THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:53

Sách Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại lại gây tranh luận

01/09/2018 | 15:20

 
Một tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1. Ảnh minh họa

Một tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1. Ảnh minh họa

Muốn dạy con, phụ huynh phải kết hợp với cô giáo

Hiện nay, Chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được triển khai đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 1 tại nhiều địa phương. Trước khi đưa vào triển khai trong trường học, giáo trình này được đánh giá sẽ giúp học sinh nắm vững luật chính tả và khả năng nghe đọc tốt hơn sách giáo khoa hiện hành. Theo đó, khi triển khai vào khối 1 tiểu học, điều khác biệt đầu tiên của chương trình này là cách đánh vần. Điển hình các vần “c, k, qu” đều đọc là “cờ” khiến các bậc phụ huynh vốn được học từ nền giáo dục cũ hoang mang, rối bời.

Tại Hải Phòng, Chương trình có cách đánh vần “lạ” nói trên trong mấy năm qua cũng đón nhận những ý kiến trái chiều từ phía các bậc phụ huynh. Chị Trương Thị Hương có con vừa bước vào lớp 1 Trường tiểu học Đồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) băn khoăn: “Hơn tuần nay tôi thấy các phụ huynh trong lớp bàn tán, hỏi nhau về việc sách Tiếng Việt kiểu công nghệ giáo dục sao lạ và lủng củng thế. Điều này làm tôi hoang mang, không biết dạy kèm con học kiểu gì. Nhưng sau khi hỏi cô giáo chủ nhiệm và được hướng dẫn cơ bản chương trình này thì tôi hiểu, vấn đề không quá phức tạp như những gì phụ huynh đang lo lắng”.

Cũng như chị Hương, chị Nguyễn Thị Nguyệt có con học tại lớp 1A2 Trường tiểu học Hà Lầm (TPHạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Năm nay cháu bắt đầu vào lớp 1 thấy Chương trình Công nghệ giáo dục có thay đổi về cách đánh vần, tôi thấy không có gì bất ngờ và hoang mang. Ở mẫu giáo, cháu đã được các cô dạy đọc như vậy nên khi vào lớp 1 không có gì bỡ ngỡ. Bản thân tôi ngày xưa được học cách đọc khác bây giờ nhưng tôi đã được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn cập nhật cách đọc mới để về kèm cặp các con. Nếu phụ huynh gặp khó khăn trong việc dạy các con cần chịu khó tìm hiểu và phối hợp với cô giáo chủ nhiệm thì vấn đề cũng sẽ được tháo gỡ”.

Bé Nguyễn Chúc Linh, năm nay học lớp 2 Trường tiểu học C.V. A (Hải Phòng) lại hào hứng cho biết: “Cháu thấy có gì lạ đâu mà mọi người cứ hỏi có khó đọc không, có khó viết không? Cô dạy chúng cháu cách đọc, rồi cô đọc chúng cháu viết được luôn không cần mở sách chép. Chỉ có các bác là thấy lạ, còn chúng cháu thấy bình thường ạ”.


Ảnh: Soha cắt từ clip

Ảnh: Soha cắt từ clip

Học sinh nắm vững luật chính tả, giáo viên than chương trình dài

Chia sẻ về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, cô giáo Lê Thị Th (Trường tiểu học Đ.H, Hải Phòng) cho biết: Khách quan mà nói, chương trình của GS Hồ Ngọc Đại có ưu điểm giúp học sinh nắm luật chính tả tốt, khả năng nghe đọc tốt. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, đối với học sinh tiếp thu tốt thì việc học này khá thuận lợi; ngược lại, với nhiều học sinh tiếp thu chậm thì đây là một vấn đề khó. Nhược điểm của Chương trình Công nghệ giáo dục là lượng bài dài. Cụ thể, giáo viên phải thực hiện đúng, đủ 4 điểm trong 1 bài dạy: Nắm ngữ âm – Tập viết - Đọc bảng / sách - Viết chính tả. Điều này gây khó cho giáo viên đứng lớp và cả học sinh vì bài quá dài mà thời lượng thì ít.

Cô giáo Đinh Thị M (ở Hải Phòng), người có kinh nghiệm đứng lớp 1 suốt 20 năm qua cho hay: Thực ra, giáo trình của GS Hồ Ngọc Đại có khác nhiều so với SGK hiện hành ở cách luyện vần. Ưu điểm là học sinh nhanh biết đọc hơn, nắm vững luật chính tả, khả năng viết tốt hơn, vốn từ phong phú hơn. Ví dụ, cùng một từ “Cu” nhưng khi ghép với các thanh thì các em vận dụng được ra các từ khác nhau như Cu, Cú, Cụ, Cù... mà không phải tái luyện lại C-U/Cu + sắc = Cú mà chỉ cần ghép từ với âm sắc thành tiếng Cú. Nói tóm lại, giáo trình này không có gì quá phức tạp như những gì mà phụ huynh đang chia sẻ trên các cộng đồng mạng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội xung quanh những tranh cãi về giáo trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, một nhà quản lý chuyên ngành Giáo dục tiểu học ở Hải Phòng cho hay: Nếu SGK hiện hành tuân thủ 4 điểm theo thứ tự: Giới thiệu âm (vần) mới – Đọc - Tập chép - Luyện nói (không có nghe viết) thì với SGK của GS Hồ Ngọc Đại 4 điểm thứ tự sẽ là: Chiếm lĩnh ngữ âm – Tập viết – Đọc – Nghe viết. Khi học theo SGK này, học sinh được học lồng ghép luôn vừa đọc vừa viết mà không phải nhìn bảng, sách chép lại như SGK hiện hành.

 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Soha)

Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Soha)

“Qua kiểm tra, khảo sát khi triển khai giảng dạy theo SGK Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, chúng tôi nhận thấy phương pháp này giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức tốt hơn, hạn chế được rất nhiều phát âm lệch như “n”, “l”... Khi kết thúc năm học lớp 1, chất lượng đọc thông viết thạo và phát âm chuẩn của học sinh còn vượt chuẩn so với qui định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, kỹ năng viết của các em tốt hơn hẳn vì trong quá trình học được lồng ghép học luật chính tả”, nhà quản lý giáo dục tiểu học chia sẻ.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn các vị phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 cách đánh vần, các từ “k”, “qu” đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn” khiến nhiều người nhầm tưởng đây là chương trình mới. Tuy nhiên, đây là cách đánh vần theo Chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, chương trình đã được triển khai tại một số trường học trên phạm vi cả nước trong những năm gần đây. Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, trong Chương trình Tiếng Việt lớp 1 tới đây không áp dụng cách đánh vần tiếng Việt như sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

 

Theo Minh Lý – Minh Thư/GiadinhNet

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...