THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 02:07

Quặn thắt nỗi đau, mối lo cháy nổ

30/03/2018 | 13:41
 
Hình ảnh giải cứu cháu bé trong vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh Internet
 
Vụ hỏa hoạn ác nghiệt lúc nửa đêm
 
Sáng ngày 23/3, nhiều người bàng hoàng khi biết tin khoảng 1h30 phút, cháy chung cư cao cấp ở TP.HCM, 13 người chết, 28 người bị thương, 150 xe máy, 13 ô tô cháy rụi và hư hỏng. Được biết, ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ tầng hầm giữ xe tại Block A chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP.HCM) sau đó lan rộng ra. Khu chung cư Carina Plaza là một chung cư cao cấp, đã đuợc đưa vào sử dụng từ năm 2011. Khu chung cư này được xây dựng trên thửa đất có diện tích gần 20.000m2, mật độ xây dựng 40%, gồm 3 khu nhà cao từ 15 đến 21 tầng với 736 căn hộ. Đây là một phần trong tổng thể dự án quy mô lớn hơn 4.000 căn hộ hiện đại dọc theo Đại lộ Đông Tây.
 
Những con số lạnh lùng về thiệt hại không nói lên được mức kinh hoàng của vụ cháy. Đó là việc khói bốc lên mù mịt, tràn vào các căn hộ mà chủ nhân của chúng đang thiêm thiếp giấc nồng. Thế là hoảng loạn, hàng trăm người khóc kêu cứu trong đêm. Người ta buộc chăn, rèm, quần áo lại với nhau để mong thoát thân qua cửa sổ (một người trượt chân, rơi từ tầng 19 xuống đất, tử vong). Nhiều người thoát nạn, mặt mũi lấm lem, có cảm giác như “chết đi, sống lại”.
 
May mắn là lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của thành phố phản ứng rất nhanh, huy động ngay 34 xe chữa cháy chuyên dụng và hơn 200 cán bộ chiến sĩ đến tham gia chữa cháy; hàng chục xe cứu thương cũng được huy động đến hiện trường để ứng cứu người bị nạn. Do đó, thiệt hại đã được giảm bớt đáng kể.
 
Đến gần 4 giờ sáng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ “quần thảo” với đám cháy, lực lượng chức năng mới khống chế được ngọn lửa. Lúc này mới có điều kiện quan tâm đầy đủ đến các nạn nhân, thi thể của người chết được đưa ra, những người bị thương được cấp cứu tích cực. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 6 nạn nhân là trẻ em. Hàng trăm người, trong đó có nhiều trẻ em vạ vật bên ngoài tòa nhà, nhiều người vẫn trong tình trạng hoảng loạn.
 
Tính chung năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
 
Cháy chung cư  - Thảm họa được báo trước!
 
Trong hơn chục năm trở lại đây, hàng loạt chung cư cao tầng nhanh chóng mọc lên ở khắp mọi nơi, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Vinh, Thanh Hóa, Bình Dương, Bắc Ninh… Nhà cao tầng san sát, nhìn rất sướng mắt, sinh sống ở đó có khi cũng sướng.
Song, các chuyên gia trong lĩnh vực PCCC dễ dàng chỉ ra những khiếm khuyết chết người của chung cư cao tầng. 
 
Về nguyên tắc, với các nhà cao tầng, cần phải đảm bảo an toàn PCCC ở mức độ cao với phương châm tự cứu là chính. Ấy thế mà 93,8% thang bộ thoát nạn chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Với chung cư cao tầng, vấn đề chống tụ khói cần được đặt lên hàng đầu, bởi vì trường hợp cháy nhà cao tầng, người chết do tác động của khói là chính. Chỉ vài chục giây hít ngửi khói (nhất là khói có nhiều thành phần độc tố do cháy vật liệu tổng hợp), tối đa là ba phút, là con người đã bị choáng, ngất, mất khả năng di chuyển. Các chuyên gia cũng cho biết, vào thời điểm này, tỉ lệ nhà cao tầng không đáp ứng được hệ thống chống tụ khói còn khá nhiều.
 
Tầng hầm để ô tô, xe máy là nơi có nguy cơ xảy ra cháy nhiều nhất (thực tế có nhiều vụ cháy bắt đầu từ đây). Nhưng theo điều tra năm 2006, có tới 63,7% tầng hầm chung cư chưa đáp ứng tiêu chuẩn chống tụ khói.
 
Nguy cơ cháy từ ống đổ rác cũng rất cao vì chưa có biện pháp ngăn ngừa người vứt chất dễ cháy vào rác. Rồi việc các ống đổ rác ở chung cư hiện nay ít đảm bảo các yêu cầu về chống tụ khói. Ống đổ rác đạt tiêu chuẩn phải làm bằng vật liệu không cháy và phải có lỗ thoát khí. Trong khi đó ở Việt Nam, đại đa số ống đổ rác vừa dễ cháy, vừa không có lỗ thoát khí nên nếu cháy, “hiệu ứng ống khói” sẽ xảy ra; nghĩa là khi cháy, nhiệt độ ở những tầng dưới chỉ 200 - 300 độ C, nhưng các tầng phía trên ống đã tới 700 – 800 độ C.
 
