CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 09:00

Phòng, tránh bão lũ - bảo đảm an sinh xã hội

04/07/2018 | 09:59
 
Lũ quét bao giờ cũng kèm theo sạt lở đất, lở núi. Ảnh: Internet
 
Mới đầu mùa bão lũ, đã tổn thất nặng
 
Nhìn những cơn lũ quét tàn phá làng bản vùng núi phía Bắc, tất cả mọi người đều lo lắng. Số liệu mới nhất của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã chứng minh điều lo lắng là hiện thực. Tính đến 7h sáng ngày 28/6/2018, mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 458,7 tỷ đồng. Mới chớm vào đầu mùa mưa lũ mà chúng ta đã thiệt hại nặng nề thế này thì rất đáng lo ngại.
 
Rõ ràng, chúng ta không thể chống lại những cơn lũ quét hung dữ bất thường, cuốn phăng cả nhà cửa, cầu cống, xe cộ… Con người tỏ ra nhỏ bé và yếu đuối trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Bão lũ ngày càng trở nên khó đoán định, con người chỉ có cách nâng cao cảnh giác, tìm những nơi an toàn để sinh sống chứ không thể chống chọi lại với lũ lụt.
 
Như vậy, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều chịu thiệt hại. Trong đó, Lai Châu có số người chết nhiều nhất là 16 người, mất tích 9 người. Tiếp đến là Hà Giang có 5 người chết. Các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh cũng bị thiệt hại mỗi tỉnh 1 người. Thiệt hại về tài sản cũng rất đáng kể: 161 ngôi nhà bị đổ, trôi, hư hỏng hoàn toàn; 958 nhà bị hư hỏng từng bộ phận; 1.816 nhà bị ngập nước. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề: 799,41 ha lúa, 16,42ha mạ và 719,05 ha hoa màu bị thiệt hại; 738 con gia súc, 13.855 con gia cầm bị chết và 599,28 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: 2,00 triệu m3 đất đá đường bị sạt lở, bị tuột trượt. Nhiều tuyến đường bị tắc, nhờ nỗ lực của nhiều người mới thông trở lại.

 
Hà Giang tan hoang sau cơn lũ dữ. Ảnh: Internet
 
 Đối với thiên tai, nên “phòng, tránh” chứ không phải “phòng, chống”
 
Có vẻ như bao năm nay chúng ta nỗ lực đối phó với bão lũ nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Năm nào chúng ta cũng chịu tổn thất, năm thì ở miền Trung, năm thì ở miền Bắc, thậm chí miền Nam cũng có năm bị thiên tai gây hại nặng nề. Do vậy, có thể nói, việc biến đổi khí hậu đã tác động tới nước ta, khiến cho bão lũ diễn ra thất thường, khó dự đoán hơn, khó đối phó hơn.
 
Có lẽ cũng cần thay đổi cách đối phó với thiên tai trong “kỷ nguyên” biến đổi khí hậu. Nên bắt đầu từ việc sử dụng chữ nghĩa chính xác trong hoạt động đối phó với thiên tai. Với nạn tham nhũng, chúng ta sử dụng cụm từ “phòng, chống”; còn với bão lũ, chúng ta nên sử dụng “phòng, tránh”. Trên thực tế, chúng ta khó mà chống lại thiên tai có hiệu quả, chỉ có thể tránh để giảm bớt thiệt hại mà thôi. Vì vậy, cho đến nay vẫn dùng cụm từ “phòng, chống bão lũ” là thể hiện sự hiểu biết không sâu sắc, chủ quan và duy ý chí.
 
Khi chúng ta sử dụng cụm từ “phòng, tránh”, chúng ta nhìn nhận vấn đề theo hướng đề cao cảnh giác, ưu tiên những phương án an toàn. Ví dụ, khi thấy những làng bản ở những nơi có thể xảy ra lũ quét thì phải cương quyết di dời đến chỗ khác. Trong trường hợp này, chúng ta không thể “đắp đập, be bờ” để chống lại lũ quét được.
 
Thói quen của một bộ phận dân cư thích sống ở các thung lũng, cạnh nguồn nước cũng cần phải nghiên cứu để thay đổi. Những cơn lũ quét dồn dập những ngày tháng 6 vừa qua ở Tây Bắc lần này khác với những năm trước. Đó là do lượng mưa cấp tập trong một khoảng thời gian quá ngắn khiến mọi kinh nghiệm về việc đối phó với mưa lũ không thể phát huy tác dụng. Ví dụ, từ 19 giờ ngày 23/6 đến 7 giờ sáng ngày 25/6, nghĩa là trong khoảng 10 tiếng đồng hồ, tại Lai Châu đã có tổng lượng mưa từ 300 tới hơn 450mm. Với lượng mưa lớn như thế này, chuyện lũ quét, sạt lở, sập núi là điều không khó hiểu.
 
