THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:55

Sống văn minh, thanh lịch - Bắt đầu từ nhận thức

09/06/2017 | 14:33
 
Gia đình Hà Nội thường coi trọng những bữa cơm đầm ấm, mâm cơm được trình bày đẹp mắt. Ảnh: KT
 
Từ một chỉ thị mang tính chỉ đạo sát sao…

Về nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô Hà Nội, đã có nhiều ý kiến bàn luận từ nhiều năm nay. Ý kiến nhiều chiều, rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau nhưng tựu trung ai cũng muốn người Hà Nội cần có lối sống văn minh, thanh lịch. Điều này vừa xứng đáng với truyền thống văn vật ngàn năm của Thủ đô Hà Nội, vừa đại diện cho lối sống của người Việt Nam trong mắt khách nước ngoài, vừa noi gương cho các địa phương học tập.

Đứng trước đòi hỏi như vậy, ngày 26/5/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. 

Chỉ thị này gồm 10 điều, bao quát tất cả yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Chỉ thị này được phổ biến xuống từng chi bộ, nhằm tạo ra bước đột phá trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, nhất là công tác đảm bảo trật tự, văn minh, thanh lịch của Hà Nội trên khắp các địa bàn. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi vì trên thực tế, việc xây dựng và phát triển, công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Đặc biệt, vấn đề an toàn giao thông, nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường cần phải được chấn chỉnh.
 
 
Người Hà Nội vốn coi trọng lối sống văn minh, thanh lịch. Ảnh: KT

… đến việc thay đổi nhận thức của từng người dân

Người dân Hà Nội ngày xưa rất tự hào với sự thanh lịch của mình. Vì thế, câu ca dao vốn không hoàn hảo lắm về gieo vần, không rõ về nghĩa là “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An” vẫn được yêu thích. Thanh lịch thực sự là “đặc sản”, là “báu vật” của người dân Thủ đô. Cái thanh lịch này, trước hết nó thể hiện ở lối sống nho nhã, thanh bạch; cách ứng xử tinh tế; cách nói năng nhỏ nhẹ, lời lẽ đẹp; trang phục sang trọng, phù hợp; thái độ hòa nhã, mến khách. Tiếp theo là nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Thứ nữa là phố xá sạch đẹp, xanh mát bóng cây… Nguyện vọng của phần lớn những người sống ở Hà Nội là phải giữ cho được những thứ này.

Ngày xưa, khi dân số còn ít, để duy trì sự thanh lịch - không quá khó. Ngày nay, khi dân số tăng nhanh vùn vụt, lại có rất nhiều người từ các miền quê khác đổ về mưu sinh, nếp sống ở Thủ đô có nhiều biến động, bị pha trộn và có nhiều biểu hiện xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống. Điều này nhiều người đã nhận ra, kể cả lãnh đạo, người dân bình thường, trong đó có những người chỉ là khách của Thủ đô Hà Nội.

Để giữ vững nếp sống văn minh, thanh lịch trong điều kiện hiện nay, cần phải làm rất nhiều việc. Việc đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và du khách. Tuyên truyền để tất cả mọi người nâng cao nhận thức, có ý trách nhiệm để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; giữ gìn và phát huy nét thanh lịch của người dân Thủ đô.

Pháp luật phải được tôn trọng, thưởng phạt công minh

Song song với việc tuyên truyền, cần phải tôn trọng luật pháp, chấn chỉnh kỷ cương trong xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự đô thị; quản lý tốt đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường; sắp xếp lại hệ thống biển hiệu, quảng cáo rao vặt, quản lý vỉa hè, lòng đường; không để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến phố mới.

Tất cả những điều này, hoặc đã được luật hóa, hoặc đã có những quy định cụ thể, chỉ cần thực hiện nghiêm túc là được. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chưa được như mong muốn, nhiều vụ việc nổi cộm nhiều năm mà không được giải quyết triệt để. Vụ lùm xùm ở số nhà 146 Quán Thánh (Ba Đình) là một ví dụ điển hình.

Việc cải tạo chung cư cũ là vấn đề nóng của Hà Nội. Ở đây không chỉ là mỹ quan của thành phố, mà còn là sinh mạng của những người dân. Đổ cho nhân dân không chịu di dời là không đúng. Tôi lấy ví dụ, những hộ dân sống tại đơn nguyên 3, khu tập thể Bộ Tư pháp (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) rất hồ hởi bốc thăm căn hộ tạm cư ở Yên Hòa. Việc này diễn ra trước Tết Đinh Dậu 2017, nhiều người nghĩ là được chuyển ngay, nhưng gần nửa năm đã trôi qua, vẫn “án binh bất động”; hỏi cán bộ khu phố, cán bộ phường - họ đều lắc đầu không biết. Vậy ai biết điều này? Nếu nhà đổ (nghiêng lắm rồi), người chết - ai chịu trách nhiệm?

Thật ra, khía cạnh văn minh, thanh lịch ở đây là phương pháp làm việc; nói và làm phải thống nhất để dân tin. Một điều nữa cần phải làm ngay là thưởng, phạt phải công minh. Ai làm việc tốt, được khen thưởng. Ai làm việc xấu, phải trừng phạt. Đây là nguyên tắc đơn giản tạo niềm tin cho nhân dân những chúng ta thực hiện chưa nghiêm, nhất là xử phạt những người vi phạm. Cứ nhìn vào cách đi lại của một số người trên phố thì ai cũng phải công nhận điều này.

Để nét văn minh, thanh lịch của dân Thủ đô được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, từ người dân tới cán bộ lãnh đạo đều phải thay đổi nhất thức. Bắt đầu bằng việc nói là làm phải đi đôi với nhau.

Ngày xưa, khi dân số còn ít, để duy trì sự thanh lịch - không quá khó. Ngày nay, khi dân số tăng nhanh vùn vụt, lại có rất nhiều người từ các miền quê khác đổ về mưu sinh, nếp sống ở Thủ đô có nhiều biến động, bị pha trộn và có nhiều biểu hiện xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống.                        

 

Đàm Trọng/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...