THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 09:28

Quyền có chỗ ở là thiêng liêng

17/05/2019 | 16:10
 
Chuyện buồn ở Phú Quốc
 
Báo chí đưa tin: Ngày 8/4/2019, ông Trần Văn Sáng (ngụ ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) bị một nhóm khoảng 20 người đến dọn đồ, đuổi cả gia đình ông Sáng ra ngoài. Điều đáng nói là công an xã Dương Tơ có mặt ở đó nhưng chỉ để giữ trật tự, không có biện pháp can thiệp, ngăn chặn việc những người lạ đuổi gia chủ ra khỏi nhà.
 
Nếu đúng như báo chí phản ánh thì đây là câu chuyện buồn ở 2 phương diện: 1. Chắc chủ nhà Trần Văn Sáng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần gì đó nên mới bị đuổi ra khỏi ngôi nhà của chính mình; 2. Hình như công an không làm tròn trách nhiệm của mình là làm rõ bản chất vụ việc, không ngăn chặn được việc vi phạm pháp luật. Luật pháp quy định: Không ai có quyền tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự (các bên liên quan tự thỏa thuận với nhau, không có sự phán quyết của tòa án) khi chưa có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực.
Ở đây, cho dù ông Trần Văn Sáng có thỏa thuận với ai đó là “giao nhà để trừ nợ” thì người đó cũng không thể tùy tiện đến lấy nhà, đuổi cả gia đình chủ nhà ra vỉa hè. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã khẳng định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…” (Điều 32) và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59). Quyền có nơi ở hợp pháp là quyền cơ bản của công dân, vì vậy, quyền này phải được tôn trọng trong bất kỳ trường hợp nào.
 

Cảnh gia đình ông Trần Văn Sáng bị khiêng đồ, đuổi ra khỏi nhà. Ảnh Internet
 Tất cả mọi người cần phải biết rằng, quyền có chỗ ở là quyền thiêng liêng của con người đã được ghi vào Hiến pháp 2013 của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Thực tế đang diễn ra như thế nào?
 
Cũng theo phản ánh của báo chí, Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc xác nhận có sự việc như vậy, ông đang chỉ đạo điều tra, làm rõ. Theo ông Mót, vào ngày 10/4/2019 (sau 2 ngày bị đuổi ra khỏi nhà), ông Trần Văn Sáng có đơn tố giác một nhóm người do hai ông Bùi Minh Tuấn và Bùi Văn Công dẫn đầu đã xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của ông. Đơn đã gửi tới công an nhưng vẫn chưa được giải quyết. Sau 1 tháng, nghĩa là  vào ngày 10/5/2019, ông Trần Văn Sáng cùng vợ và 3 con phải che bạt ở phía trước cổng nhà và liên tục viết đơn kêu cứu. 
 
Vụ việc ở Phú Quốc phải được giải quyết đúng trình tự của pháp luật, một khi công an đã nắm được bản chất vấn đề thì cần giải quyết nhanh. Đại tá Mót khẳng định đang thụ lý giải quyết cả hai việc: Đơn tố giác tội xâm phạm chỗ ở người khác và tố cáo Công an xã Dương Tơ thấy sự việc vi phạm mà không ngăn chặn theo quy định của pháp luật cũng như đạo lý của xã hội (thấy gia chủ bị bắt nạt, bị đuổi ra khỏi nhà mà không can thiệp).
 
Thật ra, ở đây còn có thêm vụ việc là ông Sáng vay nợ và thỏa thuận giải quyết nợ trong 10 ngày.

Hình ảnh cắt từ clip quay cảnh Công an xã đến chứng kiến giữ trật tự. Ảnh Internet
 
Trong bất kỳ trường hợp nào, gia đình ông Sáng cũng phải có chỗ ở
 
Việc gia đình ông Sáng bị đuổi ra khỏi nhà mình có liên quan đến nợ nần. Tuy nhiên, Đại tá Mót khẳng định: Dù bất cứ lý do gì, việc người không có thẩm quyền mà dùng áp lực đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ là vi phạm pháp luật. Điều này là chính xác. Vì vậy, trước hết phải xử lý những người vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, khôi phục quyền có chỗ ở cho gia đình ông Sáng, nghĩa là trước mắt, họ phải được vào lại ngôi nhà của mình chứ không phải vạ vật trước cổng.
 
Bước tiếp theo là làm rõ trách nhiệm của công an xã Dương Tơ: Tại sao họ chứng kiến việc vi phạm pháp luật mà không can thiệp? Họ có hiểu pháp luật đã quy định là “không ai có quyền cưỡng chế buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự khi chưa có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực” không? Nếu chưa hiểu thì phải học lại để hiểu.
 
Bước thứ ba là việc ông Sáng thỏa thuận “giao nhà cấn trừ nợ” với các chủ nợ. Đây là giao dịch dân sự liên quan đến nhà ở. Tại điểm d, Khoản 1, Điều 10 Luật Nhà ở, chủ sở hữu có các quyền: “Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở”. Vậy phải xác định “giao nhà cấn trừ nợ” thuộc nội dung nào? Có lẽ ở đây gần phù hợp với nội dung “bán”, hoặc “ủy quyền quản lý nhà ở”.  
 
Để giải quyết vấn đề này, chắc chắn là phải có sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì phải mang ra tòa giải quyết. Tuy nhiên, dù giải quyết như thế nào thì gia đình ông Sáng vẫn phải có chỗ ở, vì quyền có nơi ở hợp pháp đã được hiến định trong Hiến pháp 2013. Quyền có chỗ ở là quyền thiêng liêng của con người, không ai có quyền xâm phạm.
 
Chúng tôi mong rằng, vụ việc ở Phú Quốc, hoặc vụ việc tương tự xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng phải dựa vào luật pháp để giải quyết – dù giải quyết như thế nào cũng không ai có quyền tước đoạt quyền có chỗ ở của công dân.
 
                                                
                                                                             
 

 

Trần Nghiêm/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...