Quỳnh Chi đã dày công truyền tải kiến thức lịch sử bằng video, hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, cho các em hóa thân vào các nhân vật lịch sử… Với hoạt động này, học sinh đã rất hào hứng tương tác, vừa phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập, vừa giúp cô có thể phát hiện ra khả năng tư duy, giải pháp và nhận định của học sinh về sự kiện. Theo cô Chi, để học sinh yêu môn Lịch sử, quan trọng hơn cả là phải giữ được không khí lớp học luôn vui vẻ, bởi chỉ khi học sinh thoải mái thì tiết học mới chất lượng, hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, cô Quỳnh Chi đã có tới 70 học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh và gần 20 học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử.

Em Ðinh Thế Linh, học sinh lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang (học sinh giỏi vượt cấp lớp 11 trong đội tuyển Quốc gia môn Lịch sử) chia sẻ: Qua những câu chuyện ông bà kể thuở nhỏ đã nhen nhóm tình yêu lịch sử trong em. Lớn lên một chút, những bộ phim tư liệu về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những bài giảng, những câu chuyện đặc biệt cuốn hút đã “truyền lửa” cho em, nhân lên trong em niềm tự hào và ý thức trách nhiệm với môn Lịch sử. Theo em, với môn Lịch sử, học sinh cần hiểu được bản chất sự kiện, mối quan hệ với các sự kiện lịch sử khác thay vì học vẹt. Ngoài ra, em cũng thường lên các trang mạng để tìm kiếm thêm thông tin về sự kiện để hiểu sâu hơn bài học.

Em Nguyễn Tiến Ðăng, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thái Bình (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: Cô giáo dạy môn Lịch sử của em luôn có cách mở bài đầy cảm hứng bằng những câu chuyện hay, những chi tiết xúc động. Bài giảng của cô rất gọn với những ý chính trọng tâm. Cô luôn gợi mở giúp chúng em biết phát hiện những sự kiện liên quan, biết liên hệ thực tế, đồng thời cô cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn chúng em thu thập, tìm kiếm tư liệu để mở rộng bài học. Nhờ đó, em cảm thấy các sự kiện lịch sử, các địa danh và nhân vật lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu hơn rất nhiều.

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” tại Nhà tù Sơn La.

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” tại Nhà tù Sơn La.

Ấn tượng chương trình “Em yêu lịch sử”

Mới đây, khoảng 300 em học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La và một số trường khác có chuyến trải nghiệm “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Sơn La với chủ đề "Nhà tù Sơn La - Trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam". Chương trình là hoạt động có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, góp phần giới thiệu và quảng bá giá trị di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.

Trong chuyến trải nghiệm, các em học sinh hào hứng tham gia 3 phần thi: Theo dòng lịch sử, giải ô chữ bí mật, đi tìm ẩn số. Nội dung các phần thi về tìm hiểu lịch sử Nhà tù Sơn La, một số kiến thức liên quan về hệ thống nhà tù của thực dân Pháp với các câu hỏi đa dạng, phong phú, gợi mở nhiều thông tin hay về thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Sơn La và nét đẹp văn hóa địa phương. Các học sinh đã thể hiện sự tự tin, am hiểu kiến thức, hoàn thành tốt các phần thi, mang đến không khí hoạt động trải nghiệm thoải mái, vui tươi.

Tham gia Chương trình, các em hiểu rõ hơn sự hi sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng. Những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Ðảng những chiến sĩ, đảng viên cộng sản trung kiên. Qua đó cũng giáo dục cho các em tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc khi đến với các di tích lịch sử cách mạng.

Chương trình trải nghiệm “Em yêu lịch sử” góp phần đưa môn học Lịch sử đến gần với các em hơn. Ðồng thời nâng cao kiến thức thực tế cho học sinh về lịch sử văn hóa địa phương, đổi mới, đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, khám phá thực tế cho học sinh.

Thùy Dương - Hồng Nga
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Các bác sĩ phối hợp, khẩn trương cứu 3 trẻ nghi ngộ độc botulinum do ăn giò lụa

Các bác sĩ phối hợp, khẩn trương cứu 3 trẻ nghi ngộ độc botulinum do ăn giò lụa

11 tháng trước

E-kip Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc BAT để giải độc cho 3 bệnh nhi nghi bị...
Tuyển tập những câu hỏi “hack não” dành cho trẻ

Tuyển tập những câu hỏi “hack não” dành cho trẻ

11 tháng trước

Mùa hè đến, các phụ huynh thường tìm cho con em mình những hình thức giải trí như đưa trẻ đi picnic, trại hè, đến các địa điểm vui chơi. Trong đó, cuộc đi chơi với những câu đố vui mà...
Khánh thành 10 nhà vệ sinh trường học: Mang điều ước tới cho em

Khánh thành 10 nhà vệ sinh trường học: Mang điều ước tới cho em

11 tháng trước

Sáng 15/5, tại Trường Tiểu học Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, Lễ khánh thành 10 “nhà vệ sinh cho em” thuộc 10 trường của tỉnh Tuyên Quang đã được Trung tâm Tình nguyện...