THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 08:25

Sẽ mở rộng khoán xe công

26/05/2018 | 17:41

Xác định mức bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi

Việc thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện dẫn đến việc các dự án đầu tư công bị đội vốn, tăng vốn rất nhiều so với mức đầu tư ban đầu… Giải đáp về vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc đối với các dự án đầu tư bị "đội vốn", tăng vốn rất nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc giảm tốc độ tăng nợ công, cùng với duy trì tốt tốc độ tăng trưởng, kiểm soát và giảm dần bội chi ngân sách. Tỷ lệ nợ công/GDP, tính đến cuối năm 2017 đã giảm.

Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Võ Thành Hưng

Dư nợ công đến năm 2017 ở mức 61,4%GDP (năm 2016 là 63,8%GDP), nợ Chính phủ ở mức 51,8%GDP (năm 2016 là 52,8%GDP), trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng đã giảm, hiện bằng khoảng 9% GDP từ mức khoảng gần 12% trong một số năm qua.

Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết thêm, thời gian tới, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách còn cao (năm 2018 là 3,7%GDP) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài.

Để thực hiện việc huy động vốn trong bối cảnh kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoàicủa quốc gia, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 06 nghị định, các nghị định này đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ, dự kiến ban hành trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, đảm bảo thực thi từ 1/7/2018.

Đầu tư từ nguồn vốn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa để từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá.

Tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ công cần đảm bảo dư địa dự phòng rủi ro tiềm ẩn.

Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (hạn mức được Quốc hội quy định không quá 300 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016-2020).

Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm dư nợ Chính phủ, nợ công.

Chủ động cân đối nguồn vốn vay trong và ngoài nước theo hướng tối ưu hóa chi phí vay trước bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không còn khả năng tiếp cận vốn vay ODA với ưu đãi cao như trước đây.

Cần chế tài mạnh

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.

Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Lê Tuấn Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc "đội vốn". Với các nguyên nhân khách quan, theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.

Song nhìn chung là do chất lượng ở khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án). Chất lượng thẩm định không cao hay như khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...). Đặc biệt, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.

Để ngăn chặn được tình trạng này, ông Lê Tuấn Anh cho rằng, phải tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư, giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh...

Khẩn trương ban hành định mức sử dụng diện tích chuyên dùng

Về quản lý trụ sở, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã đạt được những kết quả quan trọng như nắm được tổng thể trụ sở làm việc, tổng số nhà, đất đã được phê duyệt phương án là 128.256 cơ sở nhà, đất với diện tích đất là 1.989.813.742 m2, diện tích nhà là 118.202.686 m2.

Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng là 117.579 cơ sở, chuyển giao chính sách nhà ở, đất ở là 621 cơ sở, điều chuyển 2.785 cơ sở, bán 3.036 cơ sở, thu hồi 641 cơ sở, chuyển mục đích sử dụng đất 402 cơ sở, di dời 80 cơ sở và phương án khác là 3.155 cơ sở nhà, đất.

Đồng thời, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng đó, khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại như các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức; sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Việc khắc phục tình trạng sử dụng trụ sở làm việc, nhà, đất sai quy định diễn ra còn chậm, kéo dài, thiếu chế tài xử lý từ khâu chính sách đến tổ chức thực hiện; một số bộ, ngành không thực hiện bàn giao lại trụ sở cũ khi xây dựng trụ sở mới.

Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành định mức sử dụng diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để làm cơ sở đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, bố trí sử dụng, xử lý nhà, đất; tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức đối với diện tích chuyên dùng...

Sẽ mở rộng khoán xe công

Giải đáp về vấn đề thực hiện khoán xe công để tiết kiệm chi NSNN, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng,… Trong đó, có một số Bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Hà Nội…

Ông Trần Đức Thắng khẳng định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể
số lượng xe ô tô công.

Tại Bộ Tài chính, bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc từ ngày 01/10/2016; tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương) từ ngày 01/05/2017. Tới nay, tính riêng khối Văn phòng Bộ, số đầu xe đã giảm gần 50%.

TP. Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/02/2017) tại 08 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố; gồm: 04 Sở; 02 quận; có 52 đồng chí thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 đồng chí và khối quận, huyện là 32 đồng chí. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ tháng 5/2018) tại 05 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý an toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh). Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán của Thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm (cho 05 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Theo ông Thắng, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán; tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Về giải pháp trong thời gian tới, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô để xem xét, ký ban hành. Theo đó sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán; đồng thời giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...