CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 05:40

Rác thải và thông điệp về môi trường

09/08/2019 | 11:07
 
Ký ức một vùng đất bị công nghiệp hóa xóa dần
 
Có đến gần 30 năm tôi mới trở lại Tiên Du (Bắc Ninh) - vùng đất điển hình cho chiều sâu văn hóa lịch sử của Kinh Bắc. Có thể nói, ở bất cứ thôn xã nào, người ta cũng có thể tìm thấy những di tích. Hơn cả một địa tầng văn hóa thấm đẫm vào trong đời sống dân gian, ký ức một vùng đất văn hiến bừng sáng, với những làng quê thuần hậu, lũy tre, đồng ruộng, ao hồ, bến bãi… Nhưng, ký ức giản dị ấy như chìm vào giấc mộng, ruộng đồng thu hẹp dần vì dành đất cho khu công nghiệp. Việc hình thành và phát triển khu công nghiệp kéo theo hàng nghìn, hàng vạn công nhân tới, đông hơn cả dân làng, lại còn gia đình họ theo cùng. Làng nay đã như phố, thu nhập của người dân tăng cao, nhưng đổi lại, người dân xung quanh khu công nghiệp Tiên Du đang trăn trở, bức xúc, chịu sức ép từ vấn nạn rác thải gây ra. Dân số cơ học tăng cao đột biến, làm cho rác thải sinh hoạt mỗi ngày một nhiều hơn. Người nông dân bớt đi nỗi lo thiếu thốn cơm áo, thậm chí đã nhà cao cửa rộng, nhưng phải gánh nỗi hoảng hốt về môi trường. Đâu đâu cũng thấy bãi rác chất cao và kéo dài trên các kênh mương, bờ ruộng, vườn, các đoạn đường liên thôn, liên xã.
 
Ô nhiễm môi trường là nỗi bức xúc nhất của người dân với chung một nguyên nhân, do các công ty, nhà máy đổ dồn về đất này xây dựng sản xuất với hàng chục nghìn công nhân đến sinh sống, kéo theo đó là các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, giải trí rất đông đúc. Từ đó, rác thải sinh hoạt thừa từ các công ty, nhà hàng lẫn với rác thải xây dựng không được thu gom xử lý, vứt bừa bãi ra ngoài môi trường gây ô nhiễm ngày càng trầm trọng. 
 

Rác thải ùn ứ tại thôn Đại Trung.

 Con đường rác thải

 
Nhiều năm qua, người dân thôn Đại Trung (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) không còn con đường liên thôn theo đúng nghĩa. Rác thải được đổ tràn khỏi bãi rác tập trung, nằm dọc hai bên con đường liên thôn dài chừng 1km và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân quanh khu vực.
 
Người dân ở gần điểm tập kết rác phải sống trong sự bủa vây của rác và mùi xú uế. Những hôm đốt rác hay sau cơn mưa, nhiều nhà phải đóng chặt cửa để tránh mùi hôi và ruồi muỗi xộc đến. Bãi rác nằm bên hành lang nghĩa địa, mỗi khi nhà ai có đám hiếu, gia đình đó tự bỏ tiền thuê máy xúc về dọn gọn rác để lấy đường đi vào nghĩa địa. Có lần, có nhà không kịp dọn, phải đi vòng qua đường làng khác. Người dân khốn đốn vì rác, cả chính quyền lẫn người dân vào cuộc nhưng vẫn không xử lý được lượng rác khổng lồ đổ ra mỗi ngày. 
 
 Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng thừa nhận tình trạng quá tải rác thải đang diễn ra trên địa bàn và cho biết, hiện chính quyền vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Hiện nay, ngoài việc để tạm rác thải ở hai bên đường thì người dân cũng không biết để đâu. Mỗi thôn trong xã đều có điểm tập kết rác nhưng đều trong tình trạng quá tải. Lượng rác mỗi ngày phát sinh lớn, trong khi điểm tập kết, chôn lấp lại quá nhỏ. Xã đã nhiều lần có ý kiến với huyện, nhưng bản thân vấn đề xử lý rác thải ở huyện Tiên Du cũng gặp nhiều khó khăn. Huyện cũng không biết chở rác đi đâu nên việc tồn đọng là điều khó tránh khỏi. 
 
