THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 04:39

Quan tâm không phải khi nào cũng tốt!

06/07/2019 | 09:31

Cảng cá Quy Nhơn. 
 
Quan tâm đến dân biển là tốt, nhưng phải đúng
 
Việt Nam có trên 3.250km bờ biển với hàng triệu người sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như cho vay vốn ưu đãi để đóng tàu, thuyền; thành lập lực lượng kiểm ngư để quản lý và hướng dẫn việc đánh bắt hiệu quả; có nhiều biện pháp tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản… Mới đây, để bảo vệ an toàn cho những người đi biển, Bộ NN&PTNT có đưa ra quy định tàu thuyền dài dưới 15m không được ra vùng khơi đánh bắt hải sản.
 
Ai cũng hiểu đây là một quy định với mục đích tốt, nhưng nó không phù hợp với thực tế cuộc sống. Hiện nay, ngư dân ở vùng biển sở hữu hàng chục ngàn con tàu có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên nhưng chiều dài lại dưới 15m. Theo quy định của Bộ NN&PTNT thì những con tàu này đành phải nằm bờ vì vùng lộng (gần đất liền) đã cạn kiệt nguồn hải sản. Nếu những con tàu này không được phép ra vùng khơi, họ chọn cách nằm bờ để khỏi phải mất công, mất tiền xăng dầu mà không có thu nhập gì đáng kể.
 
Trước tình hình này, một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung như Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã đề nghị cho phép các tàu này được tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi đến khi giấy phép cũ hết thời hạn. Sau đấy, một số tàu thuyền có thể hoàn cải chức năng hoặc cơi nới thêm để bảo đảm đúng quy định.


Những con tàu nằm bờ. 
 
Ngư dân hiểu biển cả và tàu thuyền hơn ai hết
 
Nếu có tàu thuyền dài rộng với máy móc hiện đại thì tuyệt vời rồi. Song, tất cả những cái đó lại liên quan đến tiền bạc, mà ngư dân lại không sẵn tiền; thậm chí, học phải “cắm” sổ đỏ ở ngân hàng để vay tiền đóng tàu, thuyền. Khổ nỗi, nhà cửa của họ cũng không đủ to, đủ đẹp để có thể vay được nhiều tiền, vì thế họ tạm hài lòng với những con tàu gỗ nhỏ.
 
Tuy nhiên, không ai hiểu rõ tàu, thuyền và biển hơn những người ngư dân dạn dày sóng nước. Họ biết tàu thuyền loại nào, vào mùa nào thì có thể đánh bắt ở ngư trường nào. Xưa đến nay, đại đa số tàu thuyền gặp nạn đều do bão gió, chết máy, bị tàu hàng đâm phải chứ có mấy tàu gặp nạn vì bé nhỏ mà ra khơi?!
 
Nghề cá là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, bấp bênh… Hiện nay, nhân lực cho nghề này đang trở nên khan hiếm vì cánh trẻ muốn tìm nghề khác có tương lai hơn. Do vậy, cần phải tạo điều kiện để ngư dân bám biển. Ngoài việc mưu sinh, ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước hết, hãy nghe ngư dân nói tình hình và nguyện vọng của mình, rồi dựa vào đấy mà đưa ra quy định.
 

Đàm Trọng/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...