THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 04:42

Tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử với trẻ em

02/01/2023 | 08:06
Gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang nhanh chóng xâm nhập vào giới trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em.
Thuốc lá điện tử quảng cáo công khai trên mạng. Ảnh minh họa

Thuốc lá điện tử quảng cáo công khai trên mạng. Ảnh minh họa

Nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử

Các vụ ngộ độc thuốc lá điện tử trong học sinh diễn ra liên tiếp thời gian gần đây khiến những bậc làm cha mẹ không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Ðã có không ít trường hợp trẻ em phải cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.

Ðầu tháng 12/2022, 8 học sinh tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Sự việc xảy khi một học sinh lớp 3 nhặt được thuốc lá điện tử và mang đến lớp. Sau bữa ăn bán trú, trong lúc chuẩn bị đi ngủ trưa, một số học sinh cùng lớp tò mò dùng thử hoặc hít phải khói thuốc nên có dấu hiệu buồn nôn, đau đầu, được nhà trường cùng phụ huynh đưa đến bệnh viện kiểm tra.

Trước đó, ngày 22/8/2022, tại Trường THPT Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), một học sinh nữ lớp 11 mang theo thuốc lá điện tử đi học rồi rủ các bạn hút cùng khiến 7 học sinh có biểu hiện chóng mặt và nôn.

Ðây chỉ là 2 vụ việc điển hình khi trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử bị ngộ độc, các vụ việc tương tự cũng xảy ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin)… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son… Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây…) cùng những lời quảng cáo không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã nhanh chóng xâm nhập vào đời sống giới trẻ.

Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc lá điện tử thường chứa những thành phần hóa chất độc hại, có thể gây ngộ độc cấp tính với người dùng, đặc biệt là trẻ em.

Thuốc lá điện tử là loại thuốc lá có chứa nicotine - một chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, nó còn có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.

Ngoài ra, khói thuốc lá điện tử có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng. PGS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai) cảnh báo, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi không hồi phục. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.

Ðáng báo động, đã có hiện tượng biến tướng, lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn khiến người dùng ngộ độc nặng nề, rối loạn thần kinh, kích thích vật vã, tổn thương phổi, gan, não và nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu trẻ sử dụng thuốc lá điện tử

- Có những bất thường về sức khỏe như biểu hiện hô hấp (ho, hụt hơi, khó thở…), vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.

- Thay đổi hành vi: Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

- Tìm thấy những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB, thỏi son… Vì vậy, nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

- Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả, mùi thơm rất hấp dẫn, phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.

- Có hành vi lén lút, đáng ngờ: Nên để ý nếu thấy trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật, vì trẻ em có xu hướng lén lút sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè.

Tăng cường tuyên truyền cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Tăng cường tuyên truyền cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Vai trò của gia đình và  nhà trường

Ðể hạn chế tối đa vấn nạn trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử thì gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng.

Trong gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động thể dục thể thao… Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Ðể giúp con tránh xa thuốc lá điện tử, theo TS. Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ÐH Sư phạm Hà Nội, các bậc cha mẹ cùng con tìm hiểu về thuốc lá điện tử dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì; Sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá điện tử trong trường học… Cần thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử.

Cùng với gia đình, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, trong đó có sử dụng thuốc lá điện tử. Nhà trường cần giáo dục, giúp học sinh nhận biết được các chất gây nghiện và nhận biết các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng cho học sinh sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Kết quả Ðiều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.

Nam Anh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Nữ sinh lớp 10 ở Bình Định đột tử trong giờ học thể dục

Nữ sinh lớp 10 ở Bình Định đột tử trong giờ học thể dục

1 năm trước

Trong lúc đang khởi động tại chỗ để vào buổi học chính thức môn thể dục, nữ sinh này có biểu hiện tím tái rồi tử vong. Gia đình nạn nhân cho biết, trước khi tử vong, em L. có tiền sử...
Hà Nội: 2 bệnh nhân xơ hóa đông đặc phổi nghi do di chứng Covid-19

Hà Nội: 2 bệnh nhân xơ hóa đông đặc phổi nghi do di chứng Covid-19

1 năm trước

Hai bệnh nhân nhập viện do khó thở, tức ngực, sau đó phát hiện nhiều ổ cặn xơ hóa khiến phổi đông đặc, viêm dính nhiều ở nhu mô phổi… Trước đó, cả hai người đều mắc Covid-19.
Chính phủ Anh và UNICEF hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Việt Nam

Chính phủ Anh và UNICEF hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Việt Nam

1 năm trước

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã trao tặng trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Bộ Y tế Việt Nam nhằm hỗ trợ phục hồi hệ thống y tế.