Ông Lâm cho biết thêm, diện tích này được quy hoạch cho 2.000 dân cư đổ rác sinh hoạt trước khi chuyển đi xử lý. Nhưng đến nay, dân cư trong xã tăng lên đến 13.000 và cũng chừng 13.000 người đăng ký tạm trú, tổng số lên đến 26.000 người. Vì vậy, lượng rác thải hằng ngày là rất lớn và diện tích của bãi trung chuyển đã không còn đáp ứng được.
 
Lượng “dân di cư” đổ về ngày càng đông, đồng nghĩa với việc núi rác thải càng được chất cao. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do ý thức của người dân.  Phần lớn cư dân chưa nắm rõ qui trình và chưa thực thi đúng quy định phân loại, xử lý rác. Theo phản ánh của người dân, tình trạng đổ trộm rác từ các làng khác và từ các công ty cũng góp phần khiến cho lượng rác tăng lên.
 
Trong quá trình tìm hướng khắc phục thực trạng bãi rác thải quá tải, UBND xã Đại Đồng đã lên kế hoạch tìm một vị trí đổ thải mới, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do người dân tại khu vực đó phản đối, không muốn cho đổ rác. Mà hiện tại, quỹ đất ở xã rất hạn hẹp, hầu như không còn chỗ để quy hoạch. 


Khu công nghiệp ở xã Đại Đồng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh).
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy: Từ trước tới nay, rác thải sau khi tập trung lại thì sẽ được xe của Công ty Môi trường Tân Trường Lộc chở đi xử lý. Từ năm 2018 trở về trước, mỗi ngày có 2 xe đến chở rác. Đến năm 2019, chỉ còn 1 xe và khoảng 2 tuần nay thì không thấy xe đến nữa. Xã đã liên lạc với Công ty Môi trường Tân Trường Lộc với mong muốn tăng cường xe đến chuyên chở rác, nhưng phía công ty trả lời là đã hợp đồng với huyện hạn mức xe trong ngày và đến nay thì do chưa có hợp đồng mới nên dừng xe chở rác tại xã. Ngay trong thời điểm có 2 chuyến xe rác mỗi ngày, tương đương với khoảng 15 tấn rác được chở đi xử lý, thì cũng vẫn còn tồn đọng rác. Đã có lần xã chủ động liên hệ thêm công ty môi trường khác hỗ trợ nhưng các công ty này đều từ chối với lý do ở xa, nếu hợp đồng xử lý rác thì phí dịch vụ sẽ đội lên rất cao, mà ngân sách xã thì không có.
 
Về kế hoạch khắc phục và giải quyết tình trạng ô nhiễm trong thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Định khẳng định: Chủ trương của huyện là xây dựng 8 điểm xử lý rác tại chỗ bằng công nghệ đốt. Rất may mắn là xã Đại Đồng được phê duyệt 1 điểm xử lý rác. Hiện các ban, ngành của huyện đã khảo sát và thông qua vị trí đặt nhà máy tại xã. Kế hoạch là sẽ hoàn thành thật nhanh các giấy tờ để triển khai xây dựng, hy vọng hết năm 2019, nhà máy có thể đi vào hoạt động. Còn hiện tại, hướng xử trí khắc phục của xã vẫn chỉ dừng lại ở vận động bà con tập trung rác tại đúng điểm và tổ chức đốt tại chỗ.
 
Chúng tôi liên hệ và được biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nắm được tình hình ô nhiễm rác sinh hoạt tại xã Đại Đồng. Về mặt chủ trương của tỉnh, sẽ xây dựng các nhà máy đốt rác tại chỗ và đã giao về huyện Tiên Du xây dựng, triển khai kế hoạch.

 Lượng “dân di cư” đổ về ngày càng đông, đồng nghĩa với việc núi rác thải ngày càng được chất cao. Một nguyên nhân khác là do phần lớn cư dân chưa nắm rõ qui trình và chưa thực thi đúng quy định phân loại, xử lý rác. Theo phản ánh của người dân, tình trạng đổ trộm rác từ các làng khác và từ các công ty cũng góp phần khiến cho lượng rác tăng lên.
 

Minh Hồng/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...