Nói tóm lại, hiện nay, khi người dân đối diện với rủi ro về tính mạng, chính quyền cần một hành động quyết liệt để đảm bảo an toàn sinh mạng cho dân. Việc quan trọng nhất là làm thế nào để tránh được thiên tai chứ không tìm cách chống lại nó.
 
 
Tang thương hình ảnh tìm kiếm thi thể người thiệt mạng sau cơn lũ dữ. Ảnh: Internet
 
Thiên tai có thể đe dọa ASXH
 
Trong khi chúng ta chắt chiu từng hạt thóc, cân ngô để bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho đồng bào vùng sâu, vùng xa thì một cơn lũ tràn về có thể cuốn trôi cả làng, cả bản. Lũ lụt có thể cướp đi cả vụ mùa của cả một vùng rộng lớn, đẩy hàng ngàn người vào tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà để ở. Rõ ràng, thiên tai đe dọa nghiêm trọng ASXH.
 
Muốn bảo đảm ASXH, ngoài các biện pháp phòng, tránh, chúng ta cần đẩy mạnh và tăng cường công tác cứu trợ. Hiện nay, chúng ta cần duy trì mọi hình thức cứu trợ để có thể giúp đỡ người dân bị thiên tai nhanh chóng ổn định cuộc sống.
 
Cứu trợ của Nhà nước (trích tiền từ ngân sách, lấy lương thực, đồ dùng, thiết bị… từ kho dự trữ quốc gia) rất cơ bản và rất cần thiết nên cần tổ chức điều hành cho ngày càng có hiệu quả hơn. Việc cán bộ và công nhân viên chức thường quyên góp một ngày lương để ủng hộ đồng bào chịu thiên tai cũng nên duy trì và phát động thường xuyên. 
 
Ngoài ra, cần khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân cứu trợ trực tiếp cho bà con chịu thiên tai. Những năm gần đây, khi lũ lụt gây tổn thất nặng nề cho bà con ở bất cứ nơi nào, khi có thông tin chính xác, nhiều người tự nguyện bỏ tiền của mình ra, đồng thời quyên góp của người khác để trực tiếp mang đến cho người gặp nạn. Hoạt động này rất đáng hoan nghênh, cần được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Báo chí cũng nên ủng hộ những hoạt động này bằng cách ca ngợi những con người có tấm lòng như vậy.
 
Bảo đảm ASXH là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Việc này cần phải được thực hiện thông suốt, có hiệu quả để đặt tiền đề cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước. Do vậy, việc phòng, tránh thiên tai phải được xem là một khâu quan trọng trong chiến lược bảo đảm ASXH.
 
Dự báo thời tiết cần chính xác hơn
 
Ai cũng biết công tác dự báo thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng, tránh thiên tai. Ấy thế mà thời gian gần đây, công tác này có biểu hiện thiếu chính xác.
 
Công tác dự báo thời tiết có hẳn những đơn vị phụ trách các địa bàn trên khắp cả nước. Về mặt tổ chức, có vẻ như khá đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, về trang thiết bị hình như còn hạn chế nên việc dự báo chưa như mong muốn. Vì vậy, tôi đề nghị cần tăng cường cho công tác dự báo thời tiết (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) trên hai lĩnh vực: chuyên gia và trang thiết bị.
 
Chúng ta cần có những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Nếu ở Việt Nam chưa đào tạo được, chúng ta sẵn sàng bỏ tiền ra để đào tạo ở nước ngoài. Đây là việc cần thiết, không cần phải tính toán chi li trong lĩnh vực này.
 
Khi đã có chuyên gia giỏi, cần có những thiết bị hiện đại. Việc này cũng cần đến tiền và chúng ta cũng nên sẵn sàng chi. Việc dự báo đúng đường đi của một cơn bão sẽ có lợi vô cùng lớn. Điều này đã được thực tế chứng minh rồi.
 
Nhu cầu chính xác trong dự báo thời tiết hiện nay là có thực, dân rất cần điều này. Vì vậy, các cơ quan chức năng, từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành cần quan tâm để việc dự báo thời tiết chính xác hơn. 
 
Đây là mong muốn của nhiều người, đặc biệt là những người dân sống ở vùng núi và vùng biển.
 
                                                  Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...