Ngoài ra, các phương tiện chữa cháy ở tầng cao của chúng ta hiện nay đang rất hạn chế. Thực tế, thang chữa cháy cao nhất của chúng ta hiện nay chỉ dài 56 mét, nghĩa là chỉ vươn tới được tầng 16 – 18 là cao nhất. Từ tầng 19 trở lên, chúng ta gần như đang bất lực. Đã có đề xuất nhập khẩu thang dài 73 mét nhưng không khả thi vì cơ sở hạ tầng của chúng ta không bảo đảm cho những phương tiện kỹ thuật như vậy di chuyển và hoạt động.
 
Điểm qua một số nét như vậy để thấy việc cháy chung cư là thảm họa đã được báo trước. Chỉ có điều, chúng ta (cả người xây dựng, người quản lý, người sử dụng) vẫn ngu ngơ, hoặc cố tình tỏ ra ngu ngơ để phớt lờ thảm họa này.

 
 Hiện trường tan hoang sau vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh Internet
 
Làm thế nào để bớt đi nỗi đau và mối lo?
 
Những vụ hỏa hoạn chết nhiều người vẫn làm chúng ta đau nhói. Đấy là vụ hỏa hoạn ITC (ITC viết tắt của International Trade Center - Trung tâm Thương mại Quốc tế) tại TP.HCM xảy ra vào ngày 29 tháng 10 năm 2002 đã cướp đi sinh mạng 60 người (được công bố, còn dư luận thì rì rầm là hơn 200 người), làm 70 người khác bị thương.
 
Vụ cháy xảy ra vào ngày 1/11/2016 ở quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người chết. Khoảng 1h ngày 26/2/2017, đã xảy ra một vụ cháy tại một con hẻm trên đường 30/4 - phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương khiến 4 người tử vong. Vào lúc 0h20 ngày 12/3/2017, một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại cơ sở kinh doanh trại hòm số 1686 đường tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) khiến 4 người tử vong. Ngày 29/7/2017, cháy xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức – Hà Nội làm 8 người chết, 2 người bị thương. Và mới nhất là vụ cháy xảy ra vào lúc 1h30 ngày 23/3/2018 tại chung cư cao cấp Carina Plaza TP.HCM làm chết 13 người, bị thương 28 người. 
Không chỉ gia đình, người thân của những người quá cố đau đớn, xót xa mà tất cả chúng ta đều thấy mất mát, đau buồn. Bên cạnh nỗi đau là mối lo vẫn canh cánh vì không ai biết trước là hỏa hoạn sẽ bùng phát ở chỗ nào!?
 
Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ rất nhiều, do bất cẩn trong việc hàn xì, do thắp hương, do đốt rác, do hút thuốc, do chập điện, do trả thù cá nhân… Thật sự là không biết làm thế nào để mối lo có thể vơi đi?!
 
PCCC đã trở thành một cụm từ quen thuộc nhưng có lẽ việc phòng cháy chưa được chúng ta quan tâm đúng mực. Chữa cháy là trách nhiệm của lực lượng chức năng, còn phòng cháy là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vậy chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm phòng cháy hàng ngày.
                                                                   
 
Trực thăng  Ka-32A11BC
Cần mua trực thăng cứu hỏa
 
Trong 4 loại tai họa, có lẽ chúng ta chi tiền chống giặc (tặc) nhiều nhất. Điều này là hợp lý thôi nhưng cũng nên quan tâm hơn nữa đến việc mua sắm thiết bị chống cháy (hỏa).
 
Việc mua trực thăng cứu hỏa đã được nhắc tới, bàn luận từ lâu. Tuy nhiên, khi Cảnh sát PCCC TP.HCM đề xuất phương án mua trực thăng chữa cháy hiện đại với đơn giá có thể lên tới 1.000 tỷ đồng/chiếc thì nhiều người khiếp và mất hứng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới như Áo, Azerbaijan, Brazil, Canada, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Úc... vẫn tin dùng loại trực thăng Ka-32A11BC – được xem là loại trực thăng chữa cháy tốt nhất thế giới...
 
Trực thăng Ka-32A11BC do một hãng trực thăng của Nga sản xuất, đã chứng tỏ được năng lực của mình khi dập lửa và cứu hộ thành công những người bị mắc kẹt trên tầng 66 và 67 của tòa tháp Vostok - Tổ hợp trung tâm thương mại cao nhất Châu Âu ở Moskva vào năm 2012. 
 
Giá cả của loại trực thăng này cũng không đến nỗi quá “chát”. Theo đánh giá của trang thông tin thị trường máy bay trực thăng unavia.ru (Nga), đơn giá ban đầu đối với mỗi chiếc trực thăng Ka-32A11BC vào khoảng từ 10-15 triệu USD (230-350 tỷ đồng/chiếc), tùy theo lựa chọn thiết bị đi kèm và các dịch vụ khác.
 
Như vậy, về giá cả là có thể chấp nhận được. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm không? Thực tế là chúng ta đã rất cần trực thăng cứu hỏa vì số lượng nhà cao tầng ở Việt Nam ngày càng nhiều, hỏa hoạn xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
 
                                                          Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...