CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 09:11

Sống được bằng lương – Hi vọng đang lớn dần

29/01/2019 | 11:04
Việc chi tiêu cụ thể của các gia đình được khảo sát và có thực trạng như sau: 17% người lao động có dư dật và tích lũy; 43% vừa đủ trang trải cuộc sống; 26% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ.
 
Tăng lương ngay từ đầu năm
 
Nhiều tờ báo đã có những bài viết khá sâu, khá đầy đủ về chuyện tăng lương trong năm 2019. Những cái tít “Tăng lương ngày từ 01/01/2019”, “Năm 2019, lương tối thiểu vùng tăng thêm 200.000 đồng”… khiến chúng ta ấm lòng trong những ngày đông giá rét. Tuy nhiên, khi những con số cụ thể đưa ra thì chúng ta vẫn có đôi chút ngậm ngùi. Mức lương tối thiểu vùng trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng mỗi tháng, tùy khu vực. Cụ thể là thế này: Từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu mỗi tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp vùng I là 4.180.000 đồng, vùng II là 3.710.000 đồng, vùng III là 3.250.000 đồng, vùng IV là 2.920.000 đồng. So với mức lương tối thiểu vùng năm 2018, lương mới trong 2019 cao hơn 160.000 - 200.000 đồng mỗi tháng tùy theo khu vực. 
 
Các đối tượng được hưởng mức lương này bao gồm: những người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động. Như vậy đây là những người hưởng lương không phải tiền từ ngân sách Nhà nước.
 
 
Ảnh minh họa
 
Những người ăn lương ngân sách thì sao?
 
Bộ Tài chính đã cho biết hiện có khoảng 7,5 triệu người hưởng lương ngân sách, chưa tính biên chế lực lượng vũ trang. Dự kiến cần khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2019. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và cùng thời điểm tăng lương cơ sở. Nói tóm lại, lương cơ sở sẽ tăng thêm 100.000 đồng từ 01/7/2019. Với mức lương này, đã sống được chưa?
 
Thật khó trả lời cho câu hỏi này vì mức lương của mỗi người khác nhau. Nếu lấy mức của những người mới tốt nghiệp đại học thì họ nhận được mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, còn lương của những người có hệ số cao thì trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, dựa vào số liệu của PGS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Công nhân - Công đoàn, chúng ta có thể hiểu được thực trạng tiền lương và cách chi tiêu của người dân hiện nay. Theo đó, mức chi tiêu tối thiểu của người lao động hiện nay là 6,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi tiền lương cơ bản họ nhận được trung bình là 4,6 triệu đồng. Người lao động thường phải làm thêm trung bình 28 giờ để nhận được thêm hơn 800.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, để có thể sống bình thường, ngoài tiền lương ra, đại bộ phận người lao động phải tìm những nguồn thu nhập khác.
 
Việc chi tiêu cụ thể của các gia đình được khảo sát và có thực trạng như sau: 17% người lao động có dư dật và tích lũy; 43% vừa đủ trang trải cuộc sống; 26% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ.
 
Những con số trên đây giải thích vì sao cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, mặc dù bao nhiêu năm nay nhiều người vẫn kêu là lương không đủ sống. Con người tìm mọi cách để sống và mưu cầu hạnh phúc mặc dù tiền lương chưa chính thức bảo đảm cho họ điều đó.
 
Một điều ai cũng thấy là số người hưởng lương từ ngân sách còn quá lớn. Muốn tăng lương cho những người làm việc tại khu vực này, việc giảm biên chế là điều không thể tránh khỏi.
Mạnh dạn cắt giảm biên chế, cắt giảm việc cấp kinh phí cho những tổ chức hội (họ phải hoạt động dựa vào hội phí và khả năng tài chính của mình) thì sẽ có nguồn tiền đáng kể để tăng lương cho công chức, viên chức.
 
Sống được bằng tiền lương, cơ sở ở đâu?
 
Nói đến tiền lương thì phải căn cứ vào ngân sách. Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 và dự toán 2019: Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Cụ thể, năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi (thấp hơn dự toán năm 2018 là 64,1%), tỷ trọng chi đầu tư 26,3% (cao hơn dự toán năm 2018 là 26,2%). Sự chuyển biến của tỷ lệ này tuy còn  khiêm tốn, nhưng đây là xu hướng tích cực.
 
Trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhiệm vụ chi lương bố trí cao hơn (tăng lương cơ sở 100.000 đồng/tháng từ 1/7/2019) và bảo đảm các chính sách an sinh – xã hội, việc chuyển dịch cơ cấu chi ngân sách Nhà nước như dự kiến là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương.
 
Hội đồng tiền lương quốc gia đã qua nhiều phiên họp để chốt phương án lương tối thiểu vùng, đồng thuận trình Chính phủ mức tăng lương bình quân năm 2019 là 5,3% so với năm 2018. Đây là con số chấp nhận được, mặc dù người hưởng lương thì muốn cao hơn, còn người trả lương thì muốn thấp hơn. Ai cũng biết tiền lương luôn phụ thuộc vào hiệu quả và năng suất lao động. Tình hình hiện nay mới cho phép tăng trên dưới 5% mỗi năm.
 
Điểm qua tình hình như vậy để thấy rằng, việc sống được bằng tiền lương chưa thể trở thành hiện thực trong thời gian gần nhưng hi vọng về điều này đang lớn dần. Nếu Chính phủ và người dân cùng nỗ lực thì điều đó sẽ diễn ra. Chính phủ mạnh tay cắt giảm biên chế, cắt giảm những khoản bao cấp cho một số tổ chức hoạt động, người dân cố gắng tăng năng suất và hiệu quả lao động.

Trọng Đàm